Thông tin trên được Phó Tổng thống Jusuf Kalla đưa ra trong một cuộc phỏng vấn của tờ Nikkei hôm 12/6.
Phát biểu trên tờ Nikkei bên lề Hội nghị Tương lai châu Á, ông Jusuf Kalla cho biết, Indonesia đang "nghiên cứu các điều kiện, khả năng" của việc gia nhập hiệp định thương mại. "Tất nhiên, nếu CPTPP được miễn thuế và Indonesia vẫn trả thuế, thì không dễ dàng cho hàng hóa Indonesia cạnh tranh trên thị trường", ông Kalla nói. "Đó là lý do tại sao ý định của chúng tôi là tham gia" sau khi hiệp ước có hiệu lực, ông cho biết thêm.
Nhận xét của ông Kalla cho thấy một bước ngoặt trong chính sách của Indonesia , trước đây đã nói rằng hiệp định thương mại này đã giảm sức hấp dẫn bởi không có sự tham gia của Mỹ. Phát biểu trong một cuộc phỏng vấn với Nikkei năm ngoái, Phó Tổng thống Kalla nói rằng "không có Mỹ [trong TPP], chúng tôi cảm thấy rằng lợi ích trên mặt trận thương mại của Indonesia không lớn, và chúng tôi đã mất hứng thú". Tuy nhiên, phát biểu trong cuộc phỏng vấn ngày 12/6, ông Kalla nêu rõ quan điểm cho dù nền kinh tế lớn nhất thế giới có trở lại hay không, Indonesia có thể tham gia CPTPP.
CPTPP được ký kết hôm 8/3 vừa qua tại Chile giữa 11 quốc gia, gồm Australia, Brunei, Canada, Chile, Nhật Bản, Malaysia, Mexico, New Zealand, Peru, Singapore và Việt Nam. Hiệp định thương mại này được kỳ vọng thúc đẩy tăng trưởng kinh tế, tạo thêm nhiều việc làm, giảm đói nghèo và nâng cao chất lượng sống của người dân các quốc gia thành viên.
Phó Tổng thống Kalla cho biết ông hy vọng rằng chính phủ Indonesia sẽ hoàn thành các nghiên cứu trong thỏa thuận CPTPP trong vòng 6 tháng đến 1 năm tới, sau đó Indonesia sẽ đưa ra quyết định cuối cùng. Các nghiên cứu sẽ tập trung vào khả năng cạnh tranh của đất nước sẽ bị ảnh hưởng như thế nào nếu nó tham gia hiệp ước.