Việt Nam vươn mình trong kỷ nguyên mới

Huyện Thanh Trì: tuyên truyền về Luật Căn cước cho Nhân dân trên địa bàn

Hoàng Quyết
Chia sẻ Zalo

Kinhtedothi-Nhằm đẩy mạnh công tác tuyên truyền, phổ biến pháp luật, ngày 21/3, UBND huyện Thanh Trì đã tổ chức hội nghị tuyên truyền các quy định về Luật Căn cước và các nội dung tiếp tục triển khai Đề án 06 cho trên 250 đại biểu trên địa bàn.

Các đại biểu tham dự là lãnh đạo UBND, công chức Văn hóa, Tư pháp – hộ tịch, Công an của các xã Ngũ Hiệp, Vạn Phúc, Liên Ninh, Đông Mỹ, Duyên Hà, Đại Áng, Vĩnh Quỳnh, Ngọc Hồi.

Thiếu tá Nguyễn Trung Hiếu – Phó đội trưởng Đội Quản lý hành chính về Trật tự xã hội, Công an huyện Thanh Trì giới thiệu về Luật Căn cước. 
Thiếu tá Nguyễn Trung Hiếu – Phó đội trưởng Đội Quản lý hành chính về Trật tự xã hội, Công an huyện Thanh Trì giới thiệu về Luật Căn cước. 

Tại hội nghị, các đại biểu đã được Thiếu tá Nguyễn Trung Hiếu – Phó đội trưởng Đội Quản lý hành chính về trật tự xã hội, Công an huyện Thanh Trì giới thiệu những điểm mới và mục đích của Luật Căn cước.

Theo đó, Luật Căn cước số 26/2023/QH15 đã được Quốc hội khóa XV thông qua tại Kỳ họp thứ Sáu, ngày 27/11/2023, có hiệu lực thi hành từ ngày 01/7/2024 nhằm mục đích giải quyết thủ tục hành chính và cung cấp dịch vụ công trực tuyến thiết yếu như lĩnh vực cư trú, hộ tịch, bảo hiểm xã hội, giáo dục, y tế, đất đai, lao động… để phục vụ người dân, doanh nghiệp bằng Cơ sở dữ liệu Quốc gia về dân cư để cắt giảm, đơn giản hóa thủ tục hành chính. Phục vụ phát triển kinh tế - xã hội. Phục vụ công dân số trên ứng dụng VneID hoặc qua thẻ Căn cước công dân gắn chíp như: Thông tin tiêm chủng, xét nghiệm, giấy phép lái xe, đăng ký xe…, từng bước thay thế các giấy tờ của công dân. Hoàn thiện hệ sinh thái phục vụ kết nối, khai thác, bổ sung làm giàu dữ liệu dân cư. Phục vụ chỉ đạo, điều hành của lãnh đạo các cấp.

Luật Căn cước gồm 07 chương, 46 điều, quy định Cơ sở dữ liệu quốc gia về dân cư, Cơ sở dữ liệu căn cước; thẻ căn cước, căn cước điện tử; giấy chứng nhận căn cước; quyền, nghĩa vụ, trách nhiệm của cơ quan, tổ chức, cá nhân có liên quan, được áp dụng đối với công dân Việt Nam, người gốc Việt Nam chưa xác định được quốc tịch đang sinh sống tại Việt Nam; cơ quan, tổ chức, cá nhân có liên quan.

Các đại biểu lắng nghe những điểm mới của Luật Căn cước và những kiến thức phòng tránh thủ đoạn lừa đảo trên không gian mạng.
Các đại biểu lắng nghe những điểm mới của Luật Căn cước và những kiến thức phòng tránh thủ đoạn lừa đảo trên không gian mạng.

Các đại biểu đã được báo cáo viên thông tin 10 thay đổi cần lưu ý khi Luật này có hiệu lực. Cụ thể: chính thức đổi tên Thẻ Căn cước công dân thành Thẻ Căn cước; bỏ hoàn toàn thẻ Chứng minh nhân dân từ ngày 01/01/2025; trên Thẻ Căn cước thay đổi trường thông tin “Quê quán” thành “Nơi đăng ký khai sinh”, thay đổi “Nơi thường trú” thành “Nơi cư trú”; Bỏ hiển thị đặc điểm nhận dạng và dấu vân tay; cấp thẻ căn cước cho người từ đủ 14 tuổi từ ngày 01/7/2024; Thẻ Căn cước công dân tiếp tục được lưu hành sử dụng cho đến khi hết thời hạn ghi trên thẻ,..

Việc ban hành Luật Căn cước thay thế Luật Căn cước công dân không chỉ là một bước tiến lớn về cải cách thủ tục hành chính, giấy tờ công dân và có ý nghĩa trong việc phát huy giá trị của Cơ sở dữ liệu quốc gia về dân cư, Cơ sở dữ liệu căn cước, giá trị và tiện ích của thẻ Căn cước, căn cước điện tử trong phát triển kinh tế - xã hội; đáp ứng yêu cầu, nhiệm vụ về chuyển đổi số ở nước ta theo mục tiêu của Đề án 06 Chính phủ.

Các đại biểu dự hội nghị cũng được thông tin các nội dung chính về tình hình, đặc điểm nhận diện, phòng ngừa một số phương thức, thủ đoạn của các đối tượng thường sử dụng để lừa đảo, chiếm đoạt tài sản trên không gian mạng và được hướng dẫn cách bảo vệ thông tin cá nhân trên mạng, cách nhận biết phòng tránh các tin tức giả mạo, lừa đảo và nêu cao tinh thần cảnh giác, nhận diện và đấu tranh với những thông tin xấu, độc trên mạng xã hội.