Ban Dân nguyện, Ủy ban Thường vụ Quốc hội chuyển đến Bộ LĐTB&XH kiến nghị của cử tri tỉnh Thanh Hóa với nội dung: đề nghị xem xét, nghiên cứu nâng mức trợ cấp một lần đối với người lao động có thời gian đóng BHXH cao hơn số năm tương ứng với tỷ lệ lương hưu 75% bằng 1 lần mức bình quân tiền lương làm căn cứ đóng BHXH cho những năm đóng BHXH cao hơn; thay vì 0,5 lần như Luật BHXH năm 2014 và dự thảo Luật BHXH (sửa đổi) quy định.
Về kiến nghị này của cử tri tỉnh Thanh Hóa, Bộ LĐTB&XH đã có trả lời: theo quy định hiện hành, tổng tỷ lệ đóng vào Quỹ hưu trí và tử tuất của người lao động và người sử dụng lao động là 22%. Trong khi đó, khi người lao động đủ điều kiện hưởng lương hưu thì sẽ được hưởng lương hưu với tỷ lệ tối đa 75% khi có thời gian đóng BHXH là 35 năm đối với nam và 30 năm đối với nữ.
Có thể thấy, tỷ suất tích lũy (tỷ lệ hưởng lương hưu tương ứng với một năm đóng BHXH) của Việt Nam hiện nay là 2,14% đối với nam và 2,5% đối với nữ. Trong khi các nước Trung Quốc và Hàn Quốc tỷ lệ này là 1% và bình quân của thế giới 1,7%.
Bộ LĐTB&XH cho rằng, với tỷ lệ hưởng lương hưu tối đa 75%, Việt Nam được đánh giá là một trong những quốc gia có tỷ lệ hưởng lương hưu cao nhất thế giới.
Hơn nữa, chính sách BHXH của Việt Nam thời gian qua đã từng bước được sửa đổi, bổ sung và hoàn thiện theo hướng bảo đảm hơn nguyên tắc đóng hưởng và bảo đảm bền vững lâu dài của Quỹ BHXH. Người lao động có thời gian đóng BHXH cao hơn số năm tương ứng với tỷ lệ hưởng lương hưu 75% thì khi nghỉ hưu, ngoài lương hưu hàng tháng còn được hưởng trợ cấp một lần. Mỗi năm đóng BHXH cao hơn số năm quy định, người lao động được tính bằng 0,5 tháng mức bình quân tiền lương đóng BHXH.
“Trợ cấp một lần khi nghỉ hưu chỉ mang tính chất ghi nhận đối với người lao động có thời gian đóng BHXH cao hơn số năm tương ứng với tỷ lệ hưởng lương hưu 75%. Do vậy, việc kiến nghị tăng mức trợ cấp một lần khi nghỉ hưu sẽ ảnh hưởng tới khả năng cân đối, không đảm bảo bền vững của Quỹ hưu trí và tử tuất”- Bộ LĐTB&XH cho biết.