Báo động tình trạng ô nhiễm nguồn nước
Ô nhiễm là một trong những nguyên nhân chính gây ra thiếu nước. Theo báo cáo, hiện nay, hơn 70% lượng nước ở các sông trên toàn quốc không thể dùng để ăn uống hay tắm rửa.
Dự báo của Ngân hàng Thế giới chỉ ra rằng, nếu không giải quyết được tình trạng ô nhiễm này, Việt Nam không chỉ thiếu nước sạch để sử dụng mà còn phải mua nước với giá cao và mất đến 4% GDP vào năm 2035.
Theo mục tiêu Chiến lược quốc gia về cấp nước và vệ sinh nông thôn đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2045, có 65% người dân nông thôn sử dụng nước đạt quy chuẩn vào năm 2030 và 100% người dân nông thôn sử dụng nước đạt quy chuẩn vào năm 2045.
Tuy nhiên, nguồn nước sẵn có hiện chỉ chiếm chưa đến 40%. Mặt khác, lượng mưa phân bố không đồng đều, nhiều khu vực lượng mưa hằng năm rất ít, khiến tình trạng thiếu nước, đặc biệt là nước sinh hoạt khu vực nông thôn ở nhiều nơi ngày càng gay gắt... Việt Nam đang là quốc gia thiếu nước do tổng lượng nước bình quân trên đầu người chỉ đạt 3.280m³/người/năm, thấp hơn so với trung bình của Đông Nam Á là 4.900m³/người/năm và mức bình quân toàn cầu là 4.000m³/người/năm.
PGS.TS Vũ Đức Lợi - Viện trưởng Viện Khoa học và Công nghệ Việt Nam - Hàn Quốc cho rằng, biến đổi khí hậu và quá trình công nghiệp hóa, hiện đại hóa khiến Việt Nam đang phải đối mặt với tình trạng ô nhiễm môi trường nước nghiêm trọng, đặc biệt là chất lượng nước ngày càng suy giảm. Bởi vậy, việc nghiên cứu kỹ thuật mới về nước có vai trò quan trọng trong cuộc sống.
Chuyên gia hiến kế bảo vệ nguồn nước
Trước tình hình trên, việc tìm ra các giải pháp để bảo vệ nguồn nước cũng như đảm bảo chất lượng nước đang là vấn đề cấp bách. Mới đây, trong hội thảo “Chất lượng nước – Những kỹ thuật mới nhất trong đảm bảo và kiểm soát chất lượng”, các chuyên gia, nhà khoa học đã cung cấp nhiều giải pháp đang chú ý nhằm đảm bảo chất lượng nước.
PGS.TS Cao Thế Hà - Trường Đại học Việt - Nhật nhấn mạnh đến chiến lược chăn nuôi theo hướng công nghiệp tập trung, hiện đại, hướng tới nền kinh tế tuần hoàn, bảo vệ môi trường là tiền đề cho việc đầu tư ứng dụng công nghệ mới hướng tới phát triển bền vững.
Theo chuyên gia này, các công nghệ “cũ” hay hiện đại nếu được kiểm soát tốt (đặc biệt là bùn thải) thì có thể giải quyết được vấn đề bảo vệ môi trường, nhưng nói đến Kinh tế tuần hoàn và Phát triển bền vững thì cần phải có các công nghệ mới nhằm giải quyết triệt để mâu thuẫn này.
Trong khi đó, TS Dương Thanh Nghị - Viện Tài nguyên và Môi trường biển đưa một thông tin gây chú ý. Đó là khi ứng dụng công nghệ phân tích hóa học phân tử kết hợp kính hiển vi quang học các nhà khoa học phát hiện mẫu nước sông Sài Gòn có nhiều vi nhựa dạng sợi và mảnh.
Theo đó thực nghiệm với mẫu nước sông Sài Gòn nhóm nghiên cứu xác định nhiều PE (Polyetylen - loại nhựa dẻo), PET (polyethylene terephthalate - loại nhựa dùng trong các chai nhựa) dạng sợi và mảnh. Hay khu vực nước mặn ven biển Thanh Hóa phát hiện chủ yếu polyethylene, vi nhựa hóa học PE.
TS Dương Thanh Nghị cho hay, một số máy phân tích vi nhựa sử dụng quang phổ hệ thống kết nối hóa hơi và phân tích kính soi nổi phát hiện vật thể. Sau các bước phân tách sàng lọc xử lý ô nhiễm, qua kính soi sẽ phát hiện vi nhựa ở kích cỡ, hình thái khác nhau.
Các chuyên gia cùng chung nhận định, khoa học kỹ thuật được coi như "chìa khóa" để bảo vệ môi trường, nguồn nước, ứng phó với biến đổi khí hậu. Mặc dù chúng ta đã học tập được nhiều kỹ thuật tiên tiến nhưng việc triển khai phải có hệ thống, thiết thực hơn. Các doanh nghiệp cần đổi mới quy trình vận hành, áp dụng công nghệ mới để bảo đảm an toàn nước, cải thiện chất lượng nước sạch.
Hội thảo “Chất lượng nước – Những kỹ thuật mới nhất trong đảm bảo và kiểm soát chất lượng” đã thu hút được sự quan tâm rất lớn của các nhà khoa học trong nước và quốc tế, được truyền trực tiếp giữa Hà Nội và Tokyo. Hội thảo đã tổ chức thảo luận song song về các chủ đề chuyên sâu trong giám sát chất lượng nước, với sự chủ trì của các chuyên gia là các nhà khoa học uy tín của Việt Nam và các diễn giả khách mời từ Nhật Bản.