Việt Nam vươn mình trong kỷ nguyên mới

Huyện Gia Lâm không nương tay cho vi phạm ở khu vực bến Lời

Nam Bắc
Chia sẻ Zalo

Kinhtedothi-UBND huyện Gia Lâm vừa có báo cáo gửi Thường trực Thành ủy và UBND TP Hà Nội về việc rà soát, xử lý vi phạm tại khu vực bến Lời, xã Đặng Xá.

Thời gian qua, có thông tin cho rằng huyện Gia Lâm chưa quan tâm tới công tác quản lý đê điều, quản lý khai thác khoáng sản; kiểm tra, kiểm soát xe quá tải… tại khu vực bến Lời, tuy nhiên sau khi rà soát, sự việc đã được làm sáng tỏ.

Trạm trộn bê tông của Công ty Hà Trang đã dừng hoạt động.
Trạm trộn bê tông của Công ty Hà Trang đã dừng hoạt động.

Nghiêm túc trong quản lý đất đai

Theo báo cáo của UBND huyện Gia Lâm gửi Thường trực Thành ủy và UBND TP Hà Nội, trong những năm qua, UBND huyện luôn quan tâm thực hiện nghiêm túc, quyết liệt chỉ đạo của Huyện ủy, HĐND huyện về công tác quản lý đất đai trên địa bàn. Cụ thể, từ nhiệm kỳ 2015-2020, UBND huyện đã chủ động đề xuất, tham mưu Ban chấp hành Đảng bộ huyện ban hành các nghị quyết về tăng cường quản lý, khắc phục tồn tại trong quản lý, xử lý các vi phạm trên đất nông nghiệp và đất công trên địa bàn.

UBND huyện cũng triển khai thực hiện nghiêm túc Chỉ thị số 13-CT/TU ngày 2/3/2022 của Thành ủy Hà Nội về “Tăng cường sự lãnh đạo, chỉ đạo trong công tác quản lý đất đai và quản lý, khai thác khoáng sản trên địa bàn thành phố Hà Nội”; chủ động xây dựng và ban hành kế hoạch về việc tăng cường sự lãnh đạo, chỉ đạo trong công tác quản lý đất đai và quản lý khai thác khoáng sản. Đồng thời, thường xuyên báo cáo, xin ý kiến chỉ đạo của Thường trực Huyện ủy, Ban Thường vụ Huyện ủy về kết quả khắc phục các tồn tại trong quản lý, sử dụng đất nông nghiệp, đất công, đất nông nghiệp công ích trên địa bàn.

UBND huyện đã tổ chức nhiều cuộc họp để chỉ đạo, kiểm điểm tiến độ và đôn đốc khắc phục, xử lý các tồn tại về đất đai. Từ năm 2020 đến nay, UBND huyện đã ban hành 4 kế hoạch chuyên đề; 15 thông báo; 67 văn bản chỉ đạo; đồng thời thành lập 3 tổ công tác liên ngành để thường xuyên kiểm tra, hướng dẫn, đôn đốc các xã, thị trấn trong quá trình thực hiện khắc phục, xử lý các tồn tại trên đất công, đất nông nghiệp. Đặc biệt, ngày 11/5/2023, UBND huyện Gia Lâm đã tổ chức hội nghị ký cam kết giữa UBND các xã, thị trấn với UBND huyện về tiến độ và thời hạn hoàn thành khắc phục các vi phạm trên đất công, đất nông nghiệp thuộc địa bàn quản lý. Trong đó đưa ra thời gian, lộ trình và phương án xử lý cụ thể đối với từng trường hợp để các xã, thị trấn thực hiện khắc phục.

Quan tâm chỉ đạo hoạt động ở khu vực bến Lời

Khu vực bến Lời, xã Đặng Xá, huyện Gia Lâm là khu vực bãi sông, do thuận lợi về vị trí địa lý nên từ lâu đã được cấp phép là điểm tập kết, trung chuyển vật liệu xây dựng trên địa bàn. Các doanh nghiệp hoạt động tại điểm trung chuyển này cũng đều được cấp phép. Trong đó, Công ty TNHH kinh doanh vật tư và vận chuyển Hà Trang (Công ty Hà Trang) được cấp phép hoạt động tập kết, trung chuyển vật liệu xây dựng; hoạt động bến thủy nội địa và được lắp đặt trạm trộn bê tông xi măng. Tuy nhiên, sau 2 lần gia hạn, đến ngày 15/6/2021, trạm trộn bê tông tạm thời của Công ty Hà Trang đã hết hạn giấy phép hoạt động.

Báo cáo của UBND huyện Gia Lâm gửi Thường trực Thành ủy và UBND TP Hà Nội cho thấy, những năm gần đây, để đảm bảo điểm trung chuyển vật liệu xây dựng hoạt động nghiêm túc, hiệu quả, UBND huyện luôn chủ động chỉ đạo và tiến hành rà soát tổng thể để xử lý triệt để vi phạm tại khu vực bến Lời.

Cụ thể, từ năm 2021 đến nay, UBND huyện Gia Lâm đã ban hành 6 văn bản chỉ đạo quyết liệt công tác xử lý vi phạm, yêu cầu doanh nghiệp dừng hoạt động, tháo dỡ, di dời toàn bộ máy móc, trang thiết bị trạm trộn ra khỏi khu đất và giao các đơn vị liên quan kiểm tra, lập hồ sơ xử lý theo quy định. Đồng thời chỉ đạo tăng cường công tác tuyên truyền, vận động, tập trung xử lý dứt điểm các vi phạm tồn tại ở khu vực bến Lời. Đặc biệt, ngay sau khi có thông tin phản ánh về tình trạng hoạt động tại khu vực bến Lời và chỉ đạo của Thành ủy Hà Nội về việc kiểm tra, báo cáo nội dung thông tin, UBND huyện Gia Lâm đã có văn bản chỉ đạo các đơn vị liên quan và xã Đặng Xá kiểm tra tổng thể công tác quản lý nhà nước tại khu vực bến Lời.

Kiên quyết xử lý vi phạm

Kết quả kiểm tra cho thấy, đối với hoạt động trung chuyển vật liệu xây dựng và hoạt động bến thủy nội địa, Công ty Hà Trang đang thực hiện theo đúng hợp đồng thuê đất với Sở TNMT và giấy phép do Sở GTVT cấp. Đối với hoạt động của trạm trộn bê tông, mặc dù đã hết thời hạn hoạt động được UBND TP cho phép nhưng Công ty Hà Trang vẫn chưa tháo dỡ, di chuyển vật liệu, máy móc thiết bị ra khỏi khu vực. UBND huyện Gia Lâm đã có văn bản yêu cầu Công ty khắc phục triệt để trong tháng 6/2023. Hiện tại, Công ty đã dừng toàn bộ hoạt động tại trạm trộn bê tông này.

Trong quá trình kiểm tra việc sử dụng đất và các hoạt động tại khu vực bến Lời, UBND huyện Gia Lâm nhận thấy Công ty Hà Trang đang sử dụng sai mục đích một phần diện tích vào việc làm bãi xe, đây là diện tích đất nông nghiệp được Công ty thuê của các hộ dân (đất được giao theo nghị định 64/CP). UBND huyện Gia Lâm đã giao UBND xã Đặng Xá làm việc với Công ty Hà Trang, hiện Công ty Hà Trang đã có cam kết chủ động khắc phục vi phạm và tháo dỡ các công trình trên đất nông nghiệp. Đối với việc chấp hành pháp luật đê điều, UBND huyện Gia Lâm đã chỉ đạo các đơn vị, doanh nghiệp thực hiện đúng theo yêu cầu của Chi cục Phòng chống thiên tai – Sở NN&PTNT Hà Nội.

Về thông tin phản ánh tình trạng xe quá khổ, quá tải chạy trên đê khu vực bến Lời, UBND huyện Gia Lâm đã giao Công an huyện, Đội Thanh tra GTVT huyện Gia Lâm kiểm tra, báo cáo làm rõ. Kết quả cho thấy, hiện trạng khu vực bến Lời, các xe chạy từ bến thủy nội địa Hà Trang cắt ngang qua mặt đê xuống đường Ỷ Lan. Trên tuyến đường Ỷ Lan không có biển cấm hạn chế tải trọng. Các phương tiện chở hàng hóa chưa có phát hiện cơi nới thành thùng, có bạt che chắn.

Giải pháp nào cho trạm trộn bê tông?

Tuy việc kiểm tra, xử lý vi phạm trên địa bàn là thường xuyên, chặt chẽ, đúng quy định và trình tự pháp luật, song cũng theo lãnh đạo UBND huyện Gia Lâm, việc cho phép hay buộc dừng các trạm trộn bê tông ở khu vực ngoại thành rất cần được UBND TP Hà Nội xem xét, có chỉ đạo phù hợp. Thời gian qua, không riêng gì trạm trộn bê tông của Công ty Hà Trang, trên địa bàn huyện Gia Lâm còn 5 trạm trộn bê tông cũng trong tình trạng tương tự, đó là được cấp phép trong thời gian ngắn, sau đó gia hạn nhiều lần. Quá trình chờ gia hạn không chỉ gây khó khăn cho doanh nghiệp mà còn gây ra nhiều hệ lụy cho chính quyền địa phương nơi có địa điểm đặt trạm trộn bê tông.

Gia Lâm đang trong quá trình xây dựng huyện trở thành quận, tốc độ đô thị hóa cao, nhiều dự án xây dựng lớn được triển khai nên nhu cầu sử dụng bê tông tươi trong hoạt động xây dựng là tất yếu. Việc lắp đặt các trạm trộn bê tông trên địa bàn không những tạo điều kiện thuận lợi cung cấp nguyên liệu cho các công trình xây dựng, tiết kiệm chi phí (do không phải mua nguyên vật liệu từ xa) mà còn tạo công ăn, việc làm cho lao động địa phương. Do đó, để tránh tình trạng vi phạm về xây dựng, đất đai, môi trường, giao thông và hạ tầng giao thông trong hoạt động sản xuất bê tông, công tác quy hoạch các trạm trộn bê tông trên địa bàn TP cần được rà soát, thực hiện sớm, sao cho phù hợp với nhu cầu thực tế và điều kiện của từng địa phương, đồng thời có giải pháp đảm bảo công tác kiểm tra, giám sát.

Để công tác quản lý hoạt động bến bãi đảm bảo nghiêm túc, hiệu quả, đúng pháp luật, trong thời gian tới, UBND huyện Gia Lâm sẽ phối hợp với các Sở, ngành liên quan xử lý dứt điểm các vi phạm liên quan đến trạm trộn bê tông của Công ty Hà Trang; đồng thời kiểm tra, giám sát toàn bộ hoạt động của bến Lời. Huyện cũng phối hợp với Công an TP Hà Nội và Sở GTVT tăng cường kiểm soát các phương tiện vận chuyển, xe quá khổ quá tải; kiên quyết xử lý các vi phạm theo đúng quy định của pháp luật. Lãnh đạo UBND huyện Gia Lâm khẳng định, trong trường hợp không được UBND TP gia hạn mà doanh nghiệp không tự tháo dỡ khắc phục, huyện Gia Lâm sẽ chỉ đạo lập hồ sơ cưỡng chế.