Chiều 13/10, Đoàn đại biểu Quốc hội (ĐBQH) TP Hồ Chí Minh đã có buổi làm việc với UBND TP này về tình hình kinh tế - xã hội và thực hiện Nghị quyết 54/2017/QH14 ngày 24/11/2017 của Quốc hội. Ủy viên Bộ Chính trị - Chủ tịch nước Nguyễn Xuân Phúc; Ủy viên Bộ Chính trị - Bí thư Thành ủy TP Hồ Chí Minh Nguyễn Văn Nên; Ủy viên Trung ương Đảng - Trưởng Đoàn ĐBQH, Chủ tịch UBND TP Hồ Chí Minh Phan Văn Mãi chủ trì hội nghị.
Ông Phan Văn Mãi báo cáo với Chủ tịch nước Nguyễn Xuân Phúc về tình hình kinh tế - xã hội 9 tháng đầu năm 2022 của TP Hồ Chí Minh. Theo đó, tốc độ tăng trưởng kinh tế của TP đạt 9,97%, tổng thu ngân sách Nhà nước đạt 350.000 tỷ đồng (90% dự toán năm), vượt 27% so cùng kỳ.
Theo ông Phan Văn Mãi, về kết quả thực hiện Nghị quyết 16 của Bộ Chính trị, kinh tế TP tiếp tục mở rộng quy mô, tăng trưởng khá, chuyển dịch cơ cấu kinh tế theo đúng hướng, tăng giá trị các sản phẩm, thu ngân sách luôn đạt và vượt kế hoạch và chiếm tỉ trọng 26% cả nước. Tuy nhiên, lợi thế chưa được khai thác tối đa, kinh tế đang chững lại, không đạt mục tiêu, năng lực cạnh tranh quốc tế còn thấp, hệ thống y tế, giáo dục đào tạo còn nhiều khó khăn", ông Phan Văn Mãi khẳng định.
Đối với Nghị quyết 54, Chủ tịch UBND TP Phan Văn Mãi cũng xin Quốc hội cho TP tiếp tục thực hiện đến hết ngày 31/12/2023. Hiện nay TP đã chuẩn bị Nghị quyết mới để thay thế Nghị quyết 54, như: Lĩnh vực đầu tư, tài chính ngân sách, tổ chức bộ máy biên chế, cơ chế đặc thù cho TP Thủ Đức và Trung tâm tài chính quốc tế.
Chủ tịch UBND TP Hồ Chí Minh Phan Văn Mãi cũng kiến nghị Trung ương cho TP thí điểm cơ chế khai thác tài sản công; quan tâm kiến nghị Bộ Chính trị có chủ trương, chỉ đạo cho giải quyết dứt điểm các khó khăn, vướng mắc trong các kết luận thanh tra, kiểm tra, trong các bản án; quan tâm có ý kiến cơ chế kinh tế vùng; mong Trung ương nhận diện giúp TP nhiều vấn đề và có giải pháp để TP bảo đảm vai trò đầu tàu kinh tế của cả nước.
Tại hội nghị, đại biểu Trương Trọng Nghĩa khẳng định sau dịch Covid-19 lần thứ tư, kinh tế TP phục hồi rất nhanh nhờ nhiều yếu tố tổng hợp, trong đó có yếu tố lịch sử và truyền thống của TP. Đại biểu Nghĩa cũng cho rằng, có 6 yếu tố để TP trở thành đầu tàu phát triển, đó là: Tài chính ngân sách phải có một mức độ tự chủ cao hơn mặt bằng pháp lý và cơ chế hiện hữu, ví như TP đã thành công khi xin Nghị quyết 54; nguồn lực đất đai, nhà cửa; mở cửa hội nhập thu hút đầu tư; ứng dụng khoa học công nghệ (KHCN) như số hóa, cơ sở dữ liệu, kết nối, ứng dụng theo kịp nước xung quanh; tổ chức bộ máy; nhân sự.
“6 yếu tố này không tách rời nhau, mà tương hỗ lẫn nhau. Ví như tổ chức bộ máy và nhân sự nếu được tự chủ thì TP sẽ hợp lý hóa bộ máy tổ chức, hợp lý hóa nhân sự. Cảm nhận của tôi là nhân lực hiện nay của TP không đáp ứng được ở hai yếu tố: Thiếu cán bộ ngang tầm với nghiệp vụ (từ cấp Sở trở xuống cấp quận, huyện). Trong 20 năm qua, chúng ta đã đưa rất nhiều người ra nước ngoài đào tạo. Số này hoặc ở lại nước ngoài hoặc về nước nhưng đi làm bên ngoài. Bộ máy chúng ta rất cần lực lượng này, làm cách nào đưa số này vào bộ máy Nhà nước, trong số này con em cán bộ rất nhiều”, đại biểu Trương Trọng Nghĩa đề xuất.
Còn đại biểu Vũ Hải Quân - Giám đốc Đại học Quốc gia TP Hồ Chí Minh (ĐHQG-HCM) cho biết, tốc độ tăng trưởng của TP thời gian qua có chậm lại, nhưng phải tìm nguyên nhân tại sao chậm, từ đó đưa ra giải pháp.
"Trung ương cho TP được giữ lại ngân sách tỉ lệ là 23% vào năm 2023, vì hiện nay trong dự thảo mới chỉ cho 21%. Giai đoạn sau năm 2023, xin giữ lại 26% dùng để dầu tư cho KHCN và giáo dục đào tạo. Nếu so sánh ở chừng mực thì TP có thể như TP Thượng Hải (Trung Quốc), có thể trở thành trung tâm KHCN, trung tâm tài chính thế giới, nếu chi cho nghiên cứu KHCN tăng lên. Vì trong 10 năm TP chi 16.000 tỷ đồng cho KHCN, trung bình 1.600 tỷ/năm, nhưng chi cho KHCN và nghiên cứu là bao nhiêu phần trăm thì không rõ. Trong vòng 10 năm qua, nhìn vào những công trình KHCN, những sản phẩm mang tính đột phá, thấy rất khiêm tốn vì chúng ta chưa có Trung tâm nghiên cứu KHCN, chưa có Trung tâm đổi mới sáng tạo mang tầm quốc tế", đại biểu Vũ Hải Quân đề xuất.
Sau khi nghe nhiều ý kiến đóng góp của các Bộ trưởng, Thứ trưởng và của các đại biểu Quốc hội về những thuận lợi và khó khăn của TP Hồ Chí Minh. Chủ tịch nước Nguyễn Xuân Phúc khẳng định đại diện các Bộ, ngành đều ủng hộ cần có cơ chế đặc thù thí điểm để TP Hồ Chí Minh phát triển mạnh hơn.
“Trong bối cảnh nhiều khó khăn bởi đại dịch Covid-19, TP Hồ Chí Minh đã vượt qua dịch. Trước đó tăng trưởng âm, nay phục hồi tốt, TP đã hoàn thành 15/19 chỉ tiêu. Đây là ý chí mạnh mẽ của Đảng bộ và Nhân dân TP. Nhưng chúng ta không quá lạc quan nếu so sánh với 2 quý bị âm năm ngoái, còn năm nay chúng ta chỉ mới lấy lại những gì đã mất. Tôi đánh giá cao TP làm tốt công tác an sinh xã hội, quyết liệt xử lý những tồn tại, sai phạm của những vụ án kéo dài mà dư luận quan tâm. Tôi nhiệt liệt biểu dương những mặt đạt được của TP”, Chủ tịch nước Nguyễn Xuân Phúc, nhấn mạnh.
Tuy nhiên, Chủ tịch nước cho rằng vị trí đầu tàu của TP Hồ Chí Minh hiện đang suy giảm dần do hai năm bị ảnh hưởng bởi dịch Covid-19. Có những chương trình không thành công như cải tạo kênh rạch của TP trong 20 năm qua đã thất bại, ngập nước… Bên cạnh đó, việc ứng dụng công nghệ cao còn khá ít trong sản xuất, những thu hút tập đoàn lớn chưa được phát huy, còn nhiều dự án bất động sản bị nghẽn, quy hoạch treo quá kéo dài.
Từ những nhìn nhận nêu trên, Chủ tịch nước Nguyễn Xuân Phúc đề nghị Chính phủ nghiên cứu sát hơn với TP Hồ Chí Minh. “Chúng ta nói kinh tế thị trường định hướng xã hội chủ nghĩa, nhưng chúng ta không theo thị trường là không ổn như vụ chiết khấu giá xăng dầu vừa qua. Đối với TP Hồ Chí Minh cần nắm bắt khó khăn của doanh nghiệp trong từng dự án để tháo gỡ, động viên họ làm việc.
TP cũng cần phân loại, kêu gọi đầu tư từ những tập đoàn lớn. TP có những cơ chế năng động, sáng tạo đi trước đón đầu nhưng chưa được thực hiện đồng bộ dẫn đến kìm hãm rất lớn. TP có cơ chế thí điểm để đi trước, đón đầu, do đó, cần bãi bỏ những nội dung không phù hợp, phân cấp trao quyền mạnh mẽ hơn nữa cho TP. Cần có cơ chế đặc thù liên kết vùng trong đó TP Hồ Chí Minh là chủ đạo không chỉ ở miền Đông mà còn ở miền Tây Nam Bộ”, Chủ tịch nước Nguyễn Xuân Phúc phát biểu.
Đáp lời Chủ tịch nước, Ủy viên Bộ Chính trị - Bí thư Thành ủy TP Hồ Chí Minh Nguyễn Văn Nên cảm ơn sự quan tâm sâu sắc của lãnh đạo Đảng, Nhà nước đối với TP thời gian qua.
“Chúng tôi rất tâm đắc với những nhận xét, đánh giá, chỉ đạo sâu sát của Chủ tịch nước. Hai năm qua là hai năm triển khai thực hiện Nghị quyết Đại hội Đảng thì cũng là 1 năm phòng chống dịch Covid-19 và 1 năm ra sức khắc phục, phục hồi kinh tế và giải quyết nhiều vấn đề tồn đọng. Trong bối cảnh nghiệt ngã đó, rất nhiều thử thách chưa từng có đối với Đảng bộ và Nhân dân TP. Nhưng một lần nữa, chính nơi đây đã tỏ rõ sự kiên cường của TP có truyền thống đoàn kết, năng động, sáng tạo, nghĩa tình.
Nếu như trong đại dịch người dân kiên cường vượt qua, trong phục hồi chính người dân và doanh nghiệp cùng hệ thống chính trị đã chứng minh sự mạnh mẽ của một đầu tàu như muốn nói rằng “chỉ cần đủ nhiên liệu, đường ray… thì sự tăng tốc của một con tàu nằm trong tầm tay”, Bí thư Nguyễn Văn Nên bộc bạch.
Cũng theo Bí thư Nguyễn Văn Nên, tại buổi làm việc chiều nay, TP đã tiếp nhận rất nhiều tư duy, vấn đề mới. Điều đáng mừng nhất là chúng ta đều thống nhất đối với TP cần có 1 cơ chế vượt trội mang tính đột phá với tinh thần vừa tháo gỡ những vướng mắc khó khăn đang tồn tại.
Đồng thời cũng là nơi thực hiện thí điểm những vấn đề mới để Trung ương rút kinh nghiệm. TP sẽ tiếp tục triển khai các vấn đề chỉ đạo cụ thể của đồng chí Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng vào ngày 23/9 vừa qua, và ý kiến chỉ đạo của Chủ tịch nước hôm nay với tinh thần trách nhiệm cao nhất để không phụ lòng lãnh đạo và người dân.