4 bị cáo khai bị điều tra viên dùng nhục hình nên nhận tội
Ngày 13/1, TAND tỉnh Cà Mau tiếp tục xét xử phúc thẩm lần thứ hai, theo đơn kháng cáo kêu oan của 4 bị cáo trong vụ án “Cố ý gây thương tích”, xảy ra năm 2015 tại TP Cà Mau, gồm: Đặng Hữu Thời (SN 1990), Nguyễn Hoài Nam (SN 1996), Lê Phước Trung (SN 1987) và Lâm Hải Long (SN 7/8/1999).
Trả lời trước tòa, tất cả 4 bị cáo đều khẳng định mình bị mớm cung, ép cung và do bị đánh đau đến mức buộc phải nhận tội. Theo lời khai của Thời, tối 14/3/2015 đến nhà một phụ nữ tên Mười để nhậu đến 23 giờ cùng ngày thì điện thoại di động (ĐTDĐ) hết pin, sau khi nhậu xong Thời đi về. Trên đường về nhà gặp anh Trần Văn Tổng, Trần Quốc Đẳng, sau đó xe hư, phải dẫn bộ thì bị một nhóm khoảng 7 - 8 thanh niên đi trên 4 - 5 xe máy chạy chặn đầu và đánh chém vào khoảng hơn 1 giờ sáng 15/3/2015 khiến Thời bị thương. Khi nghe Thời nói các anh chém nhầm người rồi, nhóm thanh niên cũng nói nhầm rồi và nổ máy xe chạy về hướng TP Cà Mau.
Thời chạy đến nhà chị Trần Kim Thoa ở cách hiện trường khoảng 400m để mượn ĐTDĐ nhờ gọi Cảnh sát 113 nhưng không được nên Thời gọi vợ. Sau đó, Thời cùng anh Tổng về nhà Thời thay xe máy (vì xe bị vỡ đèn chiếu sáng) để Tổng chở Thời, anh Nguyễn Tấn Phong (SN 1992) chở vợ Thời vào bệnh viên để băng vết thương. Khi đến bệnh viện khoảng 15 - 20 phút, nhóm anh Nguyễn Quốc Toàn, Hồ Minh Tiến và Lê Hoàng Khen cũng vào bệnh viện để cấp cứu vì bị ai đó chém.
Ngày 16/3/2015, công an mời Thời lên làm việc, đến tối cho về. Khoảng 23 giờ cùng ngày, công an bắt Thời để lấy lời khai đến sáng hôm sau. Bắt đầu từ sáng 17/3/2015, khi điều tra viên (ĐTV) lấy lời khai đều đánh Thời để buộc phải nhận tội. Khi không thừa nhận thì ĐTV Quách Công Danh đánh tiếp, cứ mỗi ĐTV nào lấy lời khai đều đánh bị cáo.
“Những ngày bị tạm giữ, vết thương chưa lành lại bị đánh đập, tinh thần hoảng sợ. Kể từ ngày 20/3/2015 trở về sau, những lời khai có ký tên của bị cáo đều do bị ĐTV Quách Công Danh ép cung, mớm cung, hướng dẫn nên bị cáo buộc phải nhận tội”, bị cáo Thời khai trước tòa.
Tương tự, các bị cáo Long, Nam, Trung khẳng định họ không tham gia chém ai, khi bị bắt đã bị các ĐTV Quách Công Danh, Phương, Hữu… mớm cung, đánh đập, thậm chí để sẵn bản “nhận tội” chém người của anh Hà Gia Nguyên (SN 1994), Lâm Tấn Phong (SN 1993) nên mới nhận tội. Riêng anh Nguyên và Phong sau 11 ngày bị câu lưu và tạm giữ, cả 2 được trả tự do vì có clip của người thân chứng minh thời điểm xảy ra vụ án vào rạng sáng 15/3/2015, hai anh đang ngủ cách xa hiện trường từ 40km - 150km!
“Người biết sự việc” bị sửa lời khai!
“Từ ngày 15/3/2015 - 26/3/2015, bị cáo chỉ gặp ông Quốc (luật sư Trần Dân Quốc thuộc Đoàn luật sư tỉnh Cà Mau - PV) một lần vào buổi tối nhưng không biết ông này là luật sư. Tối 15/3/2015, khi làm việc với ĐTV hoàn toàn không có ông Quốc, việc có chữ ký ông Quốc trong biên bản hỏi cung bị cáo hoàn toàn không biết”, bị cáo Long khẳng định.
Khi được luật sư Trần Thị Ánh (Đoàn Luật sư TP Hồ Chí Minh, bào chữa cho 4 bị cáo) hỏi, chị Trần Kim Thoa (SN 1979, là người hiểu biết sự việc), khai vào đêm xảy ra vụ án, Thời có chạy vào nhà chị gõ cửa, lúc đó mấy giờ chị không nhớ. Nhưng lúc Công an huyện Cái Nước làm việc với chị và họ có chụp ảnh màn hình ĐTDĐ, chị Thoa mới biết Thời mượn ĐTDĐ gọi cho vợ là lúc sau 1 giờ sáng 15/3/2015.
Về lý do tại sao sau này khi điều tra lại, chị Thoa lại có lời khai Thời gõ cửa nhà chị vào khoảng thời gian từ 21 - 22 giờ tối 14/3/2015, và việc khai sau 1 giờ sáng 15/3/2015 do mẹ của Thời nhờ? Chị Thoa khẳng định trước tòa: “Tôi hoàn toàn không khai gặp Thời vào lúc 21 - 22 giờ. Khi làm việc với Công an TP Cà Mau, tôi không nhớ tên ĐTV, nhưng nhớ một người tên Định, người này nói tôi phải khai do mẹ của Thời nhờ khai sau 1 giờ sáng, nếu không sẽ cho xe đến bắt tôi”.
Có mặt tại tòa theo triệu tập, khi được luật sư Ánh và luật sư Trịnh Thanh Liệt (Đoàn Luật sư tỉnh Cà Mau) đặt nhiều câu hỏi: Vì sao chỉ trong vòng 1 tiếng, ĐTV Quách Công Danh làm việc ở 2 nơi là TP Cần Thơ và tỉnh Cà Mau, trong khi 2 địa phương này cách nhau khoảng 150km? Hồ sơ có bút lục xác minh ghi lúc 9 giờ ngày 14/2/2015, trong khi vụ án xảy ra ngày 15/3/2015? Vì sao khi khám xét nhà bị cáo Trung, biên bản thể hiện không thu giữ gì, nhưng sau đó lại xuất hiện con dao. Trong các bút lục thể hiện dao màu trắng, nhưng sau khi tiến hành điều tra lại, thì con dao chuyển thành màu xám? Chưa kể trong hồ sơ thể hiện khởi tố vụ án ngày 17/3/2015 và ngày 26/3/2015 khởi tố bị can, nhưng từ ngày 15/3/2015, đã có luật sư Trần Dân Quốc được chỉ định tham gia!
Trước những câu hỏi trên, ĐTV Quách Công Danh trả lời lòng vòng và cho rằng biên bản xác minh ghi ngày 14/2/2015 khi vụ án chưa xảy ra, có thể do sai sót.
Về phía đại diện Viện KSND tỉnh Cà Mau, tại tòa đã đưa ra quan điểm kết tội 4 bị cáo và đề nghị HĐXX phiên tòa phúc thẩm lần thứ hai y án sơ thẩm lần hai.
Luật sư đề nghị HĐXX tuyên các bị cáo không phạm tội
Tranh luận với đại diện Viện KSND, luật sư Trần Thị Ánh đưa ra nhiều luận điểm: Ai tước quyền mẹ của Long giám hộ con mình? Bởi khi bị bắt, Long mới 15 tuổi 7 tháng 8 ngày và trong khi nhà Long ở TP Cà Mau, không phải ở các huyện xa xôi.
Còn luật sư Trịnh Thanh Liệt nêu quan điểm trong một khoảng thời gian ngắn xảy ra 2 vụ án, nhưng đến nay chưa tìm ra hung thủ chém bị cáo Thời. Những người chém Thời từ TP Cà Mau chạy ra, nghe chém nhầm thì bỏ đi. Vụ Thời bị chém có 3 người, vụ anh Toàn bị chém cũng có 3 người. Phải chăng nhóm chém Thời và nhóm anh Toàn vẫn là nhóm kia? Trong hồ sơ, có những người không có mặt (Nguyên - Phong) nhưng vì sao vẫn khai rành rẽ, và cuối cùng cả 2 khai không đúng. Trong vụ án này có nhiều mâu thuẫn, mấu chốt ở đây là việc mớm cung, ép cung. Do đó, HĐXX cần triệu tập những người liên quan để làm rõ.
Còn luật sư Nguyễn Minh Châu, nhận định sau khi vụ án xảy ra, có 7 người bị bắt, trong đó có 3 người từng bị khởi tố rồi được đình chỉ. Khi bắt đầu xảy ra vụ án vào rạng sáng 15/3/2015, công an đã lấy lời khai những người liên quan. Các thanh thiếu niên không nhận tội, tại phiên tòa phúc thẩm lần thứ nhất, bản án phúc thẩm nêu 5 vấn đề phải chứng minh, nhưng kết quả điều tra bổ sung gần như không có gì mới, vẫn xử sơ thẩm lần hai vào năm 2019 với đầy mâu thuẫn. Án sơ thẩm lần một xác định bị chém từ 0 giờ - 0 giờ 30 phút sáng 15/3/2015, nhưng án sơ thẩm lần hai xác định từ 23 giờ 30 đến 24 giờ đêm 14/3/2015, chênh lệch 30 phút. Việc bị cáo Thời bị chém lúc 1 giờ sáng 15/3/2015, có 8 nhân chứng, nhưng án sơ thẩm lần hai cho rằng lời khai 3 nhân chứng không tin cậy!
Từ những lập luận trên, cả 3 luật sư bào chữa cho 4 bị cáo đề nghị HĐXX tòa phúc thẩm lần hai tuyên hủy án sơ thẩm hoặc tuyên các bị cáo không phạm tội.
Bị cáo tự tử tại tòa án
Sáng 13/1, nhân chứng Nguyễn Phương Nam (SN 1997) xuất hiện tại tòa. Do đó các luật sư đề nghị HĐXX cho quay trở lại phần xét hỏi. Tuy nhiên, HĐXX cho rằng đã ở phần tranh luận, thì không quay trở lại xét hỏi nên nhân chứng Nam không thể nói.
Tại phiên tòa này, dù được thông báo nhưng 2 bị hại là anh Nguyễn Quốc Toàn, Hồ Minh Tiến cùng anh Hà Gia Nguyên, Lâm Tấn Phong là 2 người từng bị câu lưu, tạm giữ 11 ngày để khai “nhận tội” đã không đến. Dù trước đó các bị cáo cũng như các luật sư đề nghị hoãn tòa nhưng không được chấp thuận.
“Chiều nay, sau khi HĐXX tòa phúc thẩm tuyên y án sơ thẩm, bị cáo Lê Phước Trung đã đập đầu vào ghế, còn bị cáo Lâm Hải Long (SN 7/8/1999) chạy ra đường lao đầu vào xe máy tự tử và đã được người nhà đưa vào bệnh viện chữa trị”, các luật sư cho biết.