Việt Nam vươn mình trong kỷ nguyên mới

Luôn giữ bút sắc, lòng trong

KT&ĐT
Chia sẻ Zalo

Kinhtedothi - Cứ mỗi dịp Ngày Báo chí Cách mạng Việt Nam (21/6), tòa soạn, trụ sở các cơ quan báo chí, thông tấn tràn ngập những lẵng hoa, những lời chúc tốt đẹp được gửi đến những người làm báo. Đó là biểu hiện sinh động của lòng tin, sự tôn vinh mà xã hội gửi tới những người làm báo cách mạng Việt Nam.

Những người làm báo và các cơ quan báo chí cũng coi đó là lời nhắc nhở về trách nhiệm của người làm báo với xã hội và đất nước nhân ngày truyền thống vẻ vang của mình trong thời kì cả nước tiếp tục sự nghiệp đổi mới, thực hiện cuộc cách mạng công nghiệp 4.0.
Để làm trọn nhiệm vụ mà Đảng, Nhà nước và Nhân dân tin tưởng giao phó, đội ngũ những người làm báo Việt Nam hôm nay đang đứng trước những thuận lợi cùng thách thức. Thuận lợi và cơ hội thì dễ thấy. Với sự phát triển như vũ bão của công nghệ thông tin, các nhà báo, đặc biệt là nhà báo trẻ có nhiều cơ hội tốt để trau dồi và mở mang tri thức so với các thế hệ trước.
Tư duy phản biện tốt, khả năng sử dụng ngoại ngữ thành thạo và làm chủ phương tiện công nghệ chính là các lợi thế tạo ra cơ hội giúp nhà báo trẻ phát huy tối đa năng lực của mình. 
Sự phát triển của công nghệ thông tin trong điều kiện cách mạng công nghiệp 4.0 cũng làm xuất hiện không ít những thách thức với đội ngũ những người làm báo, nhất là các nhà báo trẻ. Cũng dễ nhận thấy và thường được nhắc nhiều đó là sự cạnh tranh từ mạng xã hội với các nền tảng công nghệ truyền thông ngày một hiện đại. Có một thực tế là nếu không làm chủ và phát huy tối đa sự hỗ trợ của công nghệ thì một cơ quan báo chí chính thống cũng có thể thua kém một người dùng mạng xã hội về khả năng lan tỏa thông tin.
Tuy nhiên, điều đáng lưu ý hơn là bên cạnh những thách thức mang tính khách quan, trong điều kiện hiện tại, nhà báo, đặc biệt là nhà báo trẻ còn phải vượt qua những thách thức từ chính bản thân mình. Trong sự phong phú, đa dạng của dòng thác thông tin, người làm báo cần có bản lĩnh, hiểu biết để chọn lọc, thậm chí khước từ cách tiếp nhận, xử lý thông tin dễ dãi, thiếu trách nhiệm. Nhà báo cũng cần thấy rõ, đâu là phong cách làm báo chân chính, đâu là kiểu “nhà báo bàn phím” đặng dấn thân vào thực tế cuộc sống nhiều khi khó khăn, khắc nghiệt, đổ mồ hôi, sôi nước mắt thậm chí phải đổ cả máu.
Nói cách khác, nhà báo trong khi vươn lên làm chủ công nghệ thông tin với những tiện ích của nó để phục vụ chuyên môn, cũng cần phải biết tỉnh táo, đủ bản lĩnh để không lười nhác, dễ dãi do những tiện ích đó mang lại. Đó là chưa kể bản lĩnh cần có của người làm báo để có chính kiến, kiên trì quan điểm trước một biển cả thông tin cùng những tác động nhiều bề của cộng đồng mạng xã hội.
Thay đổi để thích nghi với những biến chuyển về công nghệ làm báo, cách thức tiếp cận thông tin của công chúng báo chí là điều vô cùng cần thiết. Song cần thiết hơn là rèn luyện, gìn giữ đạo đức của người làm báo, thái độ trân trọng sự thật, trách nhiệm với tin tức và sự dấn thân. Đó chính là những giá trị cơ bản, xuyên suốt để tạo dựng bản lĩnh người làm báo, điều mà không máy móc hay công nghệ nào thay thế được. Chỉ khi xây đắp, gìn giữ được những giá trị truyền thống đó nền báo chí cách mạng Việt Nam cùng đội ngũ những người làm báo hôm nay mới có thể tận dụng cơ hội, vượt qua thách thức, biến thách thức thành cơ hội để phát triển bền vững. Bất kể đó là thách thức từ cách mạng công nghiệp 4.0 hay những cuộc cách mạng kỹ thuật tiếp theo.
Có thể nói, trong điều kiện mới của cuộc cách mạng công nghiệp 4.0, lời khuyên của cố nhà báo Hữu Thọ - cây đại thụ của báo chí cách mạng Việt Nam “Người làm báo cần có mắt sáng, bút sắc, lòng trong” vẫn còn nguyên giá trị. Đó cũng được xem là phương châm hành nghề, kim chỉ nam trong hành động cho các thế hệ nhà báo Việt Nam hôm nay và mai sau.