Việt Nam vươn mình trong kỷ nguyên mới

Ký ức tháng 10 - ngày trở về tiếp quản Thủ đô Hà Nội

Hồng Thái
Chia sẻ Zalo

Kinhtedothi - Nhân dịp kỷ niệm 70 năm Ngày Giải phóng Thủ đô, phóng viên Báo Kinh tế & Đô thị đã trò chuyện với những nhân chứng lịch sử, những chiến sĩ trở về tiếp quản, giải phóng Thủ đô.

Các cựu chiến binh, thanh niên xung phong gặp gỡ, ôn lại những ký ức hào hùng. Ảnh: Hồng Thái
Các cựu chiến binh, thanh niên xung phong gặp gỡ, ôn lại những ký ức hào hùng. Ảnh: Hồng Thái

Nhớ lại ngày trở về tiếp quản Thủ đô, ông Nguyễn Hồng Minh (nguyên Phó Hiệu trưởng Đại học Luật Hà Nội) kể lại, khi ông đang học Trường Công an Trung ương thì được cử về tiếp quản Thủ đô Hà Nội ở khu vực Cầu Giấy cùng các bạn học. Ấn tượng trong ký ức của ông, đó là hình ảnh các chiến sĩ trở về giải phóng Thủ đô đi đến đâu, quân Pháp rút đến đấy, cờ đỏ sao vàng trong thành phố tung bay rực rỡ.

Nhận nhiệm vụ, ông vừa mừng, vừa lo, làm thế nào để hoàn thành nhiệm vụ tốt nhất trong quá trình tiếp quản Thủ đô rộng lớn. Phấn khởi vì được sống trong bầu không khí độc lập, tự do, nhưng lo vì trách nhiệm cần hoàn thành trong giữ vững an ninh trật tự, giữ gìn tài sản, công trình, phát động quần chúng thực hiện các phong trào.

Ông Nguyễn Hồng Minh. Ảnh: Hồng Thái
Ông Nguyễn Hồng Minh. Ảnh: Hồng Thái

“Tuy nhiên, bằng sự cố gắng, quyết tâm, tôi cùng các bạn học, đồng đội đã hoàn thành nhiệm vụ được Đảng, Nhà nước, Nhân dân giao phó...” - ông Nguyễn Hồng Minh chia sẻ.

Với cựu chiến binh Trần Quốc Hanh (nguyên cán bộ tuyên giáo Trung đoàn 57, Đại đoàn 304), ký ức về ngày Giải phóng Thủ đô 70 năm trước vẫn như in trong tâm trí. Ông và các đồng đội tiến vào Thủ đô tiếp quản trước một ngày, nên không đi theo hàng ngũ chỉnh tề. Đi từ Hà Đông qua Phùng Khoang, Ngã Tư Sở…, hai bên đường hầu như không có nhà cửa, đều là ruộng.

"Hà Nội lúc đó cũng chỉ có ít khu tập thể. Khi đó Pháp có âm mưu để cho chúng ta vào tiếp quản một thành phố chết, người dân vắng vẻ, không có chợ, không buôn bán, không có phương tiện công cộng. Khi vào tiếp quản, đi đến đâu Pháp bàn giao cho ta đến đấy, từng vị trí đồn bốt, căn cứ quân sự, vọng gác... dưới sự giám sát của Ủy ban giám sát quốc tế gồm Ấn Độ, Canada, Ba Lan…"- cựu chiến binh Trần Quốc Hanh kể.

Cựu chiến binh Trần Quốc Hanh. Ảnh: Hồng Thái
Cựu chiến binh Trần Quốc Hanh. Ảnh: Hồng Thái

Nhớ lại ngày 10/10 cách đây 70 năm, cựu chiến binh Trần Quốc Hanh chia sẻ: “Vào tiếp quản Thủ đô, người dân reo hò, chào đón, giây phút đó chúng tôi tràn ngập lòng tự hào dân tộc, đan xen lẫn xúc động. Trải qua 70 năm, sự đổi thay của Hà Nội ngày nay hết sức to lớn. Sau 70 năm, Thủ đô đã khoác lên mình một diện mạo mới, một bộ mặt mới trên tất cả các lĩnh vực, trở thành trung tâm chính trị, văn hóa, giáo dục lớn nhất của cả nước. Sự thay đổi đó đã mang lại niềm tự hào, hạnh phúc rất lớn đối với chúng tôi”.

Chia sẻ về ký ức về tiếp quản Thủ đô, ông Lê Nguyên Diệu (91 tuổi, hiện ở phường Giáp Bát, quận Hoàng Mai) kể, lúc đó ông đang theo học tại trường Công an Trung ương thì Hiệp định Genève được ký kết. Tất cả sinh viên trong trường dừng việc học, chia nhau đi nhận công tác. Lúc đó ông mới 21 tuổi, được phân công về Cục Cảnh vệ, sau đó cùng đoàn cán bộ Công an Hà Nội về tiếp quản Thủ đô.

Ông Lê Nguyên Diệu. Ảnh: Hồng Thái
Ông Lê Nguyên Diệu. Ảnh: Hồng Thái

“Cánh quân chúng tôi được lệnh tiếp quản Thủ đô theo hướng từ Hà Đông đi vào, khi đến cửa ngõ Thủ đô, hiện ra trước mặt là Hà Nội một rừng cờ hoa, biểu ngữ khẩu hiệu chào mừng, hân hoan. Nhân dân đông đảo đứng hai bên đường vẫy cờ hoa đón chào hàng quân chỉnh tề diễu qua, tôi vô cùng xúc động. Xe lăn bánh trong nội thành Hà Nội tràn ngập cờ, hoa rực rỡ giữa nắng gió ngày thu. Người Hà Nội mặc đẹp, mang đủ nhạc cụ, vật dụng tạo âm thanh ra đập vang và nhảy múa tưng bừng. Đêm hôm đó, tôi không ngủ được” - ông Lê Nguyên Diệu hồi tưởng.

Cựu chiến binh Phạm Ngọc Diệp (95 tuổi, phường Nghĩa Đô, quận Cầu Giấy) là chiến sĩ của Trung đoàn 354, Bộ Tổng tham mưu. Ông Phạm Ngọc Diệp kể, ở độ tuổi 15 – 16, ông đã trải qua những tháng ngày “nằm gai, nếm mật” khắp các mặt trận. Trước ngày tiến vào tiếp quản Thủ đô, Bộ Tổng tham mưu đã cho người vào nội thành trước để thám thính tình hình quân địch ở Bách hóa tổng hợp; giữ nhà máy điện, nhà máy nước Yên Phụ….

Cựu chiến binh Phạm Ngọc Diệp. Ảnh: Hồng Thái
Cựu chiến binh Phạm Ngọc Diệp. Ảnh: Hồng Thái

Ngày 9/10/1954, trước ngày tiếp quản Thủ đô 1 ngày, đơn vị của ông đợi ở Phú Thọ. “Đó là một đêm khó ngủ khi trong lòng chúng tôi háo hức về Hà Nội đã xa nhiều năm. Ngày mai về Hà Nội rồi mà chúng tôi chỉ muốn đi luôn, bồn chồn không thể chờ được” - ông Phạm Ngọc Diệp nhớ lại.

Ngày 10/10, tiến về Hà Nội, đi qua Ba Vì, trong trí nhớ của ông, trên đường phố Thủ đô ngày lịch sử ấy, người dân Hà Nội đều ra đường, mặc những bộ quần áo đẹp, mang cờ, ảnh, hoa, tập trung ở các phố chính, hân hoan, chào đón đoàn quân chiến thắng trở về.

"Dẫn đầu là Trung đoàn Thủ đô giương cao lá cờ “Quyết chiến - Quyết thắng”. 15 giờ chiều 10/10, quân dân Thủ đô dự lễ mừng chiến thắng tại sân Cột cờ. Mọi sinh hoạt của người dân vẫn giữ được bình thường, không bị gián đoạn” - cựu chiến binh Phạm Ngọc Diệp chia sẻ.

Ngày 10/10/1954 đã đi vào trang sử vẻ vang của dân tộc; Quân, dân Thủ đô từ 5 cửa ô tiến về Hà Nội tiếp quản Thủ đô, kết thúc 9 năm kháng chiến trường kỳ chống thực dân Pháp xâm lược. Chiến thắng này đi vào lịch sử thế giới và truyền cảm hứng cho các dân tộc bị áp bức trên toàn thế giới đứng dậy đấu tranh giành độc lập dân tộc, đòi quyền dân tộc tự quyết.

70 năm đã trôi qua nhưng tầm vóc lớn lao và ý nghĩa lịch sử của Ngày Giải phóng Thủ đô 10/10/1954 sẽ mãi là nguồn cổ vũ to lớn đối với Đảng bộ, chính quyền, các lực lượng vũ trang và Nhân dân Hà Nội trong sự nghiệp xây dựng, bảo vệ, phát triển Thủ đô và đất nước.