Việt Nam đang nỗ lực cho phát triển xanh và hướng đi đó đã được truyền cảm hứng từ mô hình Bắc Âu, trong đó các thủ đô của họ mang đến những cách làm thật sáng tạo và bền vững.
Mô hình mà các thủ đô Copenhagen, Helsinki, Oslo và Stockholm đang áp dụng là phát triển kinh tế phải đi đôi với an sinh xã hội và bảo vệ môi trường.
Thành tựu đáng ngưỡng mộ
Cho đến nay, thủ đô 4 nước Bắc Âu là những thành phố xanh và đáng sống dù họ từng đối mặt với ô nhiễm nguồn nước và rác thải nghiêm trọng vài thập kỷ trước.
Tuy nhiên, quyết tâm chính trị và sự vào cuộc của mọi thành phần trong xã hội đã giúp Copenhagen, Helsinki, Oslo, và Stockholm trở thành hình mẫu trên thế giới.
Copenhagen đặt mục tiêu đến năm 2025 trở thành thủ đô trung hòa carbon đầu tiên trên thế giới. Với ưu thế tăng dân số chậm (20% trong thập kỷ tới), thành phố có thể kết hợp tăng trưởng, phát triển, đổi mới, tạo việc làm và nâng cao chất lượng cuộc sống với lượng khí thải CO2 ít đi.
Chính nỗ lực theo đuổi các mục tiêu giảm phát thải trong những thập kỷ qua đã mang lại kết quả to lớn. Từ năm 2009, Copenhagen đưa ra Kế hoạch Khí hậu đầu tiên và đã đạt được mức giảm CO2 lớn. Thành phố cũng có các Chính sách về Môi trường như không khí sạch, ít tiếng ồn, nước máy uống được và nhiều không gian xanh giúp cải thiện đáng kể sức khỏe và gia tăng hạnh phúc cho người dân.
Helsinki là thành phố đầu tiên ở châu Âu khởi động Đánh giá Địa phương Tự nguyện (VLR) với những chiến lược nhằm thực hiện thành công các Mục tiêu Phát triển Bền vững của Liên hợp quốc (SDGs).
Trên thực tế, tiến bộ vượt bậc trong giao thông công cộng đã giúp mọi ngõ ngách của thành phố được kết nối nhờ Quy hoạch Thành phố Helsinki được phê duyệt vào năm 2016 với định hướng phát triển bền vững cho 30 năm tới.
Với tiêu chí đó, đi bộ và đi xe đạp được ưu tiên hàng đầu ở thành phố này. Do vậy, cấu trúc đô thị của thành phố phải làm sao cho những loại hình giao thông này được tối ưu nhất. Hơn nữa, cơ chế chia sẻ xe đạp công cộng giúp người dân tiếp cận dịch vụ này dễ dàng hơn bao giờ hết. Có thể nói, giao thông bền vững đóng vai trò quan trọng trong tham vọng về cải thiện khí hậu của Helsinki.
Mục tiêu của Helsinki là trở thành một thành phố trung hòa carbon vào năm 2035.
Oslo cũng có các mục tiêu khí hậu đầy tham vọng của mình, điển hình là trong năm 2020 phải giảm 50% phát thải toàn thành phố so với mức năm 1990 và 95% vào năm 2030. Họ phấn đấu đạt kết quả bằng cách thực hiện cắt giảm lượng khí thải thực tế chứ không phải bằng việc mua tín chỉ carbon.
Để hiện thực hóa các mục tiêu phát thải, Oslo đã tiên phong trong việc đưa ra “ngân sách khí hậu” vào năm 2017, coi đó như công cụ quản trị hữu hiệu giúp cơ quan hữu trách biết nơi phải cắt giảm phát thải và người chịu trách nhiệm trong lĩnh vực giao thông công cộng và xây dựng.
Trong khi đó, ngay từ 2010, Stockholm đã được vinh danh là Thủ đô Xanh của Châu Âu đầu tiên nhờ cắt giảm khí carbon và nhiều mục tiêu khí hậu khác.
Năm 2016, thành phố thông qua kế hoạch đến năm 2040 không sử dụng nhiên liệu hóa thạch. Còn kể từ năm 1990 đến nay, thành phố đã cắt giảm 50% lượng carbon trên đầu người. Vào đầu tháng 10 năm 2019, Stockholm đã đưa ra sáng kiến mang tên Thỏa thuận xanh toàn cầu mới nhằm hưởng ứng Thỏa thuận Paris, trong đó có mục tiêu giữ cho Trái đất không tăng thêm 1,5 độ C mà các nước đã cam kết.
Lý giải sự thành công của các thành phố, Đại sứ 4 nước Bắc Âu chia sẻ trong một tọa đàm tại Hà Nội ngày 23/3 rằng chính những quyết sách chính trị và hành chính táo bạo đã giúp giải quyết thách thức nổi lên từ quá trình đô thị hóa, biến đổi khí hậu và môi trường mà họ từng gặp phải.
Trong khi đó, tham luận của đại diện đến từ bốn thủ đô cho thấy việc chuyển đổi xanh nhằm nâng cao chất lượng cuộc sống của người dân cũng như tạo cơ hội việc làm và đổi mới sáng tạo. Quá trình này đòi hỏi kế hoạch dài hạn và sự tham gia của nhiều thành phần trong xã hội.
Các chuyên nhấn mạnh vai trò của các nhà hoạch định chính sách, cơ quan hữu quan, khu vực tư nhân, tổ chức môi trường cũng như người dân bình thường, cho thấy họ là lực lượng chính trong lập và thực thi chính sách.
Các đại sứ cho biết sẵn lòng chia sẻ kiến thức và kinh nghiệm đã đạt được với hy vọng Việt Nam sẽ thấy họ là nguồn cảm hứng và hữu ích cho những nỗ lực không ngừng hướng tới phát triển bền vững, đặc biệt ở các thành phố lớn.
Theo GS. TS Dương Trung Ý, Phó Giám đốc Học viện Chính trị Quốc gia Hồ Chí Minh, mô hình để Việt Nam tham khảo là nỗ lực bền bỉ để phát triển bền vững, trong đó kim chỉ nam là sự kết hợp chặt chẽ giữa phát triển kinh tế và công bằng xã hội. Từ đó, tăng trưởng kinh tế luôn đi đôi với hệ thống phúc lợi tiên tiến, bảo vệ môi trường và duy trì bản sắc văn hóa.
Ngoài ra, kinh nghiệm quản trị và phát triển của Bắc Âu sẽ giúp đưa ra những khuyến nghị hữu ích cho các thành phố lớn của Việt Nam nói chung và Hà Nội nói riêng.