Việt Nam vươn mình trong kỷ nguyên mới

Kỳ vọng năm học mới

Lan Ngọc
Chia sẻ Zalo

Kinhtedothi - Hôm nay (5/9), 2,2 triệu học sinh Hà Nội cùng với hơn 21 triệu học sinh cả nước hân hoan đón ngày khai giảng năm học mới 2023 - 2024.

Một năm học cũ đã qua đi, năm học mới lại bắt đầu với bao niềm hy vọng mỗi ngày đến trường là một ngày vui với các mầm non tương lai của đất nước, câu chuyện thiếu trường, thiếu lớp không còn trở thành gánh nặng của ngành giáo dục Hà Nội cũng như nỗi đau đáu của bậc phụ huynh khi có con chuyển cấp.

Năm học 2023 - 2024, cảnh tượng đáng buồn đã xảy ra trong kỳ tuyển sinh vào 10. Hàng trăm phụ huynh thức trắng đêm xếp hàng, vây kín cổng trường để chỉ mong có được 1 suất cho con vào lớp 10 tại các Trường THPT Tạ Quang Bửu, THPT Hoàng Cầu, THPT Phan Huy Chú… Nguyên nhân cũng bởi vì kỳ thi tuyển sinh vào lớp 10 ở Hà Nội quá áp lực.

Theo như công bố dự kiến hồi tháng 3/2023, chỉ có 55,7% số học sinh được vào công lập, hàng chục nghìn học sinh không thể lọt qua “cánh cửa hẹp” để vào trường công. Ngay sau cảnh xếp hàng, Hà Nội phải hạ điểm chuẩn, tăng thêm chỉ tiêu tuyển sinh vào công lập để toàn TP có 78.623 học sinh được tuyển vào lớp 10 trường công lập, chiếm 60,9% tổng số học sinh tốt nghiệp THCS. Tuy nhiên, theo dự báo, 3 năm nữa tổng số học sinh vào THPT sẽ tăng hơn 29.000 em. Áp lực để con có được suất vào trường công sẽ ngày càng căng thẳng hơn.

Chính vì vậy, để bước vào năm học mới, khắc phục được những hạn chế vừa qua, căn cứ vào tình hình tăng học sinh, đặc biệt là tăng cục bộ ở một số quận như: Hoàng Mai, Bắc Từ Liêm, Nam Từ Liêm... Hà Nội đang tập trung triển khai nhiều giải pháp để giải quyết những bất cập này.

Sở GD&ĐT phối hợp với các sở, ngành liên quan tăng cường tham mưu lãnh đạo TP ưu tiên dành quỹ đất xây dựng trường ở cấp THPT nhằm đáp ứng nhu cầu học tập của con em Nhân dân Thủ đô. Giai đoạn từ nay tới năm 2025, TP Hà Nội tập trung nguồn lực đầu tư cho một số lĩnh vực, trong đó có lĩnh vực giáo dục và đào tạo. Theo đó, đối với các trường thuộc trách nhiệm quản lý, đầu tư cấp TP có 139 dự án với tổng mức đầu tư 8.873 tỷ đồng, trong đó có 16 dự án xây dựng và thành lập mới trường THPT, 123 dự án đầu tư cho các trường hiện có.

Phân luồng giáo dục theo hướng học nghề cũng là thiết yếu, nhưng nếu học sinh và phụ huynh còn có nhu cầu cho con học tiếp các cấp học văn hóa thì nhà quản lý cũng cần có giải pháp đáp ứng nhu cầu tối thiểu đó. Đi kèm với giải pháp đầu tư trường lớp, Hà Nội còn nỗi lo chung giống nhiều địa phương khác là giải quyết tình trạng thiếu giáo viên.

Bởi, khi số lượng học sinh, số lượng lớp, trường tăng, kéo theo số lượng người làm việc tại khối giáo dục cũng phải tăng theo nhằm đáp ứng yêu cầu “có học sinh, có lớp thì phải có giáo viên”. Qua rà soát, trên địa bàn TP Hà Nội hiện thiếu khoảng 8.939 biên chế. Để giải quyết tình trạng thiếu nhân lực trong ngành y tế, giáo dục, ngày 6/7/2023, tại Kỳ họp thứ 12, HĐND TP Hà Nội đã thông qua Nghị quyết về việc giao chỉ tiêu lao động hợp đồng đối với đơn vị sự nghiệp thuộc lĩnh vực giáo dục và y tế năm 2023 theo Nghị định số 111/2022/NĐ của Chính phủ. Theo đó, HĐND TP đã đồng ý bổ sung cho lĩnh vực giáo dục và đào tạo năm 2023 của TP là 3.112 chỉ tiêu giáo viên hợp đồng, được giao thực hiện từ tháng 8/2023 đến hết tháng 12/2023.

Hà Nội là trung tâm kinh tế, chính trị, văn hóa, khoa học lớn của cả nước. Vì vậy, làm sao để giáo dục Thủ đô được đầu tư mạnh mẽ cùng quá trình phát triển của kinh tế - xã hội, bài toán này đang được Hà Nội giải quyết bằng từng giải pháp căn cơ nhất hiện có.