Trong đó, màn biểu diễn trang phục di sản văn hóa phi vật thể hầu đồng của nghệ nhân mọi miền… bị đánh giá là phản cảm, sáng tạo di sản quá đà.
Cơ quan quản lý văn hóa đã ra văn bản nhắc nhở, nhưng sau nhắc nhở còn có biện pháp nào để ngăn chặn tình trạng tái vi phạm thì vẫn còn đầy vướng mắc.
Cụ thể là trình diễn trang phục của các giá đồng trong Thực hành Tín ngưỡng thờ Mẫu Tam phủ của người Việt. Trang phục được sử dụng trong các giá hầu đáng lẽ chỉ được sử dụng ở nơi hầu thánh thì lại mang ra sân khấu.
Màn trình diễn trang phục này đã làm sai lệch tín ngưỡng, không đúng quy trình thực hành di sản và vi phạm tới “tính thiêng” của tín ngưỡng, gây nên những bức xúc cho các nghệ nhân, người thực hành di sản. Vì tình yêu với di sản và mong muốn quảng bá di sản thông qua nghệ thuật là điều rất đáng hoan nghênh.
Tuy nhiên, trong khuôn khổ Hội thảo quốc tế về di sản mà lại làm sai lệch di sản, suy giảm giá trị di sản, ảnh hưởng công tác quản lý Nhà nước về di sản (cho dù vô tình) thì cũng cần chấn chỉnh kịp thời.
Sau hơn 7 năm Tín ngưỡng thờ Mẫu Tam phủ của người Việt được UNESCO ghi danh là di sản phi vật thể của nhân loại, không ít lần những sự việc làm biến dạng di sản đã diễn ra. Hiện tượng hầu đồng mọi lúc, mọi nơi, từ hầu Tứ phủ trong Phủ Trần Triều, hầu đồng tại các chùa, đình và các sư (những đối tượng không có trong danh mục thực hành di sản gốc)… cũng tham gia hầu đồng.
Tại các đền to, phủ lớn, trong các dịp lễ thường hầu đồng ở mọi ban, thậm chí cả ngoài sân, bật loa đài hết cỡ. Những hành động vi phạm này cứ vô tư diễn ra mà chẳng có chế tài xử phạt xử lý. Bởi vì câu chuyện phạt khi vi phạm vẫn còn xa vời.
Nhiều thanh đồng còn phàn nàn vì bức xúc cho hành vi làm sai lệch tín ngưỡng nên nhiều lần lên tiếng trước những hiện tượng xúc phạm tín ngưỡng, thậm chí lập vi bằng và có đơn kiến nghị gửi đến các cơ quan chức năng, tuy nhiên cho đến nay vẫn chưa có một vụ việc nào bị xử lý. Chưa kể, vai trò của cơ quan văn hóa địa phương cũng khá mờ nhạt. Bởi suy cho cùng, những giá hầu sai lệch, biến tướng, phản cảm… nơi đầu tiên có thể nắm bắt và chấn chỉnh kịp thời chính là cơ quan văn hóa tại địa phương.
Có nên sân khấu hóa di sản hay không là vấn đề vẫn thường gây tranh cãi. Vì khi di sản của chúng ta được thế giới công nhận, thường là các yếu tố gốc, yếu tố truyền thống được đề cao. Nhưng thực tế, qua các thời kỳ phát triển, văn hóa cũng sẽ có những bổ sung của con người thời đại đó.
Sân khấu hóa cũng là một biện pháp để giới thiệu rộng rãi hơn di sản, đưa di sản đến gần hơn với những người không có cơ hội trực tiếp chứng kiến. Nhưng cũng nên tránh hiện tượng vin vào nghệ thuật để làm quá mức, làm sai lệch giá trị cốt lõi của di sản. Điều này đòi hỏi những người thực hành di sản cần phải có hiểu biết sâu sắc về di sản, phải có trách nhiệm và cái tâm. Biết rằng, việc sân khấu hóa các di sản truyền thống là quyền sáng tạo nhưng mong rằng đừng làm biến hóa, méo mó di sản.