Việt Nam vươn mình trong kỷ nguyên mới

Làm thầy khó lắm thay!

Nam Du
Chia sẻ Zalo

Kinhtedothi-Những vụ việc liên tiếp xảy ra liên quan đến hành vi ứng xử thiếu chuẩn mực của người thầy gây nên nhiều day dứt không chỉ với riêng ngành giáo dục mà với toàn xã hội.

Học sinh Trường THPT Đa Phúc, huyện Sóc Sơn
Học sinh Trường THPT Đa Phúc, huyện Sóc Sơn

Chỉ trong một ngày, để xử lý bước đầu với lối ứng xử thiếu chuẩn mực, vi phạm đạo đức trong môi trường sư phạm của ba giáo viên, có đến ba quyết định tạm đình chỉ công tác giảng dạy đã được ban hành.

Đó là sự việc cô giáo N.T.P, Trường THPT Đa Phúc, huyện Sóc Sơn (Hà Nội) có hành vi nổi giận, mắng xối xả nữ sinh lớp 12 bằng ngôn từ mất kiểm soát và kéo lê em ngoài hành lang lớp học. Là việc thầy giáo N.C.T, trường THPT Phan Huy Chú, huyện Thạch Thất (Hà Nội) chỉ vào mặt xưng "mày - tao", dùng tay bóp cằm nam sinh và văng lời lẽ thiếu văn hóa, xúc phạm em ngay khi đứng trên bục giảng. Và còn là sự việc cô giáo L.T.H dùng roi tre vụt liên tiếp vào tấm lưng yếu mỏng của em học sinh lớp 4 Trường Tiểu học Hải Hòa, thị xã Nghi Sơn (tỉnh Thanh Hóa) vì lý do em không làm bài tập về nhà.

Cảm xúc chung của dư luận khi xem, nghe, đọc các clip và thông tin về ba vụ việc nêu trên là bất bình, phẫn nộ với lối hành xử kém nhân văn của giáo viên; đồng thời xót thương cho những học sinh - nạn nhân của hành vi bạo lực.

Đáng lưu ý, các thầy cô giáo gây nên những hành vi tàn nhẫn ấy ngay tại giảng đường, trong khuôn viên lớp học, với chính những học sinh thân yêu và gần gũi của mình. Đón nhận hành vi và lời nói nhẫn tâm đó là sự yếu đuối, nỗi sợ hãi, hoang mang và tinh thần tuyệt vọng của các em.

Dù cố đưa ra lý lẽ để biện minh cho hành vi của ba giáo viên như: nóng giận nhất thời, học sinh mắc lỗi, tâm lý bất ổn… song dư luận vẫn khó có thể bênh vực hay cảm thông với hành vi và lời nói của các thầy cô này. Môi trường học đường, Luật Giáo dục, đạo đức nhà giáo, đạo đức xã hội không cho phép có những hành vi, lời nói thiếu chuẩn mực, xúc phạm nhân phẩm, danh dự và thân thể người khác như vậy.

Một tín hiệu tích cực sau ba vụ việc, đó là sự vào cuộc nhanh chóng, kịp thời từ cơ quan chức năng trên quan điểm kiên quyết xử lý sai phạm, tuyệt đối không bao che cho các hành vi vi phạm đạo đức của nhà giáo.
Có thể thấy, trên đây là những hiện tượng “dị biệt” nhưng những “tấm gương mờ” này không chỉ làm ảnh hưởng tới hình ảnh của người giáo viên mà còn tác động xấu tới thế giới quan của học sinh. Nguy hại hơn cả là niềm tin của xã hội đối với ngành giáo dục nói chung, đội ngũ giáo viên nói riêng ít nhiều bị sứt mẻ. Điều dư luận quan tâm là những hành vi thiếu chuẩn mực trên sẽ bị xử lý như thế nào?

Cần phải có hình thức xử lý nghiêm minh, thích đáng đối với những giáo viên có hành vi, lời nói không đúng quy định để đủ sức răn đe và không để tái diễn những sự việc tương tự trong môi trường giáo dục. Song song với đó, cần quan tâm hơn nữa đến tâm lý của những học sinh chịu tổn thương nói riêng và học sinh nói chung.

Quan điểm giáo dục hiện đại đã đổi khác. Thầy cô ngoài quyền hạn của mình cần ý thức rõ ràng về quyền của học sinh như quyền được tôn trọng, quyền được tham gia ý kiến…; tránh lạm dụng quyền lực và có lối hành xử, nói năng tùy tiện. Ngược lại, về phía học sinh cũng không ngừng tu dưỡng và có ý thức học hỏi để hoàn thiện bản thân mỗi ngày.

Làm thầy chưa bao giờ là việc dễ, nhất là trong giai đoạn phát triển mạnh mẽ của công nghệ như hiện nay. So với trước, áp lực nghề nào cũng cao hơn, trong đó có nghề giáo. Nhưng nếu người thầy chuẩn mực, dạy dỗ học sinh bằng tình thương yêu hết mực và tinh thần trách nhiệm cao thì với truyền thống “tôn sư trọng đạo” vốn có của người dân Việt Nam, người thầy sẽ luôn nhận được sự kính trọng từ phía phụ huynh, học sinh và xã hội. Uy tín của nghề giáo và sự tôn kính của xã hội đối với người thầy do chính người thầy bồi đắp và giữ gìn theo thời gian, không thể vì những "dị biệt" vừa qua làm mai một, lu mờ.