Vào ngày 12 và 13/5 tới sẽ diễn ra Hội nghị cấp cao đặc biệt Mỹ-ASEAN kỷ niệm 45 năm quan hệ Mỹ-ASEAN. Các chuyên gia cho rằng, sự kiện này hứa hẹn sẽ đem đến những động lực mới thúc đẩy quan hệ giữa hai bên.
Khẳng định tầm quan trọng của ASEAN
GS Carl Thayer từ Đại học New South Wales (Australia) khẳng định, sự kiện này sẽ đem đến những kết quả thiết thực do tiếp nối các sáng kiến của Hội nghị thượng đỉnh các nhà lãnh đạo đặc biệt Mỹ-ASEAN đầu tiên diễn ra tại Sunnylands vào tháng 2/2016, thể hiện cam kết của Tổng thống Biden hỗ trợ ASEAN giải quyết và phục hồi sau đại dịch Covid-19, giảm thiểu biến đổi khí hậu, cũng như thúc đẩy tăng trưởng kinh tế và bình đẳng giới tại Hội nghị cấp cao ASEAN-Mỹ diễn ra theo hình thức trực tuyến vào tháng 10/2021 .
Diễn ra vào thời điểm này, Hội nghị là cơ hội cho Tổng thống Biden trấn an các nhà lãnh đạo ASEAN rằng Mỹ sẽ tiếp tục tham gia vào khu vực bất chấp xung đột quân sự giữa Nga và Ukraine. Mặt khác, các nhà lãnh đạo ASEAN sẽ muốn tìm hiểu chi tiết về các chính sách kinh tế của Chính quyền Biden đối với Đông Nam Á.
Theo GS Shankari Sundararaman, Trường Nghiên cứu Quốc tế (Ấn Độ), kể từ khi Tổng thống Mỹ Joe Biden nhậm chức vào năm 2021, một loạt chuyến thăm cấp cao của Mỹ tới khu vực này đã góp phần thể hiện cam kết tăng cường hợp tác.
Từ tháng 5 đến tháng 7 năm 2021, Thứ trưởng Ngoại giao Wendy Sherman và Bộ trưởng Quốc phòng Mỹ Lloyd Austin đã đến thăm sáu trong số các quốc gia Đông Nam Á, đánh dấu một nỗ lực đáng kể trong việc thiết lập lại cấu trúc khu vực với chính quyền Mỹ. Chuyến thăm cấp cao của Phó Tổng thống Kamala Harris, sau khi Mỹ rút khỏi Afghanistan vào tháng 8/2021, được coi là một dấu hiệu rõ ràng về tầm quan trọng của chiến lược Ấn Độ Dương - Thái Bình Dương.
Hội nhập kinh tế- vấn đề cốt lõi
Chia sẻ về những vấn đề tiềm năng tại Hội nghị lần này, GS Shankari Sundararaman cũng cho rằng, hội nhập kinh tế vẫn là vấn đề cốt lõi thúc đẩy lợi ích của Mỹ-ASEAN hơn nữa.
Trong khi các động lực thúc đẩy cam kết an ninh của Mỹ là tương đối cao, đối với ASEAN, góc độ kinh tế cũng vẫn có ý nghĩa. Cụ thể, hội nghị thượng đỉnh vào tháng 10/2021 chứng kiến chính quyền Biden công bố Khung kinh tế Ấn Độ - Thái Bình Dương (IPEF), là câu trả lời của Mỹ trong việc xây dựng khả năng phục hồi kinh tế lớn hơn giữa các nước đối tác trên khắp Ấn Độ Dương - Thái Bình Dương, với Đông Nam Á là trung tâm.
Theo Steven R Okun, Cố vấn cấp cao Hiệp hội chiến lược toàn cầu McLarty Associates, cựu Chủ tịch Hiệp hội Thương mại Mỹ tại Singapore, Chiến lược Ấn Độ Dương – Thái Bình Dương sẽ nằm trong số các vấn đề quan trọng trên bàn thảo luận của Hội nghị.
Chuyên gia này nhận định, Mỹ chỉ có thể thành công ở khu vực Ấn Độ Dương - Thái Bình Dương nếu thu hút được mức độ phối hợp và đóng góp chưa từng có từ các đối tác trong khu vực.
Hiểu được điều này, chính quyền Biden đã đề ra Chiến lược Ấn Độ Dương - Thái Bình Dương, trong đó cốt lõi là tầm nhìn chung về một khu vực tự do và cởi mở, kết nối, thịnh vượng, an toàn và có khả năng phục hồi. Thông qua chiến lược này, Mỹ sẽ làm việc với bất kỳ bên nào sẵn sàng đóng góp để mở rộng năng lực chung của khu vực.
Tuy nhiên, Tổng thống Joe Biden cần chứng minh một cách rõ ràng và hữu hình rằng Washington tập trung vào châu Á ngay cả trong bối cảnh xung đột ở Ukraine. Hội nghị cấp cao Mỹ - ASEAN sẽ giúp thực hiện điều đó. Động lực mạnh mẽ và rõ ràng trong thực hiện Chiến lược Ấn Độ Dương-Thái Bình Dương sẽ giúp mục tiêu này được tiến xa hơn.
Để thực hiện chiến lược này, Khuôn khổ Kinh tế Ấn Độ - Thái Bình Dương đã được triển khai. Mục tiêu của khuôn khổ là phát triển các cách tiếp cận mới đối với thương mại, đáp ứng các tiêu chuẩn cao về lao động và môi trường; đầu tư chung vào năng lượng sạch, giảm phát thải và đóng góp vào bền vững của môi trường; thúc đẩy các chuỗi cung ứng linh hoạt và an toàn đa dạng, cởi mở; và điều hành các nền kinh tế kỹ thuật số và các luồng dữ liệu xuyên biên giới theo các nguyên tắc mở.
Theo chuyên gia này, chiến lược nên được phía Mỹ đưa ra cùng với tham vọng định hướng về việc thúc đẩy tự do hóa thương mại hoặc tiếp cận thị trường, lý tưởng nhất là báo hiệu sự quan tâm của Washington trong việc tham gia CPTPP.
Hợp tác y tế, an ninh tiếp tục được coi trọng
Vào tháng 10/2021, tại Hội nghị cấp cao Mỹ-ASEAN trước đó đã được tổ chức, Tổng thống Mỹ Joe Biden đã cam kết khoản hỗ trợ 102 triệu USD tài trợ cho các vấn đề cùng quan tâm như phục hồi sau đại dịch và biến đổi khí hậu trong khu vực - những lĩnh vực chính mà hai bên quan tâm. Ngoài ra, khu vực này cũng nhận được 40 triệu liều vaccine phòng Covid-19 từ Mỹ và bổ sung thêm 200 triệu USD vật tư y tế để hỗ trợ đại dịch. Cách tiếp cận đối với ngoại giao vaccine cũng được tái khẳng định trong Hội nghị thượng đỉnh Bộ tứ vào tháng 3/2021.
Nhận định triển vọng quan hệ ASEAN- Mỹ sẽ còn tiến triển sáng trong thời gian tới, GS Carl Thayer cho rằng những kết quả tại Hội nghị lần này sẽ trở thành nền tảng mới cho những mục tiêu của hai bên trong thời điểm này. Đó là đáp ứng các mục tiêu của Kế hoạch hành động thực hiện quan hệ đối tác chiến lược Mỹ - ASEAN, 2021-2025, triển khai hiệu quả phòng chống đại dịch Covid-19, hợp tác về vaccine phòng Covid-19 và chuyển giao công nghệ, nghiên cứu vaccine, phát triển kinh tế kết nối kỹ thuật số, an ninh mạng, cơ sở hạ tầng, phát triển nguồn nhân lực.
Hội nghị cũng có thể đề cập đến những hợp tác giảm căng thẳng tại Ukraine; đóng vai trò xây dựng, hỗ trợ nhân đạo cho người dân Ukraine; giải quyết vấn đề Myanmar và các vấn đề an ninh chung của khu vực...