Hy vọng sẽ đúng hẹn!

Lê Quân
Chia sẻ Zalo

Kinhtedothi - Những ngày cuối tuần này người Hà Nội đang được tham dự một sự kiện quan trọng: Hội báo toàn quốc năm 2023.

Địa điểm tổ chức ngày Hội báo là Bảo tàng Hà Nội. Công trình được khánh thành năm 2010 để chào mừng 1.000 năm Thăng Long- Hà Nội với kỳ vọng đây sẽ là nơi gìn giữ, giới thiệu, phát huy những giá trị truyền thống văn hóa vật thể và phi vật thể của Nhân dân Thủ đô, những tinh hoa của Hà Nội.

Vậy mà khi nhận được giấy mời trang trọng dự ngày Hội báo của Ban Tổ chức, nhiều người, kể cả những người sống và làm việc ở Hà Nội vẫn tự hỏi: Bảo tàng Hà Nội ở chỗ nào nhỉ?

Câu hỏi đó phản ánh một thực tế đáng buồn, cho đến nay, công trình này hầu như mới chỉ được nhắc tới một cách rộng rãi khi có một sự kiện lớn như Hội báo được tổ chức tại đây.

Để ý một chút sẽ thấy căn nguyên của câu chuyện đáng buồn đó. Đó là tình trạng Bảo tàng Hà Nội, với số vốn đầu tư 2.300 tỷ đồng khánh thành hơn 10 năm qua vẫn chưa thể vận hành theo đúng nghĩa của một bảo tàng.

Thiếu phần trưng bày cố định nên thời gian qua, Bảo tàng Hà Nội chỉ có thể tổ chức các phần trưng bày theo chuyên đề, và chỉ mới đón được 1/3 lượng khách theo năng lực thiết kế.

Rất nhiều không gian ngoài trời vẫn bỏ trống, chưa sử dụng.

Những ngày gần đây, trên các cơ quan thông tin đại chúng lại rộ lên câu chuyện đáng buồn này.

Và không chỉ những ngày gần đây, câu hỏi vì sao một công trình tầm cỡ như vậy suốt hơn chục năm qua không phát huy được tác dụng vẫn luôn trở đi trở lại.

Triển lãm Mỹ thuật Đông Dương và nghệ thuật ứng dụng tại Hà Nội - nửa đầu thế kỷ 20 được tổ chức tại Bảo tàng Hà Nội . Ảnh: Lại Tấn.
Triển lãm Mỹ thuật Đông Dương và nghệ thuật ứng dụng tại Hà Nội - nửa đầu thế kỷ 20 được tổ chức tại Bảo tàng Hà Nội . Ảnh: Lại Tấn.

Tuy nhiên, điều đáng nói hiện Bảo tàng có tới hàng ngàn hiện vật rất giá trị chưa được ra mắt công chúng suốt nhiều năm qua, thậm chí bị xuống cấp, hư hỏng.

Điển hình là chiếc đầu máy xe lửa chạy bằng hơi nước sản xuất từ những năm 1960 được chọn để trưng bày nhưng dù đã hoàn thành mọi thủ tục bàn giao, hơn 2 năm qua nó vẫn ở giữa bãi đất trống của Công ty CP Xe lửa Gia Lâm, ngày càng xuống cấp nghiêm trọng vì sự tàn phá của mưa nắng.

Theo thiết kế tổng thể, Bảo tàng Hà Nội sẽ có 7 chủ đề trưng bày về thiên nhiên cũng như tiến trình lịch sử của Thủ đô nhưng đến nay, mới chỉ có một phần rất nhỏ trong số 7 chủ đề này được thiết kế xong.

Như trên đã nói, có khá nhiều nguyên nhân của sự chậm trễ được nêu ra, nhiều giải pháp khắc phục được đề xuất, cũng nhiều mốc thời gian về đích được hứa hẹn.

Mới đây, Giám đốc Sở Văn hóa - Thể thao Hà Nội Đỗ Đình Hồng cho biết, đơn vị đã báo cáo UBND TP thành lập tổ công tác liên ngành để hỗ trợ Ban quản lý dự án bảo tàng, trực tiếp do chính ông làm tổ trưởng với sự tham gia của Sở Tài chính, Sở Xây dựng, Sở Kế hoạch và Đầu tư.

Tổ công tác quyết tâm cố gắng tới giữa năm 2024 kết thúc dự án. Đặc biệt sẽ cố gắng cao nhất để nếu được sẽ hoàn thiện phần trưng bày để chạy thử, nghiệm thu vào năm 2023.

Đó xem ra là một tín hiệu đáng mừng với công trình Bảo tàng Hà Nội. Hy vọng rằng với quyết tâm và ý thức trách nhiệm trước những di sản quý báu của Thủ đô và đất nước, dự án Bảo tàng Hà Nội sẽ hoàn thành đúng hẹn như ông Giám đốc Sở Văn hóa - Thể thao bày tỏ.

Để cùng với những công trình kiến trúc trong khu vực như Trung tâm Hội nghị Quốc gia, Cung Trí thức…, Bảo tàng Hà Nội sẽ là điểm đến quen thuộc, hấp dẫn của người dân Thủ đô và cả nước.