Việt Nam vươn mình trong kỷ nguyên mới

Ladoda - thành công nhờ hướng đi đúng

Chia sẻ Zalo

Kinhtedothi - Dù hàng ngoại đang “đổ bộ” vào thị trường Việt Nam nhưng Công ty CP Dịch vụ - Thương mại sản phẩm Ladoda (Công ty Ladoda) luôn tự tin để cạnh tranh bởi đơn đặt hàng lúc nào cũng cao và liên tục.

Đời sống của người lao động (NLĐ) nhờ đó ngày một nâng cao.

Chiếm lĩnh thị trường nội, mở rộng xuất khẩu

Ông Đinh Quang Bào - Chủ tịch HĐQT Công ty Ladoda (có trụ sở tại xã Kiêu Kỵ, huyện Gia Lâm) cho biết: Hiện nay, trên thị trường có rất nhiều sản phẩm đồ da của nước ngoài đang “lấn át” hàng trong nước phần vì giá thấp, phần khác là do họ có nhiều mẫu mã. Do đó, để tiêu thụ được sản phẩm, những năm qua, Công ty đã chỉ đạo Phòng Kỹ thuật thiết kế ra nhiều mẫu mã mới nhằm phục vụ tốt hơn nhu cầu của thị trường.
Ông Đinh Quang Bào - Chủ tịch HĐQT Công ty Ladoda kiểm tra chất lượng sản phẩm. 	 Ảnh: Minh Liễu
Ông Đinh Quang Bào - Chủ tịch HĐQT Công ty Ladoda kiểm tra chất lượng sản phẩm. Ảnh: Minh Liễu
Chỉ tính riêng từ đầu năm đến nay, ngoài 315 mẫu cũ, Công ty đã cho ra mắt 76 mẫu sản phẩm đồ da mới với phong cách vừa hiện đại vừa truyền thống, đặc biệt tiện lợi trong sử dụng, được khách hàng đánh giá cao. Bên cạnh đó, với tiêu chí “chất lượng sản phẩm là sự sống còn của DN”, song song với đảm bảo nguồn nguyên liệu và kỹ thuật sản xuất, Công ty thực hiện tốt chính sách đối với người tiêu dùng thông qua việc “bảo hành” đối với từng loại sản phẩm. Khách hàng mua sản phẩm của Công ty phát hiện bị lỗi hay khi bị hỏng hóc, chỉ cần mang tới đại lý sẽ được bảo hành miễn phí trọn đời sản phẩm. Cách làm này đã khiến khách hàng thấy được sự quan tâm và trách nhiệm cao của Công ty. Đây cũng là yếu tố quan trọng để khách hàng luôn tin dùng sản phẩm Ladoda. Vì thế, với 450 công nhân tay nghề cao và 300 đơn vị nhận gia công hiện có, dù làm tăng ca, song các đơn đặt hàng vẫn liên tục tăng. Nhờ đó, doanh thu trung bình hàng năm của Công ty đạt trên dưới 100 tỷ đồng và hiện đã mở rộng hệ thống gần 500 đại lý ở khắp các tỉnh, thành trong cả nước. Với cách làm trên, sản phẩm Ladoda không chỉ khẳng định được uy tín trong nước mà còn xuất khẩu sang thị trường các nước khối EU.

Nâng cao chất lượng cuộc sống người lao động

Xác định nhân lực là nhân tố quyết định sự phát triển bền vững, 20 năm qua, Công ty Ladoda đã tập trung đầu tư nâng cao nguồn nhân lực theo hướng chất lượng tay nghề đi đôi với nâng cao chất lượng cuộc sống, tạo sự gắn kết giữa NLĐ và DN. Công ty đã đầu tư xây dựng 2 khu tập thể (KTT), một khu dành cho gia đình và một khu dành cho lao động thanh niên với gần 60 phòng ở khép kín được trang bị đầy đủ tiện nghi sinh hoạt. NLĐ ở tại các KTT không phải trả tiền nhà, hàng tháng được Công ty hỗ trợ 30% giá điện. Riêng KTT thanh niên được thiết kế theo mô hình sinh thái có khu vui chơi, sân tập luyện thể thao, các phòng tập thể hình, phòng hát karaoke, hội trường tổ chức sinh nhật và các hoạt động tập thể. Công ty còn có nhiều hình thức đãi ngộ đối với NLĐ như được ăn giữa ca (trị giá 20.000 đồng). Nếu làm tăng giờ vào ca tối được ăn thêm bữa ăn theo nhu cầu (40.000 - 50.000 đồng/bữa), được thưởng hàng tuần trị giá 100.000 đồng nếu đạt từ 115% kế hoạch trở lên, được hưởng lương thâm niên, chuyên cần, tặng quà sinh nhật, tham quan nghỉ mát… Đặc biệt, đối với lao động nữ được tăng 5% lương so với lao động nam. Khi nuôi con nhỏ, mỗi tháng được Công ty hỗ trợ thêm 100.000 đồng tới khi con đủ 2 tuổi. Công ty còn thành lập Quỹ tấm lòng vàng, Quỹ khuyến học, kịp thời hỗ trợ NLĐ khi gặp khó khăn và khen thưởng con công nhân lao động đạt thành tích trong học tập...

Chị Trần Thị Hạnh, quê ở xã Kiêu Kỵ cho biết: Gia đình vốn có nghề may da truyền thống làm hàng gia công cũng có thu nhập khá, nhưng chị vẫn quyết định vào làm ở chuyền may của Công ty và đã được hưởng nhiều quyền lợi về vật chất, tinh thần, thai sản và nhiều khoản ngoài lương với mức thu nhập từ 7 - 8 triệu đồng/tháng. Còn chị Nguyễn Thị Tiệp - Trưởng chuyền 2 chia sẻ: Hai năm gần đây, thay vì mở lớp đào tạo nghề tập trung cho NLĐ, Công ty giao việc đào tạo công nhân cho các chuyền, vừa rút ngắn được thời gian đào tạo, người học nghề cũng có thu nhập từ 4 - 5 triệu đồng ngay từ tháng học nghề đầu tiên, các chuyền trưởng theo đó cũng có thêm thu nhập từ việc dạy nghề. Vào thời điểm chiến dịch, tổng thu nhập một tháng của chị đạt từ 14 - 17 triệu đồng. Nếu so với nghề nông mà chị làm trước đây thì gấp vài chục lần. Nhờ đó, cuộc sống gia đình được nâng cao về chất lượng.

Cần có thêm chính sách cho DN da giày

Theo ông Bào, hiện nay, ngành công nghiệp da giày Việt Nam chưa có nhà máy sản xuất các linh kiện phụ liệu đồng bộ, nên việc cạnh tranh với hàng ngoại là rất khó. Theo lộ trình giảm thuế của Cộng đồng Kinh tế ASEAN (AEC) thì cuối năm 2015, thuế xuất khẩu đối với các loại giày dép trong nội khối sẽ về 0% và được coi là cơ hội vàng cho DN mở rộng thị trường xuất khẩu. Do vậy, để chiếm lĩnh được thị trường, ngoài việc các DN sản xuất hàng da chủ động đổi mới công nghệ nâng cao chất lượng sản phẩm, Chính phủ cần có những chính sách hỗ trợ nhiều hơn cho ngành công nghiệp phụ trợ da giày thông qua giải pháp hỗ trợ đào tạo nghề, tìm kiếm thị trường, quảng bá hình ảnh cũng như triển vọng hợp tác phát triển nguồn nguyên phụ liệu… Những chính sách này không chỉ giúp ngành da giày nói chung và DN nội địa nói riêng nắm bắt những cơ hội đến từ các hiệp định thương mại tự do, mà còn giúp DN phát triển bền vững.