Do đó, giải pháp cấp thiết để ngăn chặn gian lận thương mại là cần sớm xây dựng và hoàn thiện pháp lý về dán nhãn “Made in Vietnam”. Đây là đề xuất được các chuyên gia, nhà quản lý đưa ra tại Tọa đàm “Thế nào là Made in Vietnam?” do Câu lạc bộ Truyền thông số và Viện Nghiên cứu chính sách và phát triển truyền thông (IPS) phối hợp tổ chức ngày 17/7, tại báo Kinh tế & Đô thị.
Mơ hồ khái niệm “Made in Vietnam”
Chia sẻ về các quy tắc dán nhãn “made in” tại một số quốc gia, Giám đốc Trung tâm xác nhận chứng từ thương mại (VCCI) Trần Thị Thu Hương cho biết, trên thế giới khái niệm “made in” gắn kết chặt chẽ với quy tắc xuất xứ (QTXX) của sản phẩm nhưng được áp dụng khá linh hoạt.
|
Các chuyên gia, luật sư tại buổi tọa đàm. Ảnh: Lê Nam |
Chẳng hạn, thị trường Mỹ quy định tất cả hàng hóa (hoặc bao bì đóng gói hàng hóa) có xuất xứ ngoài Mỹ, trừ một số trường hợp hàng hóa không có khả năng được đánh dấu như trái cây (có thể áp dụng đánh dấu trên bao bì đóng gói) phải ghi rõ nguồn gốc xuất xứ. Hay tại thị trường Liên minh châu Âu (EU) yêu cầu dán nhãn xuất xứ lên thực phẩm và mỹ phẩm nhập khẩu.
Theo đó, nhà sản xuất và nhà nhập khẩu có quyền tự do dán nhãn thông tin xuất xứ lên hàng hóa nhập khẩu, song EU quy định bắt buộc phải khai báo nước xuất xứ của hàng hóa trên tờ khai hải quan nhập khẩu.
Cũng theo bà Hương, quy định xuất xứ tại các nước cũng có nhiều điểm riêng biệt nên không tránh khỏi những xung đột. Việc áp dụng các QTXX đôi khi cũng được sử dụng để bảo vệ ngành công nghiệp trong nước.
"Ở góc độ xây dựng quy định pháp lý, chúng ta cần cân bằng giữa tiêu chí đáp ứng chứng nhận xuất xứ và chất lượng sản phẩm, hai điều kiện này cần phải song hành, không thể tách biệt. Chỉ khi sản phẩm được kiểm soát chất lượng thì thương hiệu quốc gia mới không bị xâm phạm. Trong trường hợp chúng ta đã đặt ra quy định về QTXX, DN đã đáp ứng được QTXX, song hàng hóa vẫn có thể kém chất lượng vì xuất xứ không điều chỉnh được chất lượng, điều này dẫn đến việc cả xuất xứ cũng như thương hiệu sản phẩm, thương hiệu quốc gia sẽ vẫn bị xâm hại." - Luật sư Trần Ngọc Trung - Cố vấn cao cấp Công ty Luật Baker & McKenzie |
Tại Việt Nam, hiện nay chưa có khái niệm cụ thể thế nào là “Made in Vietnam” và cũng chưa có quy định về tiêu chí để hàng hóa được ghi nhãn sản xuất tại Việt Nam. Điều này khiến người tiêu dùng trong nước thiếu căn cứ để phân biệt thế nào là hàng “Made in Vietnam” và họ đang sử dụng hàng “Made in Vietnam” trên cơ sở tự nhận biết hoặc tin tưởng vào những nhãn hàng không được kiểm chứng.
Báo động tình trạng “đội lốt” hàng Việt
Tại buổi tọa đàm, nhiều đại biểu có chung quan điểm đó là không ít DN lợi dụng sự mơ hồ về khái niệm “Made in Vietnam” để đánh lừa người tiêu dùng bằng chiêu trò “đội lốt” hàng Việt. Ví dụ vụ Khaisilk, DN nhập hoàn toàn sản phẩm từ Trung Quốc sau đó cắt nhãn mác của Trung Quốc và dán nhãn mác “Made in Vietnam”, hành vi này rõ ràng là lừa dối người tiêu dùng và không chấp nhận được.
Nhận định về vấn đề này, bà Hương cho hay, “đội lốt” hàng Việt đang là tình trạng phổ biến tại không ít DN, đặc biệt là DN đăng ký sản xuất, kinh doanh mặt hàng điện tử, linh kiện điện tử. Các DN này có dựng lên nhà xưởng, có trang bị máy móc nhưng lắp ráp rất thô sơ, thậm chí chỉ đóng gói rồi dán nhãn “Made in Vietnam”.
Đối với những trường hợp này đều bị từ chối cấp giấy chứng nhận xuất xứ. Đáng lo ngại, để lách luật, DN đã sử dụng những phương thức tinh vi hơn là thay vì tạm nhập tái xuất mà thực hiện mua bán lòng vòng khiến cho việc truy xuất nguồn gốc hàng hóa trở nên khó khăn.
Theo khảo sát của Bộ Công Thương, trong thời gian qua, hiện tượng gian lận thương mại thông qua ghi nhãn xuất xứ hàng hóa sản xuất tại Việt Nam ngày càng gia tăng. Có nhiều trường hợp hàng hóa được sản xuất từ nước ngoài hoặc đặt gia công tại nước ngoài nhưng lại gắn mác là hàng “Made in Vietnam” để gian lận thương mại, đánh lừa người tiêu dùng.
|
Người tiêu dùng gặp nhiều khó khăn trong việc truy xuất nguồn gốc sản phẩm. Ảnh: Phạm Hùng |
Các mặt hàng phổ biến gồm: Linh kiện điện tử, thiết bị văn phòng, đồ chơi trẻ em... Nguyên nhân chủ yếu của tình trạng trên là do xu hướng người Việt ngày càng chuộng hàng Việt nhiều hơn. Bên cạnh đó, DN muốn lẩn tránh, trốn thuế để phân phối, tiêu thụ hàng hóa dễ dàng. Chính vì vậy, Bộ Công Thương đang tiến hành dự thảo về bộ tiêu chí quy định thế nào là "sản xuất tại Việt Nam" để áp dụng cho hàng hóa lưu thông trong thị trường nội địa.
Lấp lỗ hổng trong quản lý
Ở góc độ nhìn nhận quy định quản lý, Luật sư Trần Ngọc Trung - Cố vấn cao cấp Công ty Luật Baker & McKenzie cho rằng, hiện cơ quan quản lý nhà nước chỉ quan tâm đến vấn đề hàng xuất khẩu để được hưởng ưu đãi thuế quan từ các FTA, còn quy định về chứng nhận xuất xứ đối với hàng hóa sản xuất, tiêu thụ trong nước thì vẫn bỏ ngỏ.
Ông Trung khuyến nghị, công tác quản lý không đơn thuần là chứng nhận xuất xứ mà còn song hành cùng chất lượng.
“Cần tránh biến việc gắn nhãn mác trở thành thủ tục hành chính gây phiền hà cho DN. Thay vì quản lý câu chuyện về xuất xứ, việc quản lý chất lượng sản phẩm cần được cơ quan quản lý coi trọng hơn” – ông Trung nhấn mạnh.
Lấy dẫn chứng về vụ nghi ngờ gian dối dán nhãn mác xuất xứ của Asanzo mới đây, ông Trung nhận định, về mặt nhãn hàng của DN có thể không trung thực nhưng chất lượng sản phẩm được người tiêu dùng chấp nhận, độ phủ sóng hàng hóa rộng khắp, uy tín, thương hiệu của DN đã được khẳng định thì Asanzo mới tồn tại và phát triển trong nhiều năm qua. Vì vậy, người tiêu dùng cần nhìn nhận khách quan, không nên chỉ nhìn ở góc độ vi phạm về dán nhãn xuất xứ mà cần nhìn nhận cả về chất lượng sản phẩm.
Lý giải về căn cứ xác định xuất xứ, ông Trung cho biết, hiện nay đang tồn tại 2 bộ QTXX ưu đãi và QTXX không ưu đãi. Riêng với quy định dán nhãn “made in”, Việt Nam giao cho nhà sản xuất và nhà nhập khẩu tự xác định dựa trên pháp luật quy định hiện hành của pháp luật Việt Nam và cam kết quốc tế mà Việt Nam tham gia.
Trường hợp dán nhãn “Made in Vietnam” của Asanzo nếu đánh giá theo hiệp định thương mại hàng hóa ASEAN thì không được công nhận nhưng nếu đánh giá theo hiệp định ASEAN - Trung Quốc thì vẫn được chấp thuận.
Các chuyên gia cũng lưu ý, Việt Nam đã tham gia nhiều Hiệp định thương mại tự do, hội nhập vào chuỗi cung ứng toàn cầu, nếu Việt Nam đặt ra một quy định chặt chẽ về xuất xứ để sản phẩm có thể ghi “Made in Vietnam” thì chắc chắn nhiều sản phẩm sẽ không xác định được nguồn gốc xuất xứ; nếu quy định nới lỏng thì sẽ ảnh hưởng thương hiệu sản phẩm xuất khẩu, thương hiệu quốc gia và quyền lợi của người tiêu dùng.
"Nhằm ngăn chặn hiện tượng gian lận lận xuất xứ, thương mại, thời gian tới, các cơ quan chức năng cần kiểm soát chặt chẽ những lô hàng nhập khẩu linh kiện vào Việt Nam và kiểm soát lô hàng đầu ra của DN. Đặc biệt cần tăng cường kiểm tra, kiểm soát DN đã nhập khẩu hàng hóa, nguyên liệu vào Việt Nam sau đó xuất khẩu tới nước thứ 3 để lẩn tránh thuế nhập khẩu, hưởng thuế suất ưu đãi." - Giám đốc Trung tâm xác nhận chứng từ thương mại (VCCI) Trần Thị Thu Hương |