Tiếp tục chương trình kiểm tra công tác phòng, chống dịch do Covid-19 trên địa bàn TP Hà Nội, chiều nay (19/3), đoàn kiểm tra số 3 Ban Thường vụ Thành ủy do Phó Bí thư Thành ủy, Chủ tịch HĐND TP Nguyễn Thị Bích Ngọc đã có buổi làm việc với Huyện ủy Phúc Thọ.
Theo lãnh đạo huyện, Ban Chỉ đạo phòng chống dịch Covid-19 huyện đã cấp 100.000 tờ rơi đến từng hộ dân, cấp 46 băng rôn, 25 pano tuyên truyền phòng chống dịch và quy trình hướng dẫn đeo khẩu trang, rửa tay đúng cách theo hướng dẫn của Bộ Y tế; Ban Tuyên giáo Huyện ủy đã chỉ đạo thực hiện được 60 tin, bài tuyên truyền; Phòng Y tế, Trung tâm Y tế huyện phối hợp Trung tâm VHTT-TT huyện viết 200 tin, bài phát trên hệ thống truyền thanh và Cổng TTĐT huyện, tiếp âm phát sóng 3 lần/ngày. Huyện cũng chỉ đạo các xã, thị trấn dừng mọi hoạt động tổ chức lễ hội, cưới hỏi, nơi tụ tập đông người; chỉ đạo xây dựng bộ câu hỏi trắc nghiệm kiểm tra kiến thức về phòng chống dịch Covid-19 nhằm nâng cao ý thức, trách nhiệm của mọi người dân trước dịch bệnh. Đến nay ngân sách huyện đã chi 2,56 tỷ đồng, ngân sách các xã chi 924 triệu đồng cho công tác phòng chống dịch Covid-19. Trên địa bàn huyện đến thời điểm này chưa ghi nhận trường hợp mắc Covid-19; lũy tích có 213 người được cách ly, giám sát theo dõi sức khỏe tại nhà, trong đó hiện còn 53 người còn phải theo dõi tại nhà (gồm 26 trường hợp tiếp xúc gần với ca nghi ngờ và 27 trường hợp đi từ nước ngoài về), 12 người cách ly y tế. Hiện mọi trường hợp này có sức khỏe ổn định.
Tại buổi làm việc, Phó Bí thư Thành ủy Nguyễn Thị Bích Ngọc đánh giá huyện Phúc Thọ đã thực hiện đúng chỉ đạo của TP trong công tác này, với đầy đủ văn bản, lên phương án cho từng giai đoạn, lập đoàn kiểm tra, tập huấn, tuyên truyền, đến nay chưa có trường hợp mắc bệnh. Tuy nhiên, đồng chí cũng lưu ý, trong tình hình dịch diễn biến phức tạp, cả nước và TP đang vào giai đoạn số ca nhiễm tăng nhanh, nhất là nguy cơ cao từ các trường hợp từ nước ngoài về, tới đây huyện Phúc Thọ cần có chỉ đạo, giải pháp mạnh mẽ hơn, vừa kịp thời bám sát chỉ đạo của T.Ư, TP vừa phù hợp hơn với đặc thù địa phương. TP xác định giai đoạn của dịch đã chuyển lên giai đoạn cao hơn, nên việc nâng cao nhận thức trong lãnh đạo chỉ đạo cần được coi là nhiệm vụ trọng tâm, với sự vào cuộc của cấp ủy, chính quyền và người dân cần rõ nét hơn. Đặc biệt, huyện cần rà soát những phương án đã lập từ đầu năm để xem xét bổ sung giải pháp, nhiệm vụ mới cho giai đoạn này, đặt tình huống số ca nhiễm xuất hiện tại địa phương; trên tinh thần phân công rõ, huy động cả hệ thống chính trị vào cuộc, chú trọng các đoàn thể, trưởng thôn, tổ trưởng dân phố, bí thư chi bộ; nắm chắc tình hình di biến động dân cư trên địa bàn, nhất là với số người Việt Nam từ nước ngoài về. Nếu để lọt các trường hợp phải giám sát, quản lý, cách ly theo khuyến cáo của Bộ Y tế thì Công an huyện phải chịu trách nhiệm chính. Huyện cũng nên thành lập tại mỗi thôn, tổ dân phố 1 tổ rà soát để giám sát tại cộng đồng, cam kết rõ với các hộ dân để chủ động trong công tác phòng ngừa. Nhấn mạnh quy trình giám sát tại nhà, Phó Bí thư Thành ủy đề nghị rõ hơn trách nhiệm của các đoàn thể, chi bộ, trưởng thôn, tổ dân phố và cả hàng xóm của các trường hợp với quy chế hoạt động cụ thể. Cùng với đó, đồng chí yêu cầu huyện có phương án cụ thể cho công tác hậu cần, đảm bảo nguồn hàng phục vụ Nhân dân; ngành giáo dục huyện có quy trình học tập và đánh giá kết quả học tập của học sinh trong điều kiện dịch còn kéo dài; có phương án tuyên truyền hợp lý để tránh gây hoang mang... Ngoài ra, cần có các phương án
Cũng theo Phó Bí thư Thành ủy, TP sẽ lập đề án về khắc phục hậu quả của dịch với nhiều phương án, đề nghị địa phương xây dựng phương án của mình, trong đó chú trọng quan tâm các hộ nghèo, người cao tuổi, hỗ trợ sản xuất kinh doanh cho các doanh nghiệp. Thường trực UBND TP cũng đang dự thảo văn bản về hỗ trợ kinh phí cho các trường hợp cách ly, người trực (y tế, công an…) gửi HĐND TP.