Việt Nam vươn mình trong kỷ nguyên mới

Kiểm soát khí thải kết hợp thay thế xe máy xăng

Ngọc Hải
Chia sẻ Zalo

Kinhtedothi - Hà Nội đã vạch ra lộ trình kiểm soát khí thải của xe máy từ lâu nhưng thực tế triển khai lại khá chậm chạp.

Chuyên gia giao thông, thạc sĩ Vũ Hoàng Chung cho rằng, để thực hiện cuộc “cách mạng xanh” giao thông cần đẩy nhanh tiến trình kiểm soát khí thải, kết hợp thay thế xe máy xăng bằng xe điện.

Trên thực tế xe máy đang chiếm khoảng 80% tỷ trọng phương tiện của Hà Nội, và trong đó xe sử dụng xăng chiếm tới 97%. Thạc sĩ Vũ Hoàng Chung cho rằng, đây là nguồn phát thải lớn nhất trong nhóm phương tiện giao thông của TP. Nhưng đồng thời, ngoại trừ phương tiện VTHKCC, đây cũng là nhóm phương tiện có điều kiện tốt hơn cả để chuyển đổi sang nhiên liệu sạch.

Nguyên nhân là loại hình phương tiện này có giá thành rẻ, dễ sở hữu, dễ sử dụng và đáp ứng được nhu cầu đi lại của đa số người dân. Bên cạnh đó hạ tầng dành cho xe máy điện cũng đơn giản hơn rất nhiều, không đòi hỏi phức tạp như ô tô điện. Chính vì giá thành rẻ, lại không đòi hỏi lớn về hạ tầng, xe máy điện đã tự lan tỏa trong đời sống người dân hàng ngày. Tuy nhiên, một số hạn chế về tính năng, chất lượng vẫn khiến loại hình này chưa thay thế được xe máy xăng trên diện rộng.

Xe buýt điện ngày càng phổ biến trên đường phố Hà Nội. Ảnh: Phạm Hùng
Xe buýt điện ngày càng phổ biến trên đường phố Hà Nội. Ảnh: Phạm Hùng

“Năm 2017, Hà Nội đã xây dựng kế hoạch giảm thiểu phương tiện cá nhân, trong đó có lộ trình kiểm soát khí thải, loại bỏ xe máy cũ nát. Đây chính là cơ hội để TP dần dần xanh hóa loại xe cơ giới phổ biến nhất nhiều năm qua” - thạc sĩ Vũ Hoàng Chung nói.

Chuyên gia này đề xuất, Hà Nội cần nhanh chóng hoàn thiện các quy định, chính sách để bắt tay vào kiểm định khí thải toàn bộ xe máy xăng. Với những xe đạt yêu cầu, đủ điều kiện sẽ tiếp tục cho lưu hành. Còn những xe không đạt tiêu chuẩn về khí thải, TP có thể đưa ra chính sách hỗ trợ bằng tiền cho người dân chuyển đổi sang xe máy điện (nếu vẫn lựa chọn sử dụng xe máy xăng thì không hỗ trợ). Nếu làm được như vậy, tin chắc sẽ có bộ phận không nhỏ người dân tự nguyện chuyển đổi sang xe máy điện, xe đạp điện mà không cần cưỡng chế, bắt buộc.

Bên cạnh đó, TP có thể kêu gọi, khuyến khích các hãng sản xuất xe có chính sách ưu đãi cho người dân về thuế phí, nhằm hạ giá thành xe máy điện để phổ biến loại hình phương tiện xanh này. “Muốn làm được như vậy, Hà Nội phải có những ưu đãi cụ thể cho nhà sản xuất, nhà cung cấp hạ tầng kỹ thuật đối với xe điện” - thạc sĩ Vũ Hoàng Chung nói.

Tuy nhiên chuyên gia này cũng cho rằng, khuyến khích chuyển đổi sang xe máy điện không phải chính sách cơ bản nhất để thực hiện cách mạng xanh giao thông. Muốn giảm thiểu ô nhiễm môi trường và ùn tắc giao thông, một trong những biện pháp căn cơ nhất là phải hạn chế phương tiện cá nhân, trong đó có xe máy. TP phải tập trung toàn lực phát triển VTHKCC với đường sắt đô thị là xương sống để đáp ứng tốt nhu cầu đi lại cho người dân, khiến người dân dần thay đổi tập quán lệ thuộc vào xe máy, ô tô riêng.

Về phía Chính phủ, để hỗ trợ tốt cho Hà Nội trên hành trình xanh hóa phương tiện giao thông, cần sớm ban hành các quy chuẩn, tiêu chuẩn kỹ thuật về khí thải đối với xe máy. Đây là căn cứ pháp lý quan trọng, có tính nền tảng giúp Thủ đô rà soát tổng thể thực trạng phát thải của xe máy cá nhân. Nếu đưa ra được chuẩn phát thải cho xe máy, hơn 7 triệu phương tiện cá nhân (chiếm tỷ trọng 80%) hiện nay sẽ có căn cứ để kiểm soát, tiến tới giảm dần đáng kể về số lượng.

Thạc sĩ Vũ Hoàng Chung cho rằng, vừa kiểm soát khí thải, loại bỏ xe máy xăng cũ nát, vừa hỗ trợ, khuyến khích một cách thiết thực để người dân chuyển sang xe máy điện là giải pháp hiệu quả, rất đáng được xem xét. Hà Nội cần sớm xây dựng kịch bản, lộ trình, nếu tiếp tục chờ đợi sẽ khiến ô nhiễm môi trường, ùn tắc giao thông của TP ngày càng diễn biến phức tạp.