Kỳ vọng Việt Nam chuyển mình thích ứng với đại dịch

Tú Anh
Chia sẻ Zalo

Kinhtedothi - Đại diện cộng đồng DN nước ngoài và chuyên gia quốc tế đã gợi ý một số lộ trình và biện pháp để Thủ đô có nới lỏng giãn cách, mở cửa kinh tế; trong bối cảnh các TP lớn trên địa bàn cả nước, trong đó có Thủ đô Hà Nội đang dần chuyển mình để dần thích nghi với đại dịch một cách linh hoạt và an toàn.

Khôi phục kinh tế - nhiệm vụ cấp bách
“Đợt bùng phát dịch lần thứ 4 có vẻ đã qua đỉnh. Chương trình tiêm chủng có tiến triển. Việt Nam có vẻ sẽ chuyển dịch theo một hướng mới. Nền kinh tế sẽ mở cửa trở lại. Đó cũng là điều mà cộng đồng DN mong muốn”- ông Takeo Nakajima - Trưởng Đại diện Tổ chức Xúc tiến Thương mại Nhật Bản (JETRO) tại Việt Nam chia sẻ với Kinh tế & Đô thị.

Cộng đồng DN nước ngoài đều nhất trí việc khôi phục kinh tế là nhiệm vụ cấp bách nhất. Dẫn chứng một báo cáo gần đây của Phòng Công nghiệp Thương mại Đức (AHK) tại Việt Nam, ông Marko Walde - Trưởng đại diện cơ quan này cho biết, 67% công ty Đức đang có kế hoạch tìm kiếm các nhà cung cấp mới hoặc bổ sung ở các quốc gia khác, chủ yếu ở châu Á - Thái Bình Dương. Trong khi đó, ông Takeo nhận định, GDP quý III giảm 6,17% là một con số đáng chú ý và nhấn mạnh tầm quan trọng của việc mở cửa nền kinh tế.
“Tỷ lệ tiêm chủng cao không có nghĩa là không có ca nhiễm Covid nào; ngay cả Singapore và Israel cũng đã chứng kiến sự tăng đột biến số ca nhiễm. Nhưng xã hội sẽ an toàn hơn nhiều nếu các biện pháp thích hợp có hiệu lực”- đại diện JETRO Việt Nam dẫn chứng.
Lĩnh vực sản xuất sẽ dẫn dắt sự phục hồi kinh tế nhằm thích ứng với đại dịch Covid-19. Ảnh: Thanh Hải
Trước tình hình đó, các chuyên gia và đại diện cộng đồng DN nước ngoài hoan nghênh Việt Nam đã chuyển mục tiêu “không Covid-19” sang “thích ứng” với Covid-19. Như khẳng định của Thủ tướng Phạm Minh Chính: Từ tình hình thực tiễn, yêu cầu của phòng, chống dịch và phát triển kinh tế - xã hội, Việt Nam sẽ mở cửa nền kinh tế nhưng phải có lộ trình thích ứng an toàn, linh hoạt, kiểm soát hiệu quả dịch Covid-19.

“Hậu làn sóng thứ tư là bước đi quan trọng để Việt Nam lấy lại uy tín và niềm tin từ các nhà đầu tư quốc tế rằng “Việt Nam là quốc gia an toàn để kinh doanh!” - ông Takeo nhấn mạnh.

Lĩnh vực nào dẫn dắt đà phục hồi?

Theo đại diện JETRO Việt Nam, lĩnh vực sản xuất sẽ là lĩnh vực dẫn dắt sự phục hồi kinh tế nhằm thích ứng với đại dịch, đặc biệt là xuất nhập khẩu hàng hóa sang các thị trường lớn như Mỹ, Trung Quốc và Châu Âu. Bên cạnh đó, công nghệ thông tin và kỹ thuật số là những lĩnh vực còn nhiều tiềm năng, đồng thời ít bị ảnh hưởng bởi hạn chế cần giữ đà phát triển. Đầu tư công và xây dựng cũng cần được tiếp tục để duy trì nền kinh tế. Các ngành dịch vụ ăn uống và du lịch có thể chậm chân hơn trong quá trình phục hồi.

“Làm thế nào để mở biên giới cũng là một câu hỏi quan trọng”- ông Takeo Nakajima nói, nhấn mạnh các chuyên gia và kỹ sư, FDI và du lịch quốc tế là những yếu tố quan trọng đối với nền kinh tế Việt Nam nói chung và Thủ đô Hà Nội nói riêng. Việc tăng cường hợp tác với các quốc gia láng giềng, trong đó có Nhật Bản, cũng sẽ góp phần đẩy nhanh quá trình này. Áp dụng công nghệ số cũng là một giải pháp tiềm năng, ông Takeo gợi ý.
Cũng với tinh thần đó, ông Yee Chung SECK, luật sư điều hành hãng luật Baker McKenzie trong lĩnh vực dược phẩm và chăm sóc sức khỏe khẳng định, đối với các nhà đầu tư, nhà quản lý và chuyên gia nước ngoài, các thủ tục xuất nhập cảnh nên được nới lỏng thông qua việc cung cấp chứng nhận tiêm chủng và xét nghiệm âm tính. Đối với công dân nước ngoài đang làm việc và sinh sống tại Việt Nam, việc gia hạn lưu trú và giấy phép lao động sẽ dễ dàng hơn. Du lịch và hàng không là một trong những ngành bị ảnh hưởng nặng nề nhất.
Những khách du lịch tới Việt Nam có thể bị giới hạn ở một số khu vực hoặc tỉnh nhất định ở giai đoạn đầu, và vẫn cần tuân thủ quy định tiêm phòng và có kết quả xét nghiệm âm tính, chịu giám sát nghiêm ngặt xung quanh việc di chuyển. Đó là những chia sẻ chân tình của nhiều DN đầu tư nước ngoài mà Kinh tế & Đô thị ghi nhận được.

Tin đọc nhiều

Kinh tế đô thị cuối tuần