Làm thêm bao nhiêu giờ cho đủ?

Thành Thực
Chia sẻ Zalo

Kinhtedothi - Đủ ở đây hiểu là đủ ăn, đủ mặc, đủ nuôi con ăn học hết bậc phổ thông, lên đến bậc đại học. Nếu mộng mơ hơn là có thể có tiền để mua căn hộ trả góp. Mộng mơ hơn nữa là…

Mới đây, chiều 23/3, 100% thành viên Ủy ban Thường vụ Quốc hội nhất trí thông qua nghị quyết về số giờ làm thêm trong một năm, một tháng của người lao động trong bối cảnh phòng chống Covid-19 và phục hồi, phát triển kinh tế - xã hội. Theo đó, giờ làm thêm của người lao động được nâng từ không quá 40 giờ/tháng lên không quá 60 giờ/tháng, khống chế 300 giờ mỗi năm,.

Trên thực tế, nếu không tăng ca, công nhân vẫn ngày làm 8 tiếng gần như không ngưng nghỉ, trong điều kiện ăn uống kham khổ (thực phẩm cung cấp cho các công ty, nhà máy lượng không cao, thậm chí là thấp), ngủ nghỉ trong điều kiện tồi tàn (phòng trọ nhà trọ tạm bợ, chật chội, nóng nực)… đã là quá sức với rất nhiều người. Đó là chưa kể người có con nhỏ phải lo đưa đón con đi học, chăm sóc con...

Trên thực tế, trước đây khi nguồn lao động còn dồi dào, nhiều công ty không nhận hồ sơ người lao động xin vào làm khi họ đã quá 35 tuổi, vì đơn giản những người này khó đủ sức bám trụ 8 tiếng mỗi ngày. Rất nhiều người đi làm công nhân đến tuổi 40 là rơi rụng dần vì không đáp ứng được công việc, ốm đau thường xuyên, họ phải tìm đường về quê. Cũng nhiều người đủ sức tăng ca đến 4 tiếng mỗi ngày đấy thôi? Đúng nhưng đó là với những công nhân trẻ khỏe, họ cần thêm tiền, bên cạnh chính sách của công ty buộc họ tăng ca nếu không bị trừ “tiền năng suất”, bị rơi vào nhóm dễ bị sa thải nếu công ty nhận được ít đơn hàng.

Do vậy, việc cho công nhân tăng thêm giờ làm ở "mức vừa phải" nói trên là hợp lý, đã tính đến việc nguồn nhân lực lao động thiếu hụt sau Covid-19, việc cần đáp ứng cho phục hồi sản xuất nhưng cũng tính chuyện đường dài để đảm bảo sức khỏe dài lâu cho người lao động.

Ở khía cạnh khác: Công nhân nhận được bao nhiêu tiền khi họ bỏ công sức lao động, đóng góp tuổi thanh xuân cho nhà máy, xí nghiệp, nhất là ở lĩnh vực tư nhân, lĩnh vực có yếu tố người nước ngoài?

Điều này có vẻ như đã có những điều luật về mức lương cơ bản, lương lũy tiến do làm thêm giờ, thưởng tháng thứ 13… Tuy nhiên, các quy định trên có vẻ chậm so với thực tế của cuộc sống. Công nhân lương cũng chỉ dăm triệu đồng, tăng ca cũng độ 8 - 10 triệu đồng/tháng.

Chúng ta vẫn biết tài nguyên quý giá nhất của mỗi đất nước là sức lao động, điều Việt Nam có lợi thế khi đang ở giai đoạn cơ cấu dân số vàng. Chúng ta cũng biết, đã đến lúc hòa nhập, cạnh tranh quốc tế không thể lấy sức lao động giá rẻ làm yếu tố lợi thế nữa.

Chúng ta cũng nên đặt câu hỏi: Tại sao cũng là người công nhân Việt Nam khi sang Nhật Bản, Hàn Quốc làm việc thì có thu nhập 50 - 70 triệu đồng/ tháng?

Khi viết bài này, anh bạn là chủ một bệnh viện tư cho biết: Bệnh viện của anh (Bệnh viện Quốc tế Minh Anh - TP Hồ Chí Minh) tăng tiền thâm niên mỗi năm cho mỗi công nhân là 1 triệu đồng, người làm ở bệnh viện đã 10 năm có nghĩa ngoài mức lương ban đầu (tùy vị trí công việc) có thêm 10 triệu đồng/tháng; chưa kể thưởng năng suất, tiền thưởng lễ tết, lương thứ 13…

Anh nói: “Không phải bệnh viện nào cũng cần có chính sách như vậy, vì bệnh viện của tôi không phải thuê mặt bằng và có nhiều lợi thế”. Tuy nhiên, nhìn rộng ra, người chủ công ty, xí nghiệp hãy nghĩ đến người lao động nhiều hơn, không nên nghĩ “mình có cơm thì họ có cháo”, hãy nghĩ công nhân Việt Nam cũng có thể khá giả, thậm chí giàu có, để giảm bớt lợi nhuận khổng lồ của mình, chia cho họ nhiều hơn.

Trong tương lai, giờ làm thêm cho công nhân cần giảm xuống, nhưng thu nhập của họ không giảm mà vẫn có thể tăng.