Khóa 47 HĐNQ diễn ra từ ngày 22/6-14/7/2021 chủ yếu bằng hình thức trực tuyến, có kết hợp họp trực tiếp nhằm bảo đảm phòng chống đại dịch Covid-19 và sức khỏe cho tất cả đại diện các nước và tổ chức tham dự, trong bối cảnh tuy có nhiều chuyển biến tích cực trong tình hình dịch Covid-19 và tỷ lệ tiêm chủng tại Thụy Sỹ và các nước châu Âu những tháng gần đây, nhưng diễn biến dịch ở một số khu vực vẫn phức tạp mà tỷ lệ tiêm chủng thấp.
Đại sứ, Trưởng Phái đoàn thường trực Việt Nam bên cạnh LHQ, Tổ chức Thương mại Thế giới (WTO) và các tổ chức quốc tế khác tại Geneva- bà Lê Thị Tuyết Mai. |
Khóa họp bao gồm 38 phiên họp, trong đó có các phiên đối thoại với Cố vấn đặc biệt của Tổng thư ký LHQ về ngăn ngừa nạn diệt chủng; 07 phiên đối thoại chuyên đề; thảo luận 38 báo cáo và 25 phiên đối thoại với các cơ chế Thủ tục đặc biệt về các chủ đề như quyền của người di cư, chống bạo lực và phân biệt đối xử đối với phụ nữ, chống buôn bán người, sự độc lập của thẩm phán và luật sư, xóa nghèo cùng cực, chống hành quyết độc đoán, quyền riêng tư, phân biệt chủng tộc, quyền giáo dục, xu hướng tình dục và bản dạng giới, quyền tự do hội họp, quyền tự do ngôn luận, chống giam giữ độc đoán; đối thoại về báo cáo của các cơ chế nhân quyền LHQ về tình hình nhân quyền tại một số nước (Belarus, Venezuela, Syria, Myanmar, Palestine, Ukraina, CH Trung Phi, Georgia, Iran và Nicaragua). Ngoài ra, tại Khóa họp, HĐNQ cũng đã xem xét thông qua báo cáo Rà soát định kỳ phổ quát (UPR) của 13 nước.
Đoàn Việt Nam đã tích cực tham dự Khóa 47, trong đó đã phối hợp tổ chức Phiên thảo luận chuyên đề hàng năm về quyền của người cao tuổi trong bối cảnh biến đổi khí hậu, trên cơ sở Nghị quyết về chủ đề này do Nhóm nòng cốt gồm Bangladesh, Philippines và Việt Nam giới thiệu năm 2020.
Phiên thảo luận đã thu hút sự tham gia của đông đảo các quốc gia và tổ chức quốc tế như Chương trình Môi trường Liên hợp quốc (UNEP) và một số tổ chức phi chính phủ có trụ sở tại Geneva. Các diễn giả và đại biểu các nước, tổ chức quốc tế, tổ chức phi chính phủ, đều nhấn mạnh tác động tiêu cực và không đồng đều của biến đổi khí hậu đối với quyền con người, đặc biệt là người cao tuổi, là nhóm dễ bị tổn thương, nhất là trong tình huống khủng hoảng như đại dịch Covid-19.
Với nỗ lực đề xuất và vận động của Phái đoàn Việt Nam cùng các Phái đoàn Bangladesh và Philippines tại Geneva, ngày 14/7 HĐNQ đã thông qua Nghị quyết năm 2021 về biến đổi khí hậu và quyền con người, tập trung vào các nhóm người dễ bị tổn thương, với số phiếu ủng hộ cao (46 phiếu thuận/ 0 phiếu chống/1 phiếu trắng trong tổng số 47 thành viên HĐNQ).
Từ năm 2014, Việt Nam cùng các thành viên Nhóm nòng cốt giới thiệu Nghị quyết hàng năm về biến đổi khí hậu và quyền con người để HĐNQ xem xét và thông qua, với trọng tâm mỗi năm tập trung vào từng nhóm cụ thể như: Quyền trẻ em, quyền sức khoẻ, quyền của người di cư, quyền phụ nữ… trong bối cảnh biến đổi khí hậu.
Sự tham gia tích cực của Việt Nam trong việc xây dựng và giới thiệu Nghị quyết này cũng như trong các hoạt động của Nhóm nòng cốt của Nghị quyết phản ánh nỗ lực của Việt Nam trong việc ứng phó với biến đổi khí hậu, đồng thời góp phần thực hiện chính sách đối ngoại chủ động, tích cực, có trách nhiệm với các vấn đề chung của cộng đồng quốc tế.
Cũng tại Khóa 47 HĐNQ, Đoàn Việt Nam đã tích cực phát biểu tại 22 phiên họp như các phiên thảo luận về quyền sức khỏe, quyền của người di cư, quyền của người cao tuổi trong bối cảnh biến đổi khí hậu, bình đẳng giới trong phục hồi sau đại dịch Covid-19, xóa nghèo cùng cực...
Phát biểu tại nhiều phiên họp, Đại sứ Lê Thị Tuyết Mai, Trưởng Phái đoàn thường trực Việt Nam bên cạnh LHQ, Tổ chức Thương mại Thế giới (WTO) và các tổ chức quốc tế khác tại Geneva đề cao chủ trương nhất quán, nỗ lực và thành tựu của Việt Nam trong thúc đẩy và bảo vệ quyền con người; khẳng định Việt Nam ủng hộ các cơ chế nhân quyền LHQ, ủng hộ tiến hành đối thoại thực chất, mang tính xây dựng về các vấn đề nhân quyền.
Bên cạnh đó, Đại sứ cũng nêu bật về nỗ lực cao nhất của Việt Nam bảo vệ quyền con người trong ứng phó với đại dịch Covid-19, để đảm bảo việc thụ hưởng các quyền con người cơ bản của người dân với ưu tiên cao nhất là bảo vệ tính mạng và sức khỏe của người dân, đặc biệt là các nhóm dễ bị tổn thương, đồng thời duy trì tăng trưởng kinh tế; kêu gọi các nước nỗ lực để tăng cường sản xuất vaccine Covid-19, bảo đảm tiếp cận kịp thời và công bằng đối với vaccine Covid-19 nhằm ứng phó hiệu quả đại dịch và phục hồi bao trùm và bền vững. Đại sứ Lê Thị Tuyết Mai cũng nhấn mạnh những nỗ lực của Việt Nam trong xóa nghèo cùng cực, bảo vệ quyền của người di cư...
Từ góc độ ASEAN, Đoàn Việt Nam cùng các Đoàn các nước ASEAN có một số phát biểu chung của ASEAN tại đối thoại, thảo luận về các chủ đề như tình hình ứng phó dịch bệnh Covid-19 của các quốc gia; biến đổi khí hậu và quyền con người; chống bạo lực với phụ nữ; hợp tác kỹ thuật để thúc đẩy quyền giáo dục và đảm bảo giáo dục bình đẳng, bao trùm và học tập suốt đời cho tất cả mọi người.
Ngoài ra, Đoàn Việt Nam cũng tích cực tham gia xây dựng nội dung các văn kiện, đồng bảo trợ nhiều sáng kiến trên tinh thần đối thoại và hợp tác, thể hiện quan điểm, chính sách nhất quán, thành tựu của Việt Nam và quan điểm, thành tựu chung của ASEAN về thúc đẩy và bảo vệ các quyền con người, góp phần cùng các nước đảm bảo hoạt động của HĐNQ phù hợp với các nguyên tắc cơ bản của luật pháp quốc tế.