Lễ hội đền Sóc là sự kiện văn hóa tâm linh quan trọng trong đời sống của người dân địa phương cũng như du khách thập phương |
Thông tin đến Kinh tế & Đô thị, Trưởng phòng Văn hóa - Thông tin huyện Sóc Sơn Đoàn Văn Sinh cho biết, trước khi dịch Covid-19 bùng phát tại Quảng Ninh, Hải Dương, huyện đã xây dựng kế hoạch tổ chức lễ hội Gióng tại đền Sóc gắn với Lễ kỷ niệm 10 năm Hội Gióng được UNESCO công nhận là di sản văn hóa phi vật thể đại diện của nhân loại. Thời gian dự kiến vào sáng mùng 6 tháng Giêng, tức ngày 17/2/2021 năm Tân Sửu.
Mặc dù vậy, trước tình hình mới của dịch Covid-19, tập thể lãnh đạo huyện Sóc Sơn đã họp, cho ý kiến thống nhất không tổ chức lễ kỷ niệm 10 năm Hội Gióng được UNESCO công nhận là di sản. Đối với lễ hội Gióng tại đền Sóc Xuân Tân Sửu 2021, huyện cũng chủ trương xóa bỏ phần “hội”, chỉ tổ chức phần lễ với các nghi thức truyền thống.
Như vậy, lễ hội Gióng tại đền Sóc năm 2021 vẫn sẽ có phần khai hội được tổ chức theo nghi lễ truyền thống. Trong khi đó, phần hội sẽ không còn các hoạt động văn hóa văn nghệ, thể dục thể thao, các trò chơi dân gian trong khuôn viên đền Sóc... Huyện không tổ chức các gian hàng giới thiệu sản phẩm đặc trưng của địa phương phục vụ khách du lịch; cũng như dừng trưng bày hình ảnh thành tựu xây dựng nông thôn mới của huyện…
Lễ hội Gióng tại đền Sóc là một trong những lễ hội lớn của huyện Sóc Sơn nói riêng, TP Hà Nội và cả nước nói chung, đã được tổ chức UNESCO công nhận là di sản văn hóa phi vật thể đại diện của nhân loại vào năm 2010. Lễ hội đã trở thành sự kiện quan trọng, nhu cầu không thể thiếu trong đời sống sinh hoạt, văn hóa, tâm linh của mỗi người.
Hằng năm, cứ mỗi độ Tết đến Xuân về, người dân thập phương lại nô nức trẩy hội Gióng tại đền Sóc để thể hiện lòng thành kính, cầu mong một năm bình an, may mắn đến với bản thân và gia đình. Theo tục lệ truyền thống, lễ hội Gióng tại đền Sóc sẽ được tổ chức trong 3 ngày, từ ngày mùng 6 - 8 tháng Giêng âm lịch hàng năm…