Tuy vậy, phía trước vẫn còn rất nhiều công việc, vấn đề mà Chính phủ phải giải quyết. Chính vì vậy, việc Thủ tướng Chính phủ khẳng định sẽ thành lập Tổ công tác đặc biệt để tháo gỡ khó khăn được các chuyên gia, cộng đồng DN hưởng ứng nhiệt liệt.
Nói đi đôi với làm, chú trọng hiệu quảBộ trưởng Bộ KH&ĐT Nguyễn Chí Dũng cho biết, điểm đáng lưu ý trong những kiến nghị mà các DN gửi về đều nhấn mạnh đến vấn đề đơn giản hóa các thủ tục, đảm bảo tính minh bạch, rõ ràng, nhất quán trong thực thi triển khai các quy định.
“Tính công minh và thái độ phục vụ, sát cánh cùng DN của đội ngũ cán bộ cấp thực thi là điều DN mong mỏi nhất từ phía các cơ quan chính quyền hơn là hỗ trợ bằng tiền” - ông Dũng nói.
Theo Thủ tướng, Chính phủ thấu hiểu, chia sẻ, cảm thông những khó khăn chồng chất của DN trong thời gian vừa qua. Thủ tướng cho biết, vừa qua, Chính phủ đã phân công nhiệm vụ rất cụ thể cho Thủ tướng, các Phó Thủ tướng, Bộ trưởng và sẽ tiếp tục điều chỉnh, bổ sung phù hợp thực tiễn, trên tinh thần phân cấp, phân quyền, cá thể hóa trách nhiệm cá nhân, tăng cường giám sát, kiểm tra.
"Tới đây Thủ tướng Chính phủ sẽ thành lập Tổ công tác đặc biệt để tháo gỡ khó khăn cho DN" - Thủ tướng khẳng định.
|
Hoạt động sản xuất tại Công ty TNHH Rhythm Precision Việt Nam, Khu công nghiệp Nội Bài, huyện Sóc Sơn trong giai đoạn dịch Covid-19 bùng phát. Ảnh: Phạm Hùng |
Với các nhiệm vụ cụ thể, Thủ tướng giao Bộ KH&ĐT với vai trò là cơ quan thường trực của Tổ công tác đặc biệt, tiếp tục nắm bắt tình hình khó khăn của DN, tham mưu cho Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ những giải pháp kịp thời, cấp bách; giao Bộ Y tế phối hợp với các bộ, ngành thực hiện hiệu quả chiến lược vaccine, trong đó phải thúc đẩy hợp tác công - tư, đẩy mạnh tiêm vaccine theo thứ tự ưu tiên không phụ thuộc địa giới hành chính.
Bộ Tài chính khẩn trương triển khai giải pháp miễn giảm thuế, phí, nhanh chóng hỗ trợ người dân và DN. Bộ GTVT xây dựng các giải pháp bảo đảm lưu thông hàng hóa; Bộ LĐTB&XH đôn đốc giải pháp hỗ trợ người lao động, DN; Bộ Công Thương nhanh chóng kết nối tiêu thụ hàng hóa… Địa phương thực hiện các biện pháp phòng, chống dịch linh hoạt, bảo đảm cho DN duy trì sản xuất, kinh doanh.
Hạn chế tối đa thanh tra, kiểm tra DN trong thời kỳ dịch bệnh. Thủ tướng lưu ý, các chính sách Chính phủ đưa ra phải thực hiện nhất quán, nếu có vướng mắc trong thực tế thì các địa phương đề xuất điều chỉnh chứ không tự ý thực hiện, ban hành các giấy phép con. "Tinh thần là nói ít làm nhiều, nói đi đôi với làm, chú trọng hiệu quả, không phô trương hình thức, xem người dân và DN là chủ thể, là trung tâm phục vụ” - Thủ tướng nêu rõ.
Cố gắng đáp ứng cao nhất trong điều kiện có thểTrước thông tin Thủ tướng sẽ thành lập Tổ công tác đặc biệt để tháo gỡ khó khăn cho DN trong sản xuất kinh doanh, rất nhiều DN vui mừng phấn khởi.
Thực tế, DN đang khó khăn chồng chất. Trước hết là tổng cầu giảm mạnh khiến các đơn hàng, hợp đồng, sản lượng đều sụt giảm. Trung bình nhu cầu trong các ngành giảm từ 40 - 50%, nặng nề nhất là ngành hàng không, du lịch, khách sạn nhu cầu bị giảm đến 70 - 80%.
Trong khi đó, DN vẫn phải chi trả tiền thuê mặt bằng, trả lãi các khoản vay ngân hàng đúng hạn. Đặc biệt, chi phí đầu vào, chi phí vận chuyển ngày một tăng cao dẫn đến tình trạng thiếu hụt nguyên, vật liệu, lưu thông hàng hóa gặp khó khăn, khó khăn về lao động việc làm…
Ngay từ khi dịch bệnh Covid-19 bùng phát trở lại lần thứ 4, Chính phủ đã kịp thời chỉ đạo và ban hành thêm hàng loạt chính sách, giải pháp kịp thời hỗ trợ DN và người dân như: Chính sách về cắt giảm giá điện, đã thực hiện 4 đợt giảm giá điện khoảng 16.300 tỷ đồng; Thủ tướng Chính phủ đã chỉ đạo các địa phương nghiên cứu giảm giá nước sạch tiêu dùng; công bố gói hỗ trợ các dịch vụ viễn thông trị giá hơn 10.000 tỷ đồng; gói hỗ trợ người lao động, người sử dụng lao động bị ảnh hưởng bởi Covid-19 với kính phí 26.000 tỷ đồng...
Tuy nhiên, nhiều DN phản ánh khó khăn về tiếp cận các chính sách hỗ trợ của Nhà nước. Các DN cho biết điều kiện của một số chính sách còn khá chặt chẽ, gây khó khăn cho đối tượng hỗ trợ, chưa bao quát hết các tình huống phát sinh trong thực tế, công tác thực thi có lúc, có nơi còn chưa chủ động, linh hoạt.
Hay như gói hỗ trợ mới về thuế 20.000 tỷ đồng mà Bộ Tài chính đề xuất. Nhiều DN cho rằng, rất ít DN có doanh thu dưới 200 tỷ đồng được hưởng chính sách giảm 30% thuế thu nhập DN như đề xuất của Bộ Tài chính bởi phần lớn DN này đều làm ăn thua lỗ do dịch kéo dài. Trong khi đó, nhiều hộ kinh doanh phải đóng cửa theo yêu cầu để phòng chống dịch nhưng chỉ giảm 50% là chưa hợp lý...
Thay vào đó, cần giảm mạnh thuế VAT, đặc biệt là với hàng hóa tiêu dùng thiết yếu. Giảm mạnh thuế VAT để giúp người dân, đặc biệt người lao động nghèo, vơi đi gánh nặng. “Tất cả những vấn đề khó khăn, kiến nghị trên rất cần một Tổ công tác đặc biệt giải quyết. Ngoài các quyền hạn được giao còn phối hợp để giải quyết” - Chủ tịch VCCI Vũ Tiến Lộc chia sẻ.
“Chúng tôi mong những gì mà Thủ tướng nói tại Hội nghị sẽ được các địa phương thực hiện một các quyết liệt, thống nhất, không phải mỗi nơi làm một kiểu để gây khó cho DN” - Chủ tịch Hiệp hội Gỗ và Lâm sản Việt Nam Đỗ Xuân Lập bày tỏ. Ngay cả với chính sách “3 tại chỗ” mà nhiều địa phương đang gặp khó khăn, ông Lập đánh giá Chính phủ sẽ còn rất nhiều việc phía trước để đưa ra một phương án tổ chức sản xuất an toàn.
Nêu cao tinh thần vượt khóTS Võ Trí Thành cho rằng, việc thành lập Tổ công tác đặc biệt là rất cần thiết và cấp bách. Thể hiện ở 2 vấn đề, tình hình dịch bệnh trước mắt tháo gỡ khó khăn cho DN đang gặp phải và sau này là các giải pháp lâu dài phát triển DN, đón đầu xu thế mới.
Quan điểm xuyên suốt, nhất quán của Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ là kiên trì thực hiện mục tiêu kép nhưng kết hợp hài hòa, hợp lý, hiệu quả giữa mục tiêu chống dịch và duy trì sản xuất, kinh doanh, phát triển kinh tế - xã hội; tùy từng nơi, từng lúc để ưu tiên hơn một trong hai mục tiêu này hoặc cân bằng, hài hòa cả hai mục tiêu. Theo TS Võ Trí Thành, tổ công tác phải tham mưu cho Thủ tướng Chính phủ các cơ chế, chính sách, giải pháp nhằm nắm bắt kịp thời cơ hội của nền kinh tế, tạo thuận lợi, thúc đẩy DN phát triển.
Dù vậy, với các DN, cần nâng cao chất lượng quản trị, chất lượng hoạt động và khả năng chống chọi với cú sốc cả bên trong và bên ngoài để phát triển bền vững, cùng với đất nước vượt qua khó khăn. TS Võ Trí Thành nhắc lại lời Thủ tướng: Thử thách rất lớn nhưng đây là thời điểm “lửa thử vàng, gian nan thử sức”, Thủ tướng tin đội ngũ doanh nhân Việt Nam hiện nay không chỉ vượt qua được dịch Covid-19 mà còn tạo dựng được thương hiệu riêng, đóng góp vào sự phát triển của đất nước với những giá trị đẹp đẽ nhất của người kinh doanh là Tâm - Tài - Trí - Tín.
"Việc duy trì sản xuất dù ở mức tối thiểu, không bị đứt gãy vì dịch bệnh là cấp bách, còn là bài toán giữ nền móng cho cả nền kinh tế, để phục hồi mạnh mẽ một khi dịch bệnh được khống chế. Covid-19 đặt nền kinh tế vào tình thế thách thức chưa từng có. Tuy nhiên cũng mang lại cơ hội cho thúc đẩy cải cách. Chúng tôi tin rằng Chính phủ không chỉ điều hành để vượt qua khó khăn trước mắt, mà còn đủ năng lực để đón nhận những cơ hội đang đến." - Chủ tịch VCCI Vũ Tiến Lộc
"Tổ công tác cần thiết lập đường dây nóng, email…. để tiếp nhận thông tin phản ánh của DN. Chúng tôi mong muốn những giải pháp mà Chính phủ đề ra được các địa phương đưa vào thực tiễn, sớm tháo gỡ những khó khăn mà dịch bệnh gây ra." - Phó Tổng thư ký Hiệp hội Chế biến và Xuất khẩu thủy sản Việt Nam Nguyễn Hoài Nam |