Đa dạng ý tưởng sáng tạo
Ban giám khảo Cuộc thi Khoa học kỹ thuật năm học 2023 – 2024 thông tin, trong 97 đề tài lọt vòng chung khảo cấp TP có 46 đề tài thuộc nhóm lĩnh vực Vật lý; 15 đề tài thuộc nhóm lĩnh vực Hóa học, 18 đề tài thuộc nhóm lĩnh vực Sinh – Y – Môi trường và 18 đề tài thuộc nhóm lĩnh vực Khoa học xã hội hành vi. Hầu hết các đề tài có nội dung gần gũi, thiết thực, vận dụng kiến thức đã học giải quyết các vấn đề của cuộc sống hàng ngày.
Đáng lưu ý, nhiều đề tài gắn liền với chương trình giáo dục phổ thông 2018 như: Hệ thống phần mềm và thiết bị hỗ trợ học từ vựng tiếng Anh cho học sinh lớp 2 theo Chương trình Giáo dục phổ thông 2018 (nhóm tác giả Đoàn Hoàng Gia Bảo, Nguyễn Gia Long, Trường Tiểu học và THCS Victoria Thăng Long); Học Lịch sử với công nghệ thực tế ảo (nhóm tác giả Bùi Hải Đăng, Bá Đinh Gia Hưng, Trường THCS Thanh Xuân Trung), Mô hình lớp học thông minh (nhóm tác giả Nguyễn Quang Phúc, Đặng Hồng Ánh (Trường THCS Phan Chu Trinh – Ba Đình), Nghiên cứu thực trạng và đề xuất giải pháp học môn Khoa học tự nhiên cho học sinh THCS trên địa bàn TP (nhóm tác giả Nguyễn Phúc Anh Sơn, Phạm Gia Bảo, Trường THCS Cát Linh)…
Nhiều đề tài mang tính xã hội và đi sâu nghiên cứu những vấn đề nổi cộm của đời sống học đường: Hội chứng khuôn mặt trống rỗng phía sau thói quen đeo khẩu trang của học sinh một số trường THCS (Nhóm tác giả Đoàn Lê Thủy Tiên, Đoàn Bảo Lâm, Trường THCS Trưng Nhị - Hai Bà Trưng), Giải pháp khắc phục bạo lực ngôn ngữ của học sinh tại trường THPT Ứng Hòa A (Nhóm tác giả Nguyễn Minh Hằng, Phùng Thủy Trang, Trường THPT Ứng Hòa A); Khảo sát và biện pháp nâng cao nhận thức của thế hệ GenZ trên địa bàn TP Hà Nội về hội chứng trầm cảm cười (Nhóm học sinh Đàm Ngọc Nhi, Nguyễn Ngọc Hà Linh, Trường THPT chuyên Hà Nội – Amsterdam), Nâng cao kỹ năng phòng tránh sử dụng thuốc lá điện tử trong trường THCS (Nhóm tác giả Đàm Minh Hương, Đoàn Ngọc Hà, Trường THCS Bạch Hạ, Phú Xuyên)….
Ban giám khảo đánh giá cao tất cả các ý tưởng sáng tạo của thí sinh tại kỳ thi, đồng thời nhận định: Với sự hướng dẫn của thầy cô giáo, các nhà khoa học, từ ý tưởng ấp ủ, bằng sự miệt mài nghiên cứu khoa học, sáng tạo kỹ thuật ứng dụng vào phát triển công nghệ và sự vận dụng kiến thức các môn học, các học sinh đã hiện thực hóa các vấn đề nghiên cứu, ít nhiều giải quyết được những vấn đề thực tiễn đặt ra.
Tạo điều kiện tối đa cho học sinh nghiên cứu khoa học
Tại cuộc thi còn có nhiều đề tài thể hiện trách nhiệm xã hôi, trách nhiệm công dân và tình yêu quê hương của các tác giả nhỏ tuổi. Có thể kể đến ý tưởng “Nghiên cứu bào chế, sử dụng dịch chiết từ cây tô mộc để ứng dụng trong nhuộm vải lụa tơ sen được rút thủ công từ cuống lá sen” của nhóm tác giả Nguyễn Hà Trang, Đỗ An Huy (Trường Tiểu học & THCS Mỹ Đức).
Chia sẻ về ý tưởng nhuộm vải tơ sen từ cao cây tô mộc, nhóm tác giả cho hay, xuất phát từ niềm tự hào về quê hương Mỹ Đức - nơi đầu tiên trong cả nước thành công dệt được những tấm lụa sen được rút thủ công từ cuống lá sen, các em đã nghĩ đến công đoạn nhuộm vải tơ sen bằng cây thảo mộc mới đảm bảo lành tính, bền màu, tiết kiệm thời gian. Trên cở sở đó, các em nghĩ đến cây tô mộc – một loại cây rất phổ biến ở địa phương.
“Giải pháp đưa ra giúp người dân rút ngắn thời gian nhuộm vải và tăng độ bền, độ đẹp cho vải lụa sen; không tốn kém; dễ dàng sử dụng, nước thải do quá trình nhuộm vải không gây ô nhiễm môi trường. Không những vậy còn rút ngắn thời gian nhuộm vải từ 4-6 tiếng, chất lượng vải tơ sen cũng bền đẹp hơn….”, nhóm tác giả cho hay.
Được biết, để tạo nên thành công của ý tưởng, nhóm tác giả không chỉ nhận được sự chỉ bảo tận tình của giáo viên hướng dẫn, của tập thể Ban giám hiệu Trường Tiểu học & THCS Mỹ Đức mà còn được gia đình, các nghệ nhân địa phương nhiệt tình trong chia sẻ kinh nghiệm. Điều đó làm các em vững vàng hơn, tự tin hơn, có nhiều năng lượng tích cực hơn trong quá trình nghiên cứu, thử nghiệm ý tưởng.
Mang đến cuộc thi dự án “Cặp sách tích hợp phao cứu sinh”, nhóm học sinh Trường THPT Vinschool Harmony mong muốn đóng góp thêm giải pháp giảm thiểu tình trạng học sinh bị đuối nước. Đại diện nhóm tác giả dự án, em Nguyễn Ngọc Minh Khuê chia sẻ, nếu có thêm kinh phí, nhóm sẽ dành thời gian nghiên cứu, hoàn thiện sản phẩm. Các em cũng mong muốn ý tưởng sẽ được đầu tư, sản xuất để tặng học sinh vùng sông nước, giúp các bạn đến trường an toàn hơn.
Luôn tạo điều kiện tối đa cho học sinh có niềm đam mê nghiên cứu khoa học, Phó Hiệu trưởng Trường THPT Phan Huy Chú - Đống Đa (quận Đống Đa) Ngô Thị Thành cho biết, nhà trường kết nối với các trường đại học để học sinh được tiếp cận với phương tiện, thiết bị hiện đại; tạo cầu nối với các chuyên gia hỗ trợ học sinh về phương pháp nghiên cứu. Bên cạnh đó, nhà trường còn khuyến khích giáo viên hỗ trợ học sinh phát hiện, hình thành ý tưởng và đồng hành cùng các em trong quá trình xây dựng, hoàn thiện dự án nhằm giải quyết những vấn đề đặt ra trong cuộc sống…
Tạo điều kiện thuận lợi tối đa cho học sinh cũng là đề nghị của lãnh đạo ngành GD&ĐT Hà Nội với hoạt động nghiên cứu khoa học trong các nhà trường. Không những vậy, những ý tưởng xuất sắc, mang tính ứng dụng cao sẽ được kết nối, kêu gọi các nhà tài trợ đầu tư, giúp hiện thực hóa ý tưởng của các em.