Trường quốc tế Mỹ Việt Nam (AISVN) có địa chỉ tại huyện Nhà Bè, TP Hồ Chí Minh là hệ thống trường liên cấp từ mầm non đến lớp 12 với khoảng 1.400 học sinh đang theo học và trên 400 giáo viên, nhân viên người Việt Nam cũng như người nước ngoài.
Trường hoạt động hơn chục năm, được biết đến là một trong những trường quốc tế có mức học phí cao nhất tại TP Hồ Chí Minh (từ 280 - 725 triệu đồng/năm/học sinh, chưa kể các chi phí khác).
Hơn 21 giờ tối 17/3, Chủ tịch Hội đồng Trường AISVN gửi email cho toàn thể phụ huynh thông báo nhà trường tạm thời cho học sinh nghỉ học ngày 18/3 để tập trung giải quyết những vấn đề về nhân sự, tài chính.
Tối 18/3, Hội đồng trường cho biết, trường sẽ hoạt động trở lại vào 19/3; tuy thế, sáng 19/3, khi học sinh đến trường lại tiếp tục rơi vào tỉnh cảnh bơ vơ vì không có giáo viên đứng lớp.
Chủ tịch hội đồng Trường AISVN xác nhận, nguyên nhân của sự việc trên xuất phát từ việc nhà trường đang gặp khó khăn về tài chính dẫn đến không thể trả lương đầy đủ và đúng hạn cho tập thể giáo viên, nhân viên trường.
Đáng lưu ý, trường không có câu trả lời chính thức với phụ huynh về việc ngày nào có thể hoạt động bình thường trở lại và việc học sinh bị gián đoạn học tập là không thể tránh khỏi. Điều này gây tâm lý lo lắng, bức xúc trong phụ huynh học sinh.
Nhiều phụ huynh đã làm đơn cầu cứu khẩn cấp gửi đến Sở GD&ĐT TP Hồ Chí Minh và các cơ quan chức năng đề nghị khẩn trương tham mưu lãnh đạo, cấp có thẩm quyền giải quyết cho học sinh sớm được quay trở lại trường tiếp tục học tập, tránh gây ra những ảnh hưởng, hệ lụy xấu trong xã hội, ảnh hưởng đến ngành giáo .
Vụ việc xảy ra tại Trường quốc tế Mỹ Việt Nam không phải là trường hợp đầu tiên. Cuối tháng 9/2023, chủ trường Trường quốc tế Chồi Xanh (Green Shoots) ở Hội An ôm hàng chục tỷ đồng học phí về nước cũng từng khiến phụ huynh nháo nhào. Ngay sau đó, Sở GD&ĐT tỉnh Quảng Nam đã có động thái đề nghị tỉnh liên hệ đại sứ quán để phối hợp giải quyết.
Câu chuyện khủng hoảng tài chính của Trường quốc tế Mỹ Việt Nam đặt ra vấn đề bức thiết trong công tác quản lý các nhà trường. Việc thanh tra, kiểm tra hoạt động toàn diện của các trường quốc tế phải được tiến hành thường xuyên, nghiêm túc, chặt chẽ bởi nếu quản lý lỏng lẻo dễ dẫn đến chất lượng giáo dục không như cam kết, trường phá sản, vốn bị thất thoát hoặc sử dụng không đúng mục đích...; khi đó hậu quả sẽ rất nặng nề mà nạn nhân sau cùng chính là học sinh.
Tại Hà Nội, công tác kiểm tra điều kiện tuyển sinh của các loại hình trường học, bao gồm trường có yếu tố nước ngoài được thực hiện quyết liệt. Hàng năm, Sở GD&ĐT đều tổ chức các đoàn công tác kiểm tra điều kiện tuyển sinh của trường học; nếu đơn vị nhà trường nào không bảo đảm các điều kiện theo quy định, Sở kiên quyết không giao chỉ tiêu tuyển sinh.
Trong văn bản mới ban hành về công tác tuyển sinh đầu cấp trên địa bàn, UBND TP Hà Nội yêu cầu Sở GD&ĐT chủ trì, phối hợp với UBND các quận, huyện, thị xã tổ chức quán triệt, chỉ đạo các cơ sở giáo dục thực hiện nghiêm chỉ đạo của Bộ trưởng Bộ GD&ĐT, chuẩn bị đầy đủ các điều kiện về nhân lực, cơ sở vật chất, trang thiết bị để tổ chức thi, tuyển sinh;
Tiếp tục tăng cường công tác thanh tra, kiểm tra, siết chặt kỷ luật, kỷ cương, nâng cao vai trò, trách nhiệm của người đứng đầu, xử lý nghiêm các trường hợp vi phạm… Chỉ khi siết chặt quản lý thì mới bảo đảm hoạt động của các nhà trường, đi cùng đó là chất lượng giáo dục được giữ vững.
Bên cạnh đó, cũng cần nói đến vai trò của phụ huynh trong việc chọn trường cho con. Khi quyết định chọn trường, nhất là trường quốc tế với mức học phí cao, phụ huynh cần tìm hiểu kỹ các điều khoản, quy định của trường; không để mình và con rơi vào thế khó.