Kinh tế khó khăn: Doanh nghiệp nỗ lực... chưa đủ

Chia sẻ Zalo

KTĐT - Những đợt tăng giá từ đầu năm đến nay đang ảnh hưởng đến nhiều mặt của đời sống kinh tế - xã hội. Theo TS Lê Đăng Doanh, nguyên Viện trưởng Viện Nghiên cứu Quản lý kinh tế T.Ư, sự hợp sức của người dân, doanh nghiệp (DN) cơ quan chức năng sẽ được xem là những "lá chắn" để vượt qua giai đoạn khó khăn này.

Ông nhìn nhận thế nào về việc giá một số mặt hàng sẽ tăng vào tháng 4 tới?

- Với nhiều DN, chi phí đầu vào tăng giống như một mảng màu đen trong bức tranh không mấy sáng sủa về tình hình kinh doanh vốn đang gặp rất nhiều khó khăn. Việc đầu vào dồn dập tăng giá đều dẫn đến hiệu ứng tăng giá nhiều loại hàng hóa là điều khó tránh khỏi. Tuy nhiên, không loại trừ nhà cung cấp "tranh thủ" tăng giá "tát nước theo mưa". Tình trạng này thường rơi vào các nhà sản xuất nhỏ, hoặc nhà sản xuất đang có những sản phẩm ít bị cạnh tranh hay đang độc quyền ở phân khúc nào đó.

Gần hết tháng 3 nhưng giá nhiều loại mặt hàng tăng cao, theo ông, trong những tháng tới, chỉ số CPI sẽ diễn biến như thế nào?

- Tháng 3, chỉ số CPI thấp hơn so với dự đoán của nhiều người do giá một số mặt hàng thực phẩm, đặc biệt là giá thịt lợn giảm trước những thông tin về việc sử dụng chất tạo nạc. Đáng chú ý, trong tháng 3, giá xăng vẫn chưa tác động nhiều đến chỉ số này. Phải đến tháng 4, giá xăng mới bắt đầu "ngấm", lại cộng dồn thêm tâm lý lạm phát. Xăng dầu tăng cao, điện cũng có cơ hội đề xuất tăng giá, nếu cứ đà tăng giá của nhiều mặt hàng (các siêu thị đã nhận được khá nhiều yêu cầu tăng giá) chắc chắn những tháng tới việc kiềm chế lạm phát sẽ khó khăn hơn những tháng đầu năm. Chúng ta không thể nào chủ quan. Lạm phát của Việt Nam rất nhạy cảm và có thể thay đổi rất nhanh.

Như vậy, DN lại rơi vào vòng luẩn quẩn khi đầu vào tăng, đầu ra khó khăn, sức mua giảm sút, hàng hóa bị tắc nghẽn. Theo ông, DN sẽ phải làm gì để cải thiện được tình hình?

- Đời sống khó khăn, xu hướng cắt giảm chi tiêu đang ảnh hưởng lớn đến sức tiêu thụ hàng hóa. Tổng mức bán lẻ quý I tăng thấp nhất trong nhiều năm qua, chỉ số hàng tồn kho liên tục tăng cao trong nhiều tháng nay. Dù người dân tiết giảm tiêu dùng nhưng lạm phát vẫn còn, DN phải vật lộn với lãi suất cho vay vẫn cao. Trong tình hình hiện nay, DN phải cắt giảm chi phí tối đa, nâng cao chất lượng nguồn nhân lực, sức cạnh tranh... Nếu sản phẩm không tăng chất, tăng lượng mà chỉ đơn thuần tăng giá, DN sẽ rất khó tồn tại trong giai đoạn này.
 
Kinh tế khó khăn: Doanh nghiệp nỗ lực... chưa đủ - Ảnh 1
 
TS Lê Đăng Doanh.

Vậy, trong tình hình hiện nay, Nhà nước nên có những giải pháp gì để vừa ổn định đời sống người dân lại hỗ trợ các DN, thưa ông?

- Giải pháp để chống tăng giá trong dịp đầu năm nay trước hết phải có cơ chế kiểm soát, xử lý hiện tượng "té nước theo mưa". Nên quản lý chặt việc tăng giá của những DN thuộc Nhà nước quản lý, đi liền với điều chỉnh giá các mặt hàng thiết yếu. Đã minh bạch thì phải minh bạch hết mọi lĩnh vực trong đó có cả các "ông lớn": điện, xăng dầu... Cơ quan quản lý cũng phải có tuyên bố rõ ràng tránh kỳ vọng tâm lý, kiểm soát chặt tăng giá đồng thời có những giải pháp đồng bộ khác để ổn định vĩ mô; Cần nghiên cứu đầy đủ, công bố rõ những tác động của các đợt điều chỉnh giá đến người dân.

Với DN, việc xây dựng chính sách về tín dụng, thuế, phí phải được cân nhắc, tính toán kỹ lưỡng, đảm bảo được tính hợp lý. Các chính sách này trước hết phải tập trung theo hướng tháo gỡ khó khăn cho DN, nhất là DN vừa và nhỏ nhằm duy trì phát triển sản xuất, kinh doanh và đóng góp cho nền kinh tế. Đẩy mạnh ứng dụng khoa học kỹ thuật vào phát triển nông nghiệp, coi trọng đầu tư cho phát triển nông nghiệp, nông thôn.

Ngoài ra, cố gắng xử lý nhanh hơn nữa các vấn đề liên quan đến tái cấu trúc kinh tế; Đẩy mạnh cải cách, đặc biệt là cải cách thể chế; Thực hành triệt để tiết kiệm, chống lãng phí. Các giải pháp ổn định vĩ mô được đưa ra nhưng quan trọng thực thi thế nào. Có tình trạng, chính sách đưa ra rất hay, rất đẹp nhưng thực hiện mỗi nơi mỗi kiểu, dẫn tới chia cắt. Kết cục là không tạo được hiệu quả. Bởi vậy, chính sách phải kiên định, chìa khóa thực sự nằm trong tay Chính phủ.

Xin cảm ơn ông!