Tuyến đường sắt liên vận quốc tế Hà Nội - Đồng Đăng với điểm đầu tại ga Gia Lâm (Hà Nội), điểm cuối tại ga Đồng Đăng (Lạng Sơn) có vai trò quan trọng trong hệ thống vận tải đường sắt quốc gia, khi vừa phục vụ nhu cầu vận chuyển hành khách, hàng hóa nội địa vừa là một trong hai tuyến đường sắt liên vận quốc tế kết nối Việt Nam với Trung Quốc (Hà Nội - Đồng Đăng và Hà Nội - Lào Cai) giúp nâng cao năng lực giao thương.
Có vị trí quan trọng như vậy nhưng tuyến đường sắt dài 167km, khai thác từ năm 1970, hiện đã xuống cấp, không thể đáp ứng an toàn, tốc độ khai thác và nhu cầu vận tải.
Hiện tại kết cấu hạ tầng trên tuyến đã lạc hậu, xuống cấp cần được đánh giá và cải tạo kịp thời. Toàn tuyến đường sắt có 8 hầm tổng chiều dài hơn 1.900m, kết cấu một số vỏ hầm bằng bêtông xi măng đã bị nứt nhỏ và rò nước; có một cầu đặc biệt lớn, 4 cầu lớn, 9 cầu trung và 46 cầu nhỏ, trong đó, cầu Long Biên hiện đã xuống cấp nghiêm trọng, cần sớm cải tạo.
Hơn nữa, tuyến đường sắt Hà Nội - Đồng Đăng chạy qua địa hình đồi núi nên nhiều đoạn, nhiều vị trí cong cua, trên tuyến có tới 105 đường cong bán kính nhỏ, nguy hiểm; nhiều thanh ray có thời gian khai thác dài, bị mòn, khuyết tật quá mức khiến tàu liên tục phải giảm tốc độ ở mức thấp nhất để đảm bảo an toàn.
Trong khi đó, hiện nay quy định về khối lượng định mức hạn chế không cho phép đảo thanh ray nhiều, mỗi năm toàn tuyến chỉ đươc cấp vài trăm thanh ray để thay thế.
Dự án lắp đặt hệ thống thông tin tín hiệu mới chỉ được đầu tư một số ga và khu gian do nguồn vốn hạn chế nên trên tuyến đường sắt vẫn còn một số ga sử dụng hệ thống thông tin tín hiệu lạc hậu được trang bị từ những năm 1970. Việc đón, tiễn tàu theo phương pháp thủ công gây hạn chế năng lực khai thác và tốc độ chạy tàu.
Bên cạnh đó, với kim ngạch xuất khẩu tăng từng năm, theo tỉnh Lạng Sơn hạ tầng cửa khẩu Ga Đồng Đăng hiện đã xuống cấp, không tương xứng với tiềm năng, thế mạnh. Tuyến đường bộ kết nối từ tuyến quốc lộ vào ga không bảo đảm cho việc vận chuyển hàng hóa ra, vào ga. Tuyến đường sắt từ Ga Đồng Đăng kết nối tới Ga Gia Lâm (Hà Nội) và đến các tỉnh khác, nhất là các tỉnh phía Nam để chở hàng hóa hiện gặp khó khăn do khác khổ đường sắt, dẫn đến phải chuyển tàu, tăng chi phí bốc xếp, kho bãi…
Với vị trí quan trọng trong hệ thống đường sắt và trong hoạt động xuất nhập khẩu hàng hóa liên vận, việc đầu tư nâng cấp tuyến đường sắt Hà Nội - Đồng Đăng đã được đưa ra bàn thảo nhiều lần.
Tỉnh Lạng Sơn từng đề nghị bên cạnh việc đầu tư nâng cấp tuyến đường sắt cần sớm đầu tư diện rộng và đồng bộ hệ thống toa tàu container chạy đông lạnh để phục vụ vận chuyển hàng nông sản, hoa quả cần bảo quản đông lạnh xuất khẩu, bởi hiện đang phải sử dụng toa tàu đông lạnh của Trung Quốc.
Nhu cầu cải tạo nâng cấp tuyến đường sắt Hà Nội - Đồng Đăng đang trở nên cấp thiết theo từng năm. Cục Đường sắt Việt Nam vừa kiến nghị Bộ GTVT bố trí hơn 2.230 tỷ đồng cải tạo tuyến đường sắt Hà Nội - Đồng Đăng (Lạng Sơn).
Kinh phí đầu tư dự kiến bố trí từ nguồn vốn đầu tư công trung hạn giai đoạn 2026 - 2031 nhằm cải tạo đường, nâng bán kính đường cong tại các điểm nghẽn về vận tải; gia cố cống, hệ thống thoát nước và nền đường yếu. Đường ga, nhà ga, hầm yếu cũng được cải tạo nhằm bảo đảm an toàn, xóa bỏ điểm đen gây hạn chế tốc độ.
Kỳ vọng tuyến đường sắt Hà Nội - Đồng Đăng sau khi được đầu tư nâng cấp sẽ giúp nâng cao an toàn chạy tàu, năng lực chuyên chở hàng hóa đồng thời tăng cường vận tải liên vận quốc tế giữa Việt Nam với Trung Quốc và châu Âu, thúc đẩy giao thương và hoàn thiện hệ thống vận tải quốc gia.