Việt Nam vươn mình trong kỷ nguyên mới

Lọc các thông tin xấu với trẻ em

Nguyễn Vũ
Chia sẻ Zalo

Kinhtedothi - Nhận thức vai trò quan trọng của việc ngăn chặn thông tin nguy hại, bảo vệ trẻ em trên môi trường mạng, thời gian qua, các cơ quan chức năng đã triển khai nhiều giải pháp. Tuy nhiên, qua thực tế giám sát cho thấy, còn nhiều vấn đề cần phải vào cuộc mạnh mẽ hơn.

Không thiếu quy định
Thời gian qua, để xây dựng môi trường mạng an toàn, tiếp cận thông tin lành mạnh, Bộ TT&TT đã chủ động thực hiện các biện pháp nhằm bảo vệ bí mật đời sống riêng tư của trẻ em, góp phần ngăn chặn các hành vi xâm hại trẻ em trên môi trường mạng.
Để hỗ trợ trẻ em tìm kiếm, thu nhận và phổ biến thông tin, bày tỏ ý kiến, nguyện vọng, Bộ TT&TT đã định hướng các cơ quan báo chí, truyền thông tạo điều kiện thuận lợi để trẻ em tham gia các hoạt động liên quan. Hiện nay, trẻ em được trực tiếp tham gia viết báo, làm báo, làm phim hoạt hình, chương trình phát thanh, tờ rơi, quảng bá ảnh chụp, tranh vẽ.
Các quy định pháp luật để bảo vệ trẻ em trên môi trường internet khá đầy đủ như Luật Trẻ em, Luật Tiếp cận thông tin, Luật An ninh mạng… Chính phủ cũng ban hành Nghị định 56/2017 quy định chi tiết Luật Trẻ em, trong đó có quy định trách nhiệm bảo vệ trẻ em trên môi trường mạng.
 Ảnh minh họa (nguồn ICT New)
Thủ tướng Chính phủ đã ban hành Chỉ thị số 14/2019 về việc tăng cường bảo đảm an toàn, an ninh mạng nhằm cải thiện chỉ số xếp hạng của Việt Nam. Bộ LĐTB&XH ban hành Quyết định thực hiện chỉ thị này; tổ chức các Diễn đàn trẻ em quốc gia, trong đó có chủ đề bảo vệ trẻ em trên môi trường mạng…
Tuy nhiên, thực tế, công tác hướng dẫn, tuyên truyền để trẻ em khai thác mạng an toàn, tiếp cận thông tin lành mạnh vẫn chưa thực sự hiệu quả như mong muốn. Việc tuyên truyền cho trẻ em chưa thường xuyên, chủ yếu diễn ra theo các sự kiện lồng ghép, tháng hành động vì trẻ em, chưa mở rộng truyền thông trên các trang mạng xã hội, hoạt động văn hóa, nghệ thuật, phim ảnh… để thu hút trẻ em cũng như đông đảo người dân.
Để thực thi hiệu quả
Tại các cuộc bàn thảo về vấn đề này vừa được Đoàn giám sát của Quốc hội tổ chức, nhiều ý kiến cho rằng, với điều kiện sống tốt hơn, nhận thức của trẻ em hiện nay đã phát triển nhanh, phát hiện vấn đề nhiều khi tốt hơn người lớn. Do vậy, các cơ quan chức năng nên phối hợp với cá nhân, tổ chức xã hội để phát triển một số nhân vật tích cực trên môi trường mạng, tạo tác động tốt cho trẻ em.
Cùng với đó, để thông tin hiệu quả, ngăn chặn hiệu quả xâm hại trẻ em trên môi trường mạng, cần tiếp tục hoàn thiện hệ thống văn bản quy phạm pháp luật và các quy định liên quan đến phòng, chống xâm hại trẻ em.
Cụ thể, xây dựng quy trình phát hiện, hỗ trợ, can thiệp trẻ em bị xâm hại trên môi trường mạng; nghiên cứu, xây dựng chiến lược, đề án về bảo vệ trẻ em trên môi trường mạng; tăng cường bảo vệ quyền riêng tư và dữ liệu của trẻ em. Trong đó, bao gồm bắt buộc sử dụng cài đặt riêng tư mặc định và công nghệ xác thực độ tuổi trong việc thu thập, xử lý, lưu trữ và chia sẻ các dữ liệu cá nhân thu thập từ trẻ em. Thiết lập một cơ chế dễ tiếp cận để yêu cầu xóa bỏ các dữ liệu cá nhân mà một người cung cấp khi còn là trẻ em.
Bên cạnh đó, một số ý kiến cho rằng, về mặt kỹ thuật, trong thực hiện ngăn chặn xâm hại trẻ em trên môi trường mạng không thể thiếu vai trò của các DN công nghệ thông tin. Từ đó có biện pháp ngăn chặn những thông tin trên mạng tác động xấu, dẫn đến nguy cơ trẻ em bị xâm hại bằng các hình thức và các cấp độ khác nhau như chặn một số website, lọc các nội dung xấu, độc… Đối với công tác truyền thông, nên nhấn mạnh đến nội dung đồng hành với trẻ em sử dụng internet thông minh và an toàn.
Đặc biệt, để hướng dẫn trẻ khai thác thông tin hữu ích, an toàn trên môi trường mạng, theo nhiều chuyên gia, một trong những biện pháp cũng cần lưu ý là để các em chủ động hướng dẫn kỹ năng cho nhau cách tìm kiếm thông tin an toàn nhất.q