Việt Nam vươn mình trong kỷ nguyên mới

Mất tiền vì tin nhắn trúng thưởng

Thái San
Chia sẻ Zalo

Kinhtedothi - Nhiều nạn nhân bị sập bẫy chiêu thức lừa đảo mới từ các tổ chức mạo danh công ty tài chính, ngân hàng, DN.

Các tổ chức mạo danh này đã nhắn tin, gọi điện chúc mừng người may mắn trúng thưởng với quà tặng giá trị, tuy nhiên đó chỉ là cái bẫy lừa đảo khiến nạn nhân bị mất tiền lên đến hàng trăm triệu đồng.
 Ảnh minh họa.
Cơ quan Cảnh sát điều tra - Công an quận Hoàn Kiếm hiện đang điều tra vụ việc chị Nguyễn Thị M.A. (ở quận Hai Bà Trưng) bị lừa mất 339 triệu đồng qua hình thức tin nhắn trúng thưởng của ngân hàng.
Trước đó, cuối tháng 2/2020, chị Nguyễn Thị M.A. nhận được tin nhắn đến điện thoại về việc nhận quà tri ân nhân dịp mừng sinh nhật của một ngân hàng trên địa bàn Hà Nội. Ban đầu, chị không tin và cho đó là tin quảng cáo nên lờ đi. Ngày hôm sau, chị tiếp tục nhận được 2 cuộc điện thoại hướng dẫn các bước hoàn tất thủ tục nhận quà. Người gọi đến tự xưng là nhân viên chăm sóc khách hàng của ngân hàng, gửi đến điện thoại của chị đường link www.sinhnhat*******.com.
Chị M.A. đã làm theo hướng dẫn của đường link vào một trang web lạ, đăng nhập vào tài khoản ngân hàng của mình và dùng mã OTP. Tuy nhiên, sau đó, chị nhận được tin nhắn là “Mã OTP đã hết hạn”. Ít phút sau, tin nhắn điện thoại thông báo, tài khoản ngân hàng mang tên Nguyễn Thị M.A. đã bị trừ sạch 339 triệu đồng. Phía ngân hàng cho biết, số tiền của chị Nguyễn Thị M.A. đã được gửi vào một tài khoản ngân hàng khác.
Mới đây, 6 đối tượng đã bị cơ quan Cảnh sát điều tra Công an tỉnh Thanh Hóa điều tra, xử lý gồm: Võ Văn Tuấn Kiệt (SN 1996), Trần Quang (SN 1992), Trương Đức Huy (SN 1999), Huỳnh Văn Lâm (SN 1997), Nguyễn Tiến, SN 2000, đều ở huyện Duy Xuyên, tỉnh Quảng Nam và Nguyễn Văn Thanh (SN 1999, ở quận Cẩm Lệ, TP Đà Nẵng). Tất cả đều là những người giỏi về công nghệ thông tin, hầu hết đều là sinh viên đại học.
Qua nghiên cứu trên mạng, chúng thấy có nhiều người thiếu hiểu biết, lại hám lợi nên đã tìm cách "đánh" vào điểm này của bị hại. Chúng "phân vai" cho từng người, gồm "cán bộ phụ trách trả thưởng", "nhân viên ngân hàng", "nhân viên cửa hàng xe máy". Đối tượng nào có khả năng thuyết phục, nói khéo thì được nghe "hotline" để dụ dỗ nạn nhân gửi tiền, đối tượng nào giỏi công nghệ thì phụ trách tạo ra các tin nhắn và ứng dụng để tạo sự tin tưởng cho nạn nhân.
Khi có người dùng Facebook gọi điện phản hồi theo số hotline, lập tức, các đối tượng phân công người nghe máy và hướng dẫn nạn nhân truy cập vào các trang web của chúng như: sukien26.com; quatang152.com; monquavn25.com; timdientu99.com; hopquatrian68.com... và qua thư trúng thưởng với nội dung “Chúc mừng tài khoản Facebook của bạn đã may mắn nhận được giải Nhất từ tuần lễ tri ân khách hàng...”.
Một trong những nạn nhân nhẹ dạ của các đối tượng là chị Nguyễn Thị Phương (SN 1984, trú tại TP Sầm Sơn, Thanh Hóa), bị lừa hơn 200 triệu đồng. Ngoài ra, các đối tượng đã lừa đảo hàng chục nạn nhân khác, số tiền lừa khoảng 5 - 10 triệu đồng/tài khoản; có trường hợp chuyển hơn 50 triệu đồng.
Trao đổi với phóng viên Kinh tế & Đô thị, luật sư Nguyễn Hữu Toại - Giám đốc Công ty Luật Hừng Đông cho hay, hiện nay tình trạng lừa đảo qua Zalo, Facebook, tin nhắn điện thoại khá phổ biến, đã được cơ quan công an cảnh báo. Chính vì vậy, người dân cần cảnh giác, tỉnh táo trước các số điện thoại, website lạ; không cung cấp thông tin cá nhân, tài khoản cho người lạ; không hám lợi từ những món quà trên trời rơi xuống, dẫn đến việc "tiền mất, tật mang".