Việt Nam vươn mình trong kỷ nguyên mới

Khi doanh nghiệp khát vốn, ngân hàng cạn “room”

Trâm Anh
Chia sẻ Zalo

Kinhtedothi - Cán bộ của một số ngân hàng chia sẻ, hiện nhu cầu vay vốn rất lớn, nhưng các ngân hàng không thể mạnh tay trong việc cho vay mà phải giải ngân cho khách hàng theo hướng nhỏ giọt do đã cạn room tín dụng. Trong khi đó, cuộc đua huy động tiền gửi ngày càng nóng.

Dù lãi suất tăng cao nhưng nhiều DN rất khó tiếp cận vốn do vướng room tín dụng. Ảnh: Thanh Hải
Dù lãi suất tăng cao nhưng nhiều DN rất khó tiếp cận vốn do vướng room tín dụng. Ảnh: Thanh Hải

“Nước lên, thuyền lên”

Lãi suất huy động tăng, kéo theo lãi suất cho vay tăng. Theo lãnh đạo một ngân hàng có trụ sở tại Hà Nội, lãi suất cho vay buộc phải tăng lên theo lãi suất huy động vì "nước lên, thuyền lên". Lãi suất huy động tăng lên mặt bằng mới để ngân hàng giữ ổn định nguồn vốn, người gửi tiền cảm thấy không bị thiệt. Hiện các ngân hàng đang cho vay với mức lãi suất trung bình 12 - 14%/năm. Thậm chí, một số ngân hàng có lãi suất cho vay ở kỳ hạn 12 tháng lên tới 16%/năm. Tuy nhiên, dù lãi suất tăng cao nhưng DN rất khó tiếp cận vốn do vướng room tín dụng.

Hiệp hội Bất động sản TP Hồ Chí Minh (HoREA) mới đây đã có kiến nghị gửi cơ quan quản lý. Theo đó, cơ quan này kiến nghị Ngân hàng Nhà nước (NHNN) nới room tín dụng thêm 1 - 2% dù lãi suất đang ở mức cao. "Nếu NHNN nới room tín dụng thêm 1 - 2% nữa thì sẽ có thêm khoảng trên dưới 200.000 tỷ đồng được bổ sung vào nền kinh tế để giải "cơn khát vốn", trong đó có thị trường bất động sản. Các chủ đầu tư dự án nhà ở thương mại, nhà đầu tư và người mua nhà đều mong muốn tiếp tục được vay tín dụng dù phải chịu lãi suất vay cao hơn trước" - Chủ tịch HoREA Lê Hoàng Châu cho biết.

Trên thực tế, không chỉ các DN bất động sản ngay cả các DN vay vốn sản xuất kinh doanh hiện nay cũng rơi vào tình trạng cạn thanh khoản, và chờ đợi vào đợt phân bổ chỉ tiêu tín dụng tiếp theo của các ngân hàng. Phó Chủ tịch Hội Nữ DN nhỏ và vừa Hà Nội Nguyễn Thu Hà chia sẻ, dịp cuối năm hoạt động kinh doanh khá nhộn nhịp, nhu cầu về vốn lưu động tăng cao, trong khi nguồn vốn vay hiện tại chưa thỏa “cơn khát” về vốn của nhiều DN trong bối cảnh hiện nay vì những khó khăn về room tín dụng.

Phó Chủ tịch Hiệp hội DN ngành công nghiệp hỗ trợ TP Hà Nội Nguyễn Vân cho hay, giá cả tăng cao, hoạt động sản xuất kinh doanh của nhiều DN gặp nhiều khó khăn. Do đó, các DN này mong muốn ngân hàng có phương án hỗ trợ phù hợp về lãi suất, cơ cấu lại nợ… để có thể có thêm nguồn vốn duy trì sản xuất, kinh doanh.

“Các tổ chức ngân hàng nên quan tâm cho các DN ngành công nghiệp hỗ trợ được tiếp cận nguồn vốn tốt, thời hạn cho vay dài, bởi nhiều DN công nghiệp hỗ trợ phải đầu tư 2 - 3 năm, thậm chí 5 - 10 năm mới có lãi” - ông Vân nói thêm.

“Nỗi khổ” của ngân hàng

Đứng trên góc độ ngân hàng, TS Nguyễn Quốc Hùng - Tổng Thư ký Hiệp hội Ngân hàng Việt Nam cho biết, các tổ chức tín dụng hiện đang gặp nhiều khó khăn. “Tính tới cuối tháng 10, tăng trưởng tín dụng vào khoảng 11,5% trong khi nguồn vốn chỉ tăng 4,8%. "Vậy lấy đâu ra nguồn để cho vay tiếp?" - ông Hùng nêu vấn đề.

Ngân hàng không thể mạnh tay trong việc cho vay mà phải giải ngân cho khách hàng theo hướng nhỏ giọt do đã cạn room tín dụng
Ngân hàng không thể mạnh tay trong việc cho vay mà phải giải ngân cho khách hàng theo hướng nhỏ giọt do đã cạn room tín dụng

Bên cạnh đó, các ngân hàng đang rất khó khăn trong hệ số an toàn vốn. Do đó, để đảm bảo đủ nguồn vốn đáp ứng nhu cầu của DN thời gian tới, buộc ngân hàng phải tăng mạnh lãi suất huy động đầu vào. Ông Hùng nhấn mạnh, hiện nay, thị trường vốn và thị trường tiền tệ đang mất cân đối và càng mất cân đối hơn khi trái phiếu chưa đến hạn phải trả trước.

Các chuyên gia của SSI Research cho rằng, diễn biến lãi suất huy động ở các NHTM cổ phần còn phức tạp khi thanh khoản dài hạn trên hệ thống chưa có nhiều sự cải thiện. Bên cạnh việc đẩy mạnh chương trình khuyến mại, cộng thêm lãi suất trên 6 tháng để thu hút dòng tiền, nhiều NHTM lớn đã tiếp tục tăng mức lãi suất cho tài khoản không kỳ hạn lên mức trần quy định 1%.

Thông thường, lãi suất tiền gửi không kỳ hạn thấp hơn rất nhiều so với tiền gửi có kỳ hạn, chỉ ở quanh mức 0,1 - 0,3%/năm. Tuy nhiên, từ đầu tháng 11, một số ngân hàng đã bắt đầu đẩy lãi suất tiền gửi không kỳ hạn (CASA) lên từ 0,5 - 1%, điều này khiến cuộc đua CASA ngày càng khốc liệt.

Đưa vốn đúng, trúng các động lực tăng trưởng

Nhiều chuyên gia cho rằng, việc nâng tín dụng lên mức 15 - 16% thay vì 14% là phù hợp để đáp ứng các nhu cầu vay vốn cuối năm rất lớn. Trong khi đó, theo đại diện một số DN, quyết định mở room tín dụng cho các ngân hàng để dòng chảy tín dụng vào hỗ trợ nền kinh tế là kịp thời, tăng năng lực tài chính cho DN, nhưng cần hướng dòng vốn này vào đúng nơi, đúng chỗ để đạt hiệu quả cao nhất.

 

Ban Nghiên cứu Phát triển Kinh tế tư nhân (Ban IV, thuộc Hội đồng Tư vấn cải cách thủ tục hành chính) vừa gửi Thủ tướng Chính phủ xem xét kéo dài tới hết năm 2023 một số chính sách hỗ trợ DN đã phát huy hiệu quả trong giai đoạn đại dịch Covid-19. Cụ thể, đó là chính sách giảm 2% thuế GTGT; chính sách giãn, hoãn áp dụng biểu giá thuê đất mới theo Nghị định 96/2019/NĐ-CP của Chính phủ; chính sách tín dụng như cơ cấu lại thời hạn trả nợ, giữ nguyên nhóm nợ...

Tại buổi tiếp xúc với cử tri cùng đoàn đại biểu Quốc hội TP Cần Thơ sau kỳ họp thứ tư, Quốc hội khóa XV, Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính cho biết, ông đang chỉ đạo ngành ngân hàng, tài chính có các biện pháp tháo gỡ khó khăn, ách tắc, sửa các quy định không phù hợp, cắt giảm thủ tục hành chính; thúc đẩy giải ngân vốn đầu tư công, các chương trình mục tiêu quốc gia, chương trình phục hồi. Miễn, giảm phí, lệ phí cho DN.

Việc nới room tín dụng cũng được nghiên cứu nhưng hợp lý để vừa thúc đẩy tăng trưởng, vừa bảo đảm an toàn hệ thống, ổn định vĩ mô. “Cùng với việc giải quyết vấn đề vốn cho DN thì điều hành chính sách để đưa tiền vào hay rút tiền ra khỏi thị trường một cách phù hợp, làm sao đồng tiền đưa ra đúng, trúng vào động lực tăng trưởng là tiêu dùng, xuất khẩu, đầu tư” - Thủ tướng nhấn mạnh.

Lãnh đạo NHNN cho biết, luôn cảnh báo việc các NHTM rót vốn vào các lĩnh vực rủi ro cao, những lĩnh vực đầu cơ. Mục tiêu của NHNN là hướng vốn vào các lĩnh vực ưu tiên, kiểm soát chặt tín dụng lĩnh vực rủi ro cũng như điều tiết dòng tiền để kiểm soát được mục tiêu lạm phát, ổn định kinh tế vĩ mô...

Đại diện một số ngân hàng cho hay sẽ tái cơ cấu các khoản nợ từ khách hàng cũ trả nợ để có thể giải ngân khoản vay mới, tập trung cho vay DN vừa và nhỏ, vào các lĩnh vực sản xuất kinh doanh, ngành nghề thiết yếu của nền kinh tế. Việc cho vay với lĩnh vực bất động sản sẽ tiếp tục hạn chế hoặc nếu có chỉ là thực hiện những hợp đồng đã cam kết cấp tín dụng từ trước.

 

Cần có cơ chế hỗ trợ NHTM giảm lãi vay hỗ trợ khách hàng, đặc biệt là các DN thuộc lĩnh vực ưu tiên theo chỉ đạo của Chính phủ thông qua giảm thuế, phí cho các NHTM với mức giảm cao hơn so với quy định hiện nay; xem xét có cơ chế hỗ trợ các NHTM thông qua tái cấp vốn với lãi suất hợp lý; thành lập thị trường mua bán nợ, đồng thời hoàn thiện khuôn khổ pháp lý về hoạt động mua bán nợ của các DN và khung pháp lý quản lý thị trường mua bán nợ, xây dựng và ban hành tiêu chuẩn thẩm định giá khoản nợ…

Tổng Thư ký Hiệp hội Ngân hàng Việt Nam, TS. Nguyễn Quốc Hùng