Hệ quả khôn lường nếu quản không chặtThưa ông, đập thủy điện Xe - Pian Xe - Namnoy bị vỡ sẽ ảnh hưởng như thế nào tới khu vực Đồng bằng sông Cửu Long?- Dự án thủy điện Xe - Pian Xe - Namnoy cách dòng chính sông Mê Công ở Campuchia khoảng 200km và cách biên giới Việt Nam gần 650km. Với khoảng cách này, trong khoảng vài ngày tới, lượng nước từ sự cố hồ chứa sẽ tác động đến dòng chảy đầu nguồn sông Cửu Long của nước ta. Trong những ngày tới, mực nước đầu nguồn sông Cửu Long sẽ lên nhanh do lũ thượng nguồn về kết hợp với triều cường. Đến ngày 31/7, mực nước cao nhất trên sông Tiền tại trạm Tân Châu có khả năng lên mức 3,2m (thấp hơn mức báo động 1 là 0,3m); trên sông Hậu tại trạm Châu Đốc có khả năng lên mức 2,6m (thấp hơn mức báo động 1 là 0,4m). Do đó, tôi cho rằng sự cố vỡ đập thuỷ điện Xe - Pian Xe - Namnoy không gây tác động đáng kể tới Đồng bằng sông Cửu Long.
|
Ông Hoàng Xuân Hồng - Trưởng ban Khoa học công nghệ (Hội Đập lớn và Phát triển nguồn nước Việt Nam) |
Từ sự cố xảy ra với đập thủy điện Xe - Pian Xe - Namnoy, ông đánh giá như thế nào về những nguy cơ có thể xảy đến với các hồ chứa của Việt Nam?- Sự cố vừa xảy đến với thủy điện Xe - Pian Xe - Namnoy là do vỡ đập đất. Và dù dung tích hồ chứa này không lớn (chỉ khoảng 1 tỷ mét khối), tuy nhiên, những hệ quả mà nó gây ra là rất nghiêm trọng. Còn nhớ vào năm 1985, tại Tây Nguyên cũng đã xảy ra sự cố vỡ đập. Dù chỉ có dung tích khoảng 300.000m3, nhưng cũng đã khiến 36 người chết. Hay như sự cố vỡ hồ chứa Z20 ở huyện Hương Khê (Hà Tĩnh) tháng 6/2009, dù dung tích hồ chỉ khoảng 250.000m3 nhưng cũng đã cuốn phăng trên 1km đường sắt Bắc Nam… Điều đáng lo ngại là tại Việt Nam, trong số trên 7.100 hồ chứa, hiện có tới 90% là các hồ chứa quy mô nhỏ. Do đó, nếu không quản lý chặt chẽ các hồ chứa nhỏ, hệ quả sẽ rất khôn lường.
"Theo ước tính của Nhóm nghiên cứu nông nghiệp quốc tế, cả vùng hạ lưu Đồng bằng sông Cửu Long sẽ chịu ảnh hưởng của 470 thủy điện lớn nhỏ. Tác động không chỉ là nguy cơ an toàn hồ đập, mà còn là sự suy giảm dòng chảy gây hạn hán, xâm nhập mặn. Do đó, để hạn chế tác động của các hồ chứa thủy điện trên hệ thống sông Mê Công, thời gian tới, đơn vị sẽ tăng cường chia sẻ thông tin về vận hành các công trình thủy điện nhằm phối hợp với các quốc gia sử dụng tiết kiệm, hiệu quả và bền vững nguồn tài nguyên nước trên sông Mê Công. Đồng thời xây dựng kịch bản ứng phó với sự cố vỡ hồ chứa, các mô hình dự báo, quan trắc diễn biến mưa và dòng chảy cho cả mùa khô và mùa lũ trong năm trên lưu vực sông Mê Công." - Chánh Văn phòng Ủy ban sông Mê Công Việt Nam Lê Đức Trung
Theo thống kê của Tổng cục Thủy lợi (Bộ NN&PTNT), cả nước hiện có 6.648 hồ chứa thủy lợi và 485 hồ chứa thủy điện. Trong đó, khoảng 90% là các hồ chứa nhỏ. Phần lớn các đập tạo hồ chứa nhỏ là đập đất được xây dựng từ những năm 70, 80 của thế kỷ trước. Hiện, có khoảng 1.200 hồ chứa đang bị xuống cấp, hư hỏng. Chỉ tính riêng trong năm 2017, đã xảy ra 23 sự cố hồ, đập tại 11 tỉnh, TP. |
Giám sát chặt chẽ quản lý đầu tưTheo ông, những nguy cơ mất an toàn hồ chứa hiện nay có nguyên nhân từ đâu?- Hiện nay, các hồ chứa lớn do Bộ NN&PTNT và Bộ Công Thương quản lý được giám sát an toàn, tương đối chặt chẽ. Bộ NN&PTNT đã có đơn vị chuyên trách vấn đề này; Chính phủ cũng đã ban hành Nghị định số 72/NĐ-CP về quản lý an toàn đập. Bên cạnh đó là rất nhiều thông tư, văn bản hướng dẫn công tác bảo đảm an toàn hồ chứa… Tuy nhiên, đối với các hồ chứa nhỏ thì thực sự đáng lo ngại.
Thực tế các hồ chứa nhỏ hiện đều do địa phương quản lý, nhiều hồ chứa chưa được xây dựng quy trình vận hành, trong khi, kinh nghiệm cũng như kiến thức về bảo đảm an toàn hồ chứa của các địa phương vẫn còn những hạn chế nhất định. Mối lo thậm chí còn lớn hơn đối với các hồ chứa thủy điện nhỏ do các DN đầu tư, vận hành. Phần lớn các DN thiếu kinh nghiệm, kiến thức về xây dựng thủy điện, chỉ thấy có lợi nhuận mà đổ tiền vào đầu tư. Không chỉ vậy, vì lợi nhuận, họ cũng sẵn sàng thực hiện đầu tư với chi phí được tiết giảm tối đa, từ khâu tư vấn, thiết kế, đánh giá tác động môi trường đến quá trình xây dựng… Điều này dẫn tới những nguy cơ mất an toàn hồ đập khi các công trình đi vào vận hành.
Có thể thấy nỗi lo mất an toàn chủ yếu đến từ các hồ chứa nhỏ. Vậy làm thế nào để giảm thiểu nguy cơ này, thưa ông?- Thực tế, các công trình thủy điện không có lỗi, bởi nó đang đóng góp tới 30% tổng sản lượng điện cho cả nước. Tại nhiều quốc gia phát triển như Na Uy, Thụy Sỹ, Canada…, thủy điện vẫn cho thấy giá trị kinh tế rất lớn. Tuy nhiên, một số sự cố xảy ra đối với hồ thủy điện nhỏ khiến nhiều người không khỏi lo ngại. Tôi cho rằng, các bộ, ngành cần tiếp tục giám sát chặt chẽ an toàn các hồ chứa nhỏ do địa phương quản lý và công tác đầu tư các thủy điện nhỏ do DN thực hiện. Trong quá trình xây dựng dự án, cần phải có đánh giá tác động môi trường, rà soát khả năng ảnh hưởng tới vùng dân cư lân cận công trình nếu không may xảy ra sự cố hồ đập để chủ động phương án ứng phó, bao gồm cả di dân.
|
Hồ chứa nước Đồng Mít, tỉnh Bình Định. Ảnh: Nguyên Anh |
Tôi cũng cho rằng, việc cấp phép xây dựng hồ thủy điện nhỏ hiện nay vẫn còn bất cập. Tại các địa phương, Sở Công Thương vẫn được giao là đơn vị quyết định cấp phép đầu tư, tuy nhiên, đơn vị này thực tế ít có chuyên môn về hồ chứa và an toàn hồ đập. Đây có thể coi là một “lỗ hổng” trong quản lý Nhà nước cần sớm được điều chỉnh.
Thực tế những năm qua, vấn đề an toàn hồ chứa đã được quan tâm, trong đó, các giải pháp công trình rất được chú trọng. Chính phủ đã triển khai khoản vay trị giá 433 triệu USD từ Ngân hàng Thế giới để cải tạo, nâng cấp các hồ chứa. Tuy nhiên, vẫn còn tới 750 hồ chứa mất an toàn, cần được nâng cấp. Chính vì vậy, các bộ, ngành cần tiếp tục tham mưu, đề xuất Chính phủ bố trí kinh phí phục vụ nâng cấp các hồ chứa xuống cấp. Bên cạnh đó, Bộ TN&MT cần bổ sung mạng lưới quan trắc khí tượng thủy văn, phục vụ công tác vận hành các hồ chứa, bảo đảm an toàn cho vùng hạ du khi có sự cố.
Xin cảm ơn ông!