Việt Nam vươn mình trong kỷ nguyên mới

Hưởng ứng Cuộc vận động xây dựng và phát triển văn hóa doanh nghiệp: Văn hóa là hồn cốt của doanh nghiệp

Khắc Kiên
Chia sẻ Zalo

Kinhtedothi - Trong bối cảnh nền kinh tế thị trường và xu hướng toàn cầu hóa, văn hóa doanh nghiệp (VHDN) là tài sản vô hình, "hồn cốt" của mỗi DN, cũng như góp phần đẩy lùi tiêu cực.

VHDN được xây dựng từ người lãnh đạo đến nhân viên nhằm tạo ra sản phẩm, dịch vụ hướng đến cộng đồng, vừa có doanh thu, lợi nhuận vừa thể hiện trách nhiệm xã hội.
Tài sản vô hình
VHDN là các vấn đề rất cụ thể, đan xen trong mọi hoạt động, quyết định của DN. VHDN biểu hiện từ phong cách quản trị điều hành, đánh giá kết quả công việc, khen thưởng, bổ nhiệm, từ chức, cách thức bồi dưỡng, đào tạo nhân viên, phương thức triển khai hoạt động sản xuất, kinh doanh của DN, thực hiện trách nhiệm xã hội và đạo đức kinh doanh… Tất cả các vấn đề trên đều xuất phát từ nền tảng căn bản là con người.
Các chuyên gia nghiên cứu phát triển tổ chức trong và ngoài nước đã khẳng định, một DN thiếu vốn có thể đi vay, thiếu chiến lược có thể mời tư vấn, thiếu nhân sự thì tuyển dụng, đào tạo… nhưng không thể bỏ tiền để mua sự đồng cam cộng khổ, sự gắn bó của đội ngũ nhân viên. Do đó, một DN, đặc biệt là những DN có quy mô lớn là một tập hợp những con người khác nhau về trình độ chuyên môn, văn hoá, mức độ nhận thức, quan hệ xã hội… tạo ra một môi trường làm việc đa dạng và phức tạp.
Bên cạnh đó, với sự cạnh tranh gay gắt của nền kinh tế thị trường và xu hướng toàn cầu hoá, việc xây dựng VHDN là chính sách phát triển thương hiệu, là tài sản vô hình của mỗi DN, cũng như góp phần đẩy lùi tiêu cực.
 Sản xuất ô tô tại nhà máy Vinfast. Ảnh: Phạm Hùng
Phó Chủ tịch, Tổng Thư ký Hiệp hội DN nhỏ và vừa (Hanoisme) Mạc Quốc Anh chia sẻ, VHDN chính là “phần hồn của DN”, sẽ quyết định đến sự thành bại về lâu dài của DN. Việc xây dựng và phát triển VHDN phù hợp sẽ giúp định hướng, đồng bộ hành vi của tất cả nhân viên, hướng mọi thành viên tới mục tiêu chung của tổ chức, nâng cao năng suất làm việc, gắn kết và tạo động lực cho nhân viên, là nam châm thu hút nhân tài, cũng như tạo dựng cho DN một lợi thế cạnh tranh bền vững.
Đồng quan điểm này, Trưởng ban Cố vấn Hanoisme Trịnh Thị Ngân cho rằng, VHDN có rất nhiều nội hàm, trong đó thương hiệu của DN chính là cốt lõi của một DN. Trong kinh doanh, DN phải xây dựng được thương hiệu cho sản phẩm, như: Quy cách sử dụng, hạn sử dụng, có chính sách bảo hành… DN phải có trách nhiệm với sản phẩm của mình tới cùng. Mỗi DN có một văn hóa riêng dựa trên phong cách người lãnh đạo.

Chủ tịch HĐQT Tập đoàn Phú Mỹ Chu Đức Lượng: Hạnh phúc, thành đạt là sự cống hiến

VHDN của Phú Mỹ đơn giản là gắn kết từ hoạt động tinh thần cho đến hoạt động kinh doanh với triết lý “Hạnh phúc, thành đạt là sự cống hiến”.

Phú Mỹ luôn tâm niệm, nhân sự là khách hàng quan trọng nhất. Vì vậy, việc chăm lo đời sống cho CBNV và người thân của họ để họ an tâm làm việc với các chế độ đãi ngộ cao hơn nhiều so với quy định của pháp luật: BHXH, thăm hỏi và tặng quà khi ốm đau bệnh tật, hiếu, hỉ, sinh nhật, hỗ trợ CBNV khi gặp khó khăn… Chăm sóc cán bộ nữ trong các ngày lễ 8/3, 20/10.

Tặng quà các cháu là con cán bộ khi đầy tháng, ngày Thiếu nhi 1/6, Tết Trung thu. Khám sức khỏe hàng năm, tiêm vaccine, khám sàng lọc ung thư… Đối với Ban lãnh đạo, Công ty đài thọ một gói bảo hiểm sức khỏe toàn diện. Tổ chức du lịch, nghỉ mát, team building...

Làng Công nhân trong KCN Phú Nghĩa chính là minh chứng cho sự cống hiến của Phú Mỹ đối với cộng đồng xã hội. Đây là dự án nhà ở đầu tiên dành cho người lao động mà vốn do chính chủ đầu tư bỏ ra xây dựng, chi phí cho thuê thực hiện theo quy định của Nhà nước và là công trình được gắn biển “Công trình chào mừng kỷ niệm 1000 Thăng Long – Hà Nội”.

Ngoài ra, các hoạt động từ thiện đối với người có công với cách mạng, liệt sĩ, người nhiễm chất động màu da cam, thương bệnh binh, phụng dưỡng 2 mẹ Việt Nam Anh hùng, ủng hộ quỹ vì người nghèo của địa phương...

Phú Mỹ còn lập Quỹ học bổng Chắp cánh ước mơ tài trợ cho các cháu mồ côi cha mẹ cho đến khi các cháu tốt nghiệp đại học (tài trợ cho hơn 30 cháu).

Quỹ học bổng dành cho con CBNV gồm các cháu trong độ tuổi đi học từ Tiểu học trở lên, mỗi năm đều nhận được học bổng mà không phân biệt học lực.

Văn hóa quan trọng nhất của một DN cần có đó là chữ Tín trong quản lý. Đây tuy là những cái rất nhỏ nhưng thể hiện văn hóa của DN, giúp gắn kết trong DN, là hồn cốt đưa DN đó phát triển. “Thương hiệu và văn hóa DN đi song song với nhau, nếu có thương hiệu tốt sẽ là tiếng vang để DN phát triển. Ngược lại, một DN có văn hóa sẽ tạo ra sản phẩm tốt, có trách nhiệm với sản phẩm của mình” – bà Trịnh Thị Ngân nhấn mạnh.
Còn nặng hình thức
PGS.TS Đỗ Minh Cương - Phó Viện trưởng Viện Văn hóa Kinh doanh cho biết, xây dựng VHDN hiện nay chưa tương xứng với tầm quan trọng và vai trò của nó. Còn nhiều DN chưa biết đến, hoặc chưa thực sự tham gia vào Cuộc vận động. Còn nhiều DN làm văn hóa không theo chuẩn, mang tính phiến diện, đối phó hoặc nặng về hình thức nên ít tác dụng và hiệu quả thấp.
Để VHDN đi vào thực chất, theo PGS. TS Đỗ Minh Cương, giải pháp đầu tiên để khắc phục tình trạng này là phải nâng cao được nhận thức của DN về VHDN, trước hết và quan trọng nhất là từ người sáng lập, lãnh đạo DN đó, từ đó truyền đạt, lan tỏa xuống bộ phận cán bộ lãnh đạo, quản lý và xuống tận các công nhân viên và đơn vị cơ sở.
Cụ thể, ông Cương cho hay, lãnh đạo, người đứng đầu và bộ phận cán bộ quản lý phải được đào tạo và tự đào tạo về VHDN một cách hệ thống, theo kế hoạch, mục tiêu cụ thể thông qua vai trò của Chính phủ, các hiệp hội, tổ chức xã hội, trường đại học, các cơ quan báo chí, truyền thông… trong hoạt động của DN và có sự kết nối, phối hợp của các tổ chức này.
Theo chuyên gia kinh tế Nguyễn Minh Phong, VHDN sẽ được thúc đẩy bởi văn hóa quản lý Nhà nước. Thực tế, nếu văn hóa quản lý lành mạnh thì VHDN cũng lành mạnh và ngày một tốt hơn. Do đó, có 4 giải pháp rất quan trọng, đó là, Việt Nam cần xây dựng chuẩn quốc gia mới hội tụ những điều tốt đẹp của cả văn hóa truyền thống; xây dựng cơ chế bảo vệ lợi ích quốc gia và người tiêu dùng, giúp DN định hướng phát triển theo; đổi mới và thay đổi văn hóa quản lý, đặc biệt là văn hóa cán bộ; cuối cùng là phải tôn vinh DN có văn hóa.
Qua trải nghiệm thực tế quản lý, Phó Giám đốc Sở Công Thương Hà Nội Đàm Tiến Thắng cho rằng, bất kể DN nào để phát triển bền vững cũng cần hội tụ đủ 3 yếu tố “thiên thời, địa lợi, nhân hòa”, trong đó VHDN chính là yếu tố “nhân hòa”.
Vai trò VHDN đã và đang ngày càng khẳng định được tầm quan trọng đối với sự phát triển của DN. Điều đó càng khẳng định chủ trương của Chính phủ về xây dựng VHDN là hết sức đúng đắn, đảm bảo cho việc sản xuất, kinh doanh. Phát triển VHDN vừa là động lực, vừa là mục tiêu của phát triển bền vững.
“Đến lúc phải nhìn nhận, văn hóa là mục đích của sự phát triển, vừa là động lực, vừa là mục tiêu, tùy trường hợp cụ thể. Bản chất DN sinh ra là để kiếm lợi nhuận, phát triển, nhưng muốn phát triển bền vững thì bắt buộc phải có văn hóa. Văn hóa không thể tự có. Các DN cần biết mình đứng đâu, làm gì, nhận thức lại mình, lợi thế tiềm năng của mình để tự sửa đổi theo hướng tốt lên, xây dựng bản sắc riêng mình” - ông Đàm Tiến Thắng nói.

Năm 2016, Thủ tướng Chính phủ ban hành Quyết định số 1846/QĐ-TTg lấy ngày 10/11 hàng năm là Ngày Văn hóa DN Việt Nam và giao cho Hiệp hội Phát triển Văn hóa DN Việt Nam chủ trì tổ chức triển khai.

Trước đó, Cuộc vận động xây dựng VHDN Việt Nam được chính thức phát động trong cộng đồng DN và toàn xã hội vào ngày 7/11/2016, tại Lễ công bố Ngày Văn hóa DN Việt Nam.


Sáng nay, 6/8, dưới sự Chỉ đạo của Ban Tổ chức Cuộc vận động xây dựng và phát triển VHDN, UBND TP Hà Nội và Sở Công Thương Hà Nội, Hiệp hội Doanh nghiệp nhỏ và vừa TP Hà Nội và Hiệp hội phát triển văn hóa Doanh nghiệp Việt Nam tổ chức “Hội nghị triển khai Cuộc vận động xây dựng văn hóa doanh nghiệp Việt Nam do Thủ tướng Chính phủ phát động tại Hà Nội và 9 tỉnh đồng bằng sông Hồng”, bao gồm: Hà Nội, Thái Bình, Hưng Yên, Hải Dương, Nam Định, Hà Nam, Ninh Bình, Bắc Ninh, Hải Phòng.