Năm 2018, dự kiến GDP có thể đạt 6,7% và vượt toàn bộ 12 chỉ tiêu kế hoạch, với những kết quả đạt được của năm bản lề 2018, sẽ tạo đà và động lực mới, khí thế mới cho việc hoàn thành các mục tiêu, nhiệm vụ đề ra cho năm 2019 và 5 năm 2016 - 2020. Tuy vậy, trong điều kiện tình hình đất nước có nhiều khó khăn, đặc biệt là ảnh hưởng của thiên tai, lũ lụt, bối cảnh trong nước, quốc tế thời gian tiếp tục có những biến động khó lường, với độ mở kinh tế cao 200% như hiện nay, hội nghị lần này cũng nhận định, những tiềm ẩn tiêu cực tác động trực tiếp đến tăng trưởng và ổn định xã hội… vẫn còn rất lớn. Trong phát biểu bế mạc Hội nghị, Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng nhấn mạnh “tuyệt nhiên không được chủ quan, thỏa mãn”.
Chặng đường phía trước còn nhiều khó khăn, thách thức, nhiều việc lớn, việc khó phải làm. T.Ư xác định rõ, để thực hiện thắng lợi mục tiêu đề ra, cần duy trì đà tăng trưởng, đẩy mạnh thực hiện ba đột phá chiến lược, cơ cấu lại nền kinh tế và đổi mới mô hình tăng trưởng. Đặc biệt “Đưa nước ta trở thành quốc gia mạnh về biển, giàu lên từ biển”. Đó là những giải pháp đặc biệt quan trọng.Đặc biệt T.Ư nhấn mạnh: Khẩn trương hoàn thiện thể chế, chính sách, cải thiện thực chất hơn nữa môi trường đầu tư kinh doanh. Thực tế, yếu tố có tính chất quyết định trong phát triển kinh tế, xã hội thời gian qua là thể chế và môi trường kinh doanh. Thể chế không ổn định, môi trường kinh doanh không thuận lợi, thiếu minh bạch sẽ nảy sinh những DN kinh doanh theo “kiểu cơ hội” mang tính “chộp giật” mà thiếu đi tư duy và chiến lược kinh doanh dài hạn, hình thành những nhóm lợi ích thao túng chính sách. Cải cách thể chế để tận dụng cơ hội, vượt qua thách thức, bảo đảm bộ máy tổ chức hoạt động hiệu lực, hiệu quả. Các mô hình kinh tế của ta đã đổi mới nhưng chưa có tính đột phá cao. Hội nghị T.Ư lần này cũng đã chỉ ra việc cần thiết chuyển đổi mô hình tăng trưởng theo chiều sâu, ưu tiên đầu tư ứng dụng công nghệ cao, tạo tính đột phá, nâng cao chất lượng sản phẩm và cạnh tranh. Chuyển dần mô hình tăng trưởng từ chủ yếu dựa vào đầu tư và xuất khẩu sang dựa đồng thời vào cả đầu tư, xuất khẩu và thị trường trong nước; chuyển dần từ dựa vào gia tăng số lượng các yếu tố đầu vào của sản xuất sang dựa vào tăng năng suất, chất lượng lao động, ứng dụng khoa học công nghệ, nhất là trong bối cảnh thực hiện chiến lược quốc gia về cách mạng công nghiệp lần thứ tư… Hội nghị tiếp tục nhấn mạnh đến việc tái cơ cấu ngành nông nghiệp gắn với xây dựng nông thôn mới, đẩy mạnh công nghiệp hóa hiện đại hóa nông thôn, trí thức hóa nông dân…“Tư duy toàn cầu, hành động địa phương” với định hướng cụ thể, rõ ràng, một trong những nhiệm vụ quan trọng trong thời gian tới là đưa nghị quyết vào cuộc sống. Trách nhiệm trước sự phát triển của đất nước, Hội nghị lần thứ 8 Ban Chấp hành T.Ư Đảng khóa XII tiếp tục khẳng định định hướng đúng đắn trong phát triển kinh tế, xã hội thời gian tới của cả nước trước những biến động của thế giới thời gian tới.