Việt Nam vươn mình trong kỷ nguyên mới

Khi chiếc áo doanh nhân “lấm bùn”

Văn Thân - Thiên Bình
Chia sẻ Zalo

Kinhtedothi - Ngày 11/11, Tòa án Nhân dân TP Hồ Chí Minh đã khép lại phiên tòa sơ thẩm kéo dài 30 ngày và đưa ra phán quyết đối với 40 bị cáo (trong đó có 28 bị cáo nguyên là cán bộ, công chức ngành hải quan của An Giang và TP Hồ Chí Minh) trong vụ án kinh tế xảy ra tại Công ty CP Thực phẩm Công nghệ Sài Gòn (Công ty TPCN Sài Gòn).

Trong đó, bị cáo Lê Dũng - nguyên Giám đốc Công ty TPCN Sài Gòn được xem là đối tượng chính trong vụ án và trực tiếp lôi kéo 39 người khác cùng tham gia “phi vụ” buôn lậu, giả mạo giấy tờ để xin hoàn thuế và chiếm đoạt hàng trăm tỷ đồng.
Chiếm đoạt hơn 80 tỷ đồng
Theo đó, Hội đồng xét xử (HĐXX) đã tuyên phạt mức án chung thân đối với các bị cáo giữ vai trò chính trong vụ án gồm: Lê Dũng, Trần Thị Bích Tuyền, Hứa Châu và Lê Tiến Cường. Bị cáo Huỳnh Tấn Dũng bị tuyên phạt 26 năm tù. Đối với nhóm cán bộ hải quan thuộc Chi cục Hải quan Cửa khẩu Khánh Bình, HĐXX đã tuyên phạt bị cáo Nguyễn Văn Biên 12 năm tù, Nguyễn Thanh Lâm 8 năm tù…
Trong phiên xử kéo dài một tháng này, HĐXX đã tập trung thẩm vấn để làm rõ trách nhiệm, hành vi phạm tội của 40 bị cáo trong vụ án về các hành vi: “Buôn lậu”, “Lừa đảo chiếm đoạt tài sản”, “Lợi dụng chức vụ, quyền hạn trong khi thi hành công vụ”, “Đưa hối lộ”, “Làm môi giới hối lộ” và “Thiếu trách nhiệm gây hậu quả nghiêm trọng”.
 Các bị cáo tại phiên tòa. Ảnh: Thiên Bình
Tại tòa, trả lời câu hỏi của HĐXX, bị cáo Lê Dũng đã khai nhận, tháng 4/2011 thông qua sự giới thiệu của Lê Tiến Cường (nhân viên giao nhận, tiếp thị hàng) thì Trần Thị Bích Tuyền - Giám đốc Công ty CP Đại Đắc Tài (Công ty Đại Đắc Tài) đã liên hệ và bàn bạc mua hàng thực phẩm của Chi nhánh Bình Đông để bán cho các siêu thị miễn thuế tại tỉnh Kiên Giang. Sau đó, Tuyền đứng tên Giám đốc Công ty Đại Đắc Tài để mua thuốc lá của Chi nhánh Bình Đông rồi bán cho Công ty Dang Toung Mine Campuchia (Công ty Dang Toung Mine) do Tuyền làm đại diện tại Việt Nam. Sau khi Công ty Dang Toung Mine ngừng hoạt động, Tuyền lại đứng tên đại diện cho Công ty Blue C.T Campuchia (Công ty Blue C.T) để mua hàng của Công ty TPCN Sài Gòn.
Lê Dũng tiếp tục khai, bị cáo chưa bao giờ bàn bạc, thỏa thuận hợp đồng với bất cứ ai là người Campuchia đại diện cho Công ty Dang Toung Mine. Nhưng khi HĐXX hỏi bị cáo Dũng có nhận tiền chiếm hưởng từ Tuyền hay không? Lê Dũng lại trả lời có. Đồng thời, thừa nhận hành vi cùng với đồng phạm thỏa thuận ký hợp đồng bán thuốc lá và xuất hóa đơn khống để chiếm đoạt tiền của Nhà nước.
Tương tự, tại tòa, bị cáo Huỳnh Dũng Tấn - Trưởng Chi nhánh Bình Đông thuộc Công ty TPCN Sài Gòn cũng thừa nhận hành vi phạm tội. Dũng được xác định là đối tượng giúp sức đắc lực cho hàng loạt hành vi phạm tội để chiếm đoạt tiền hoàn thuế trên 80 tỷ đồng của Nhà nước. Lý giải cho hành vi phạm tội của mình, bị cáo này cho rằng, nguyên nhân là do tin cấp trên và cấp dưới. Vì thế, Tấn đã không trực tiếp bàn bạc với Công ty Dang Toung Mine và Công ty Blue C.T nhưng vẫn chỉ đạo nhân viên thuộc quyền lập phiếu đề nghị chi ứng tiền mua hàng và lập phương án kinh doanh thuốc lá có lãi. Từ đó, Tấn ký nháy với vai trò Giám đốc Chi nhánh Bình Đông để trình lên Lê Dũng.  Bị cáo Tấn cho biết, công ty không đóng gói bao bì hàng hóa nhưng bản thân vẫn chỉ đạo cấp dưới làm, đồng thời đề nghị phòng hành chính công ty cấp giấy giới thiệu cho Lê Tiến Cường (nhân viên giao nhận Chi nhánh Bình Đông) đến cảng làm thủ tục xuất khẩu. Sau đó, Tấn hoàn chỉnh bộ hồ sơ xuất khẩu khống và giao cho Nguyễn Ngọc Mẫn (nhân viên của Tuyền). Ngoài ra, Tấn còn giữ nhiều giấy tờ có chữ ký khống dùng để in các hợp đồng mua bán. Cuối cùng, bị cáo Tấn thừa nhận đã giúp sức cho Lê Dũng và đồng phạm thực hiện 15 hợp đồng xuất nhập khẩu thuốc lá khống để chiếm đoạt hơn 80 tỷ đồng của Nhà nước…
Hàng loạt cán bộ hải quan “nhúng chàm”
Một điểm đáng lưu ý từ vụ án này là vai trò lãnh đạo, kiểm soát của ông Nguyễn Văn Biên - nguyên Chi cục trưởng Chi cục Hải quan Cửa khẩu Khánh Bình (tỉnh An Giang) đã bị vô hiệu hóa bởi những đồng tiền “lót tay” của nhóm lừa đảo tiền hoàn thuế. Trên thực tế, việc tiêu cực tại Hải quan cửa khẩu này đã có từ lâu, khi Biên được điều động về làm Chi cục trưởng ở cửa khẩu Khánh Bình. Còn việc ký tờ khai hàng hoá xuất khẩu khống để nhận tỷ lệ 0,3% trên giá trị tờ khai tại cửa khẩu này đã có từ trước. Sau khi Biên về thì các công chức ở đây cho biết việc ký tờ khai hàng hoá xuất khẩu khống cho DN để nhận tiền. Cá nhân Biên sẽ được chia từ 23 - 28% tùy theo thời gian.
Ngoài tiêu cực liên quan đến vụ án nêu trên thì còn có 2 vụ lừa đảo chiếm đoạt tiền hoàn thuế khác tại An Giang là vụ án Lê Thị Chi và vụ án Phạm Thanh Dũng. Hai bị can này đã mua bán hàng ngàn hóa đơn khống, chi tiền cho cán bộ hải quan cửa khẩu ký xác nhận thủ tục, lập hồ sơ xuất khẩu hàng khống để chiếm đoạt tiền của Nhà nước. Do dính líu đến tiêu cực nên Hải quan An Giang đã có hàng chục cán bộ, lãnh đạo bị truy cứu trách nhiệm hình sự về tội lợi dụng chức vụ, quyền hạn trong khi thi hành công vụ.
Điều đáng nói, trong quá trình xét xử vụ án tiêu cực xảy ra tại Công ty TPCN Sài Gòn, Cục Hải quan An Giang đã xin giảm nhẹ tội cho các cán bộ “nhúng chàm” trong vụ án Lê Dũng đã làm dấy lên mối lo về nạn tiêu cực trong ngành hải quan sẽ khó dứt nếu còn dung túng. Theo lý giải của Cục Hải quan An Giang, vụ án buôn lậu, lừa đảo hoàn thuế và đưa hối lộ xảy ra tại Chi cục Hải quan Cửa khẩu Khánh Bình do chính Cục này chủ động phát hiện, ngăn chặn, các cán bộ hải quan hợp tác tích cực với phía điều tra. Do đó, đây là tình tiết để xem xét, giảm nhẹ tội danh cho các cán bộ, công chức sai phạm. Tuy nhiên, theo hồ sơ điều tra vụ án tại Công ty TPCN Sài Gòn, với nhóm đối tượng móc nối do Tuyền làm chủ mưu để đưa hối lộ có “tính hệ thống” cho các công chức thuộc Chi cục Hải quan Cửa khẩu Khánh Bình để lừa đảo chiếm đoạt tiền hoàn thuế hơn 80 tỷ đồng thì ai có thể giảm nhẹ tội cho nhóm cán bộ “biến chất” này?
Trong khi đó, tại Cơ quan điều tra - Công an TP Hồ Chí Minh, Tuyền và đồng bọn khai nhận đã chỉ đạo đàn em là Lâm Thị Thủy chi 0,3% cho các công chức hải quan. Nhờ đó, các công chức hải quan mới ký xác nhận khống trên nhiều tờ khai hải quan hàng hóa xuất khẩu về việc Công ty TPCN Sài Gòn đã làm thủ tục xuất khẩu qua Cửa khẩu Khánh Bình. Theo đó, nhóm của Tuyền đã móc nối và thoả thuận với Biên và Nguyễn Thanh Lâm - nguyên Đội trưởng Chi cục Hải quan Cửa khẩu Khánh Bình. Sau đó, Biên, Lâm chỉ đạo cấp dưới ký khống với các vai trò là cán bộ nhận hồ sơ, kiểm hoá, kiểm soát và ký duyệt thông quan trên các tờ khai xuất khẩu cho Công ty TPCN Sài Gòn.
Cụ thể, từ 17/11/2012 - 17/4/2013, Công ty TPCN Sài Gòn đã mở 120 tờ khai hải quan hàng hoá xuất khẩu với tổng giá trị hàng hoá ghi trên tờ khai là hơn 446 tỷ đồng (thực tế là hồ sơ khống, trong đó mặt hàng thuốc lá có 92 tờ khai với giá trị ghi hơn 372 tỷ đồng). Để ký khống được 120 tờ khai hải quan này, Tuyền đưa cho Thủy số tiền khoảng từ 3,5 - 4 tỷ đồng để đưa cho cán bộ, công chức hải quan Cửa khẩu Khánh Bình. Tuy nhiên, các công chức hải quan Chi cục Hải quan Cửa khẩu Khánh Bình chỉ thừa nhận đã nhận 0,3% tiền ghi khống trên tờ khai, tương đương khoảng hơn 1,1 tỷ đồng. Trong đó, ngoại trừ 55,8 triệu đồng được chuyển vào bếp ăn tập thể và chi phí tiếp khách của chi cục này thì Chi cục trưởng được chia khoảng 23%, Chi cục phó và 2 Đội trưởng mỗi người được chia 11%, số còn lại chia cho số cán bộ trực tiếp kiểm hoá và giám sát mỗi người 11%. Chính những hành vi này gây thiệt hại hàng chục tỷ đồng cho Nhà nước và đến nay số tiền này không có khả năng thu hồi.
Khi vụ án này khép lại với nhiều bản án thích đáng cho kẻ chủ mưu cùng những bị cáo liên quan, hàng nghìn DN xuất nhập khẩu kỳ vọng hàng hóa sẽ không trở thành “con tin” của căn bệnh nhũng nhiễu tại các cửa khẩu. Mặt khác, nếu nạn đút lót trong ngành hải quan dựa trên các thủ tục thiếu minh bạch mà không được kiểm soát triệt để thì chi phí phát sinh của DN sẽ tăng cao, làm giảm tính cạnh tranh. Đồng thời, gây khó khăn cho việc thực hiện chủ trương thuận lợi thương mại hóa khi hội nhập quốc tế. Có thể nói, vụ án Lê Dũng và đồng phạm được xem là lời cảnh báo cho những kẻ bước vào “nghiệp” kinh doanh với ý định khoác lên mình chiếc áo doanh nhân “lấm bùn”.