Để gỡ khó cho thị trường bất động sản, từ 1/4, Chính phủ triển khai gói tín dụng 120.000 tỷ đồng cho nhà ở xã hội, nhà ở công nhân, cải tạo, xây dựng lại chung cư cũ theo Nghị quyết 33/NQ-CP, bên cạnh nhiều giải pháp khác.
Theo đó, 4 ngân hàng thương mại chủ lực là Agribank, BIDV, Vietcombank, VietinBank (vốn huy động từ chính các ngân hàng) cho vay đối với chủ đầu tư là 8,7%/năm, đối với người mua nhà là 8,2%/năm. Lãi suất cho vay áp dụng đến hết ngày 30/6/2023.
Kể từ ngày 1/7/2023, định kỳ 6 tháng, NHNN thông báo lãi suất cho vay trong thời gian ưu đãi cho các ngân hàng thương mại tham gia Chương trình. Thời hạn giải ngân của chương trình đến khi doanh số giải ngân đạt 120.000 tỷ đồng nhưng không quá ngày 31/12/2030.
Theo NHNN, mỗi dự án của chủ đầu tư chỉ được tham gia vay vốn theo quy định tại chương trình này 1 lần. Mỗi người chỉ vay 1 lần, cho một căn nhà ở xã hội (thuộc danh mục dự án do Bộ Xây dựng công bố theo quy định), để đảm bảo sự công bằng. Ngoài 4 ngân hàng có vốn Nhà nước, trường hợp có thêm các ngân hàng thương mại đủ điều kiện tham gia thì quy mô gói này có thể tăng lên.
Việc huy động nhiều ngân hàng cùng tham gia để đảm bảo việc giải ngân được nhanh chóng, tránh ùn tắc hồ sơ dẫn đến việc thời gian giải quyết hồ sơ bị ngưng trệ. Đồng thời cũng tăng tính cạnh tranh cho các ngân hàng.
Thông tin về gói tín dụng 120.000 tỷ đồng đã trở thành chủ đề được thảo luận sôi nổi trên thị trường BĐS thời gian qua.
Nhiều người mua nhà, có mức thu nhập trung bình và thấp đã ngóng chờ gói vay ưu đãi này từ lâu. Trong bối cảnh khan hiếm nguồn cung nhà ở phân khúc bình dân, nhất là nhà ở xã hội, nhà ở cho công nhân thì việc triển khai Nghị quyết 33, với nhiều giải pháp phát triển phân khúc này để đáp ứng nhu cầu ở thực của người dân.
Đây là một “liều thuốc tinh thần” đối với thị trường BĐS trong bối cảnh nguy kịch hiện nay. Chủ đầu tư có tiền để đầu tư xây dựng và đẩy hàng ra thị trường, làm tăng thanh khoản cho DN BĐS thuộc phân khúc này. Từ đó, sẽ kéo vực dậy các phân khúc BĐS khác.
Tuy nhiên, thủ tục vay vốn nên đơn giản để tạo điều kiện tối đa cho người mua nhà, giảm các thủ tục hành chính trong thực thi chính sách hỗ trợ để người dân và DN không ngại ngần vay vốn. Đây chỉ là giải pháp ngắn hạn mà Chính phủ và các ngân hàng có thể thực hiện ngay để giúp đỡ thị trường. Còn về lâu dài, để thị trường phát triển lành mạnh, bền vững còn rất nhiều vấn đề cần xử lý.
Hiện nay, mức lãi suất đối với cho vay BĐS đang khá cao (trên dưới 13%). Vì thế, với mức 8,2 - 8,7% cũng là mức hấp dẫn với DN BĐS và người dân. Tuy nhiên, mức này chỉ áp dụng đến hết ngày 30/6 năm nay. Từ 1/7/2023, nếu chỉ giảm 1,5 - 2% tức là còn khoảng 11 - 12 %/năm, thì mức lãi suất này cao hơn rất nhiều so với khả năng chi trả của DN BĐS và người dân.
Hiện có tới 70% các dự án BĐS đang vướng về các thủ tục pháp lý, trong đó có cả nhà ở thương mại cũng như nhà ở xã hội. Nên, ngoài câu chuyện tháo gỡ về dòng tiền, vấn đề đặt ra là tháo gỡ pháp lý, cơ chế, chính sách. Có quá nhiều khó khăn, vướng mắc liên quan đến pháp lý đầu tư xây dựng, phát triển nhà ở xã hội và nhà ở cho công nhân.
Do đó, Chính phủ cần sớm ban hành các cơ chế, chính sách giải quyết được một cách triệt để các khó khăn, vướng mắc xoay quanh câu chuyện thủ tục đầu tư, phát triển nhà ở xã hội và nhà ở cho công nhân như: Giao đất; quỹ đất; đấu thầu lựa chọn chủ đầu tư; thủ tục đầu tư; định mức xây dựng; quyền lợi và ưu đãi chủ đầu tư; giá bán, giá cho thuê; xác định đối tượng được mua (đầu ra của thị trường)…