Việt Nam vươn mình trong kỷ nguyên mới

Kỷ niệm 94 năm Ngày thành lập Đảng bộ Thành phố Hà Nội (17/3/1930 - 17/3/2024)

Kiểm tra, giám sát là nhiệm vụ trọng tâm, thường xuyên, liên tục

Nguyên Bảo
Chia sẻ Zalo

Kinhtedothi - Nếu như công tác cán bộ là nhiệm vụ “then chốt” của “then chốt” trong xây dựng Đảng thì công tác kiểm tra, giám sát lại có vai trò quan trọng trong xây dựng tổ chức đảng và hệ thống chính trị trong sạch, vững mạnh.

Do đó, trong suốt 94 năm xây dựng và phát triển (17/3/1930-17/3/2024), Đảng bộ TP Hà Nội luôn quan tâm tới công tác này và coi đó là nhiệm vụ trọng tâm, thường xuyên, liên tục để xây dựng đội ngũ đảng viên đủ năng lực, phẩm chất, đáp ứng nhiệm vụ chính trị của Đảng bộ Thủ đô.

Bí thư Thành uỷ Đinh Tiến Dũng chủ trì Hội nghị giao ban công tác kiểm tra, giám sát với các quận, huyện ủy có đường Vành đai 4 - Vùng Thủ đô đi qua địa bàn.
Bí thư Thành uỷ Đinh Tiến Dũng chủ trì Hội nghị giao ban công tác kiểm tra, giám sát với các quận, huyện ủy có đường Vành đai 4 - Vùng Thủ đô đi qua địa bàn.

Chủ động xây dựng chương trình, kế hoạch kiểm tra, giám sát

Song song với việc xây dựng và chỉ đạo thực hiện hiệu quả công tác xây dựng, chỉnh đốn Đảng, công tác kiểm tra, giám sát luôn được Thành ủy Hà Nội tập trung lãnh đạo, chỉ đạo, thực hiện có trọng tâm, trọng điểm và đạt được những kết quả rất tích cực. Điều này đóng góp quan trọng vào việc thực hiện nhiệm vụ chính trị và công tác xây dựng Đảng của Đảng bộ TP.

Theo đó, Thành ủy, Ban Thường vụ Thành ủy Hà Nội và các cấp ủy đã chủ động xây dựng chương trình, kế hoạch kiểm tra, giám sát toàn khóa và từng năm; quy chế làm việc của cấp ủy và ủy ban kiểm tra các cấp; ban hành các đề án, quy chế, quy trình về công tác kiểm tra, giám sát. Trong đó, nổi bật là Đề án số 12-ĐA/TU, ngày 18/2/2022 của Ban Thường vụ Thành ủy về “Nâng cao chất lượng giám sát chuyên đề nhằm thực hiện có hiệu quả công tác phòng ngừa vi phạm”.

Điển hình, trong nửa đầu nhiệm kỳ Đại hội XVII Đảng bộ TP Hà Nội (2020-2025), Ban Thường vụ Thành ủy kịp thời chỉ đạo Ủy ban Kiểm tra (UBKT) Thành ủy, cấp ủy, UBKT các cấp chủ động thực hiện nhiều nhiệm vụ đột xuất do Ủy ban Kiểm tra Trung ương giao với khối lượng công việc lớn, tính chất phức tạp.

Bên cạnh đó, đổi mới nội dung, phương thức kiểm tra, giám sát. Tăng cường kiểm tra, giám sát việc lãnh đạo, chỉ đạo, tổ chức thực hiện chủ trương, nghị quyết; thực hiện nhiệm vụ chính trị, chức trách, nhiệm vụ của cán bộ, đảng viên. Chỉ đạo tăng cường công tác kiểm tra, giám sát theo tinh thần “không có vùng cấm”, “không có ngoại lệ”. Từ đầu nhiệm kỳ đến nay, đã kiểm tra 3.542 lượt tổ chức đảng, 992 đảng viên; giám sát 2.212 lượt tổ chức đảng, 1.098 đảng viên. Trong đó, Ban Thường vụ Thành ủy thành lập 17 đoàn kiểm tra đối với 60 lượt tổ chức đảng, 51 đảng viên và 9 đoàn giám sát đối với 22 lượt tổ chức đảng, 10 đảng viên.

Ban Thường vụ Thành ủy đã kịp thời lãnh đạo, chỉ đạo UBKT Thành ủy, ban thường vụ cấp ủy và UBKT các cấp nghiêm túc thực hiện các nhiệm vụ UBKT Trung ương giao có chất lượng, tuân thủ đúng nguyên tắc, quy trình, thủ tục, thẩm quyền, phương pháp công tác theo quy định. Phối hợp với Đoàn kiểm tra khi có dấu hiệu vi phạm của UBKT Trung ương thực hiện nghiêm túc, chặt chẽ quy trình kiểm điểm, xem xét đề nghị thi hành kỷ luật. Công tác giám sát thường xuyên đã được quan tâm tổ chức thực hiện theo quy định của Điều lệ Đảng; đi vào nền nếp. UBKT các cấp giám sát chuyên đề đối với 1.877 lượt tổ chức đảng và 2.639 đảng viên. Trong đó, UBKT Thành ủy và 30 ban thường vụ quận, huyện, thị ủy đã giám sát đối với 97 tổ chức đảng.

Đơn cử như kiểm tra, giám sát công tác lãnh đạo, chỉ đạo, tổ chức thực hiện mua sắm thuốc, trang thiết bị y tế, vật tư y tế tiêu hao; kiểm tra, xử lý các tổ chức Đảng và đảng viên có liên quan đến vụ án tại Công ty CP Công nghệ Việt Á; báo cáo, tổng hợp đầy đủ hồ sơ, tài liệu phục vụ Đoàn kiểm tra số 01 Ban Chỉ đạo Trung ương về phòng, chống tham nhũng, tiêu cực...

Quang cảnh Hội nghị tổng kết công tác kiểm tra, giám sát năm 2023 tại Thành uỷ Hà Nội. 
Quang cảnh Hội nghị tổng kết công tác kiểm tra, giám sát năm 2023 tại Thành uỷ Hà Nội. 

Tăng cường kiểm tra, giám sát lĩnh vực có vị trí, vai trò quan trọng

Để góp phần xây dựng tổ chức đảng và hệ thống chính trị trong sạch, vững mạnh, thời gian tới, TP tập trung nâng cao hơn nữa chất lượng, hiệu quả công tác kiểm tra, giám sát, kỷ luật đảng. Chú trọng kiểm tra, giám sát tổ chức đảng, đảng viên ở những địa bàn, lĩnh vực có vị trí, vai trò quan trọng, nhạy cảm, tác động đến nhiệm vụ chính trị của TP. Đẩy mạnh công tác phòng, chống tham nhũng, tiêu cực và tạo chuyển biến mạnh mẽ trong hoạt động của hệ thống chính trị.

Trong đó, TP yêu cầu cấp ủy, tổ chức đảng, UBKT các cấp, nhất là người đứng đầu cần tiếp tục nâng cao nhận thức và trách nhiệm, tăng cường lãnh đạo, chỉ đạo chú trọng thực hiện nhiệm vụ kiểm tra, giám sát. Chỉ đạo UBKT cấp mình và cấp ủy, tổ chức đảng, UBKT cấp dưới thực hiện nhiệm vụ kiểm tra, giám sát. Chủ động nghiên cứu, phổ biến, quán triệt, tổ chức thực hiện nghiêm túc các quy định, quy chế, hướng dẫn của Trung ương, Thành ủy về công tác kiểm tra, giám sát.

Thành ủy, các cấp ủy đảng xây dựng và triển khai tốt chương trình, kế hoạch công tác kiểm tra, giám sát của Đảng bộ TP. UBKT Thành ủy và UBKT các cấp tiếp tục thực hiện toàn diện các nhiệm vụ kiểm tra, giám sát được quy định tại Điều 32 Điều lệ Đảng, tăng cường thực hiện nhiệm vụ trọng tâm kiểm tra đảng viên kể cả cấp ủy viên cùng cấp, tổ chức đảng cấp dưới khi có dấu hiệu vi phạm. Chú trọng công tác giám sát chuyên đề; kiểm tra, giám sát thường xuyên kịp thời ngăn chặn, ngăn ngừa vi phạm.

Bên cạnh đó, chú trọng công tác tiếp đảng viên, công dân, tiếp nhận, phân loại xử lý giải quyết các đơn thư khiếu nại, tố cáo. Đẩy mạnh công tác nắm tình hình cơ sở; kịp thời phát hiện những phát sinh, tiêu cực, vụ việc nổi cộm để chỉ đạo, xử lý dứt điểm, hiệu quả. Quan tâm kiện toàn UBKT các cấp đủ số lượng và đảm bảo chất lượng; xây dựng đội ngũ cán bộ kiểm tra đáp ứng tốt yêu cầu.

Thực hiện tốt quy chế phối hợp giữa UBKT các cấp với các cơ quan chức năng có liên quan, kết hợp chặt chẽ giữa công tác kiểm tra của Đảng với công tác thanh tra Nhà nước, công tác giám sát của các tổ chức chính trị - xã hội và các cơ quan nội chính, tư pháp trong thực hiện nhiệm vụ kiểm tra, giám sát, phòng chống tham nhũng, tiêu cực.