Việt Nam vươn mình trong kỷ nguyên mới

Mặt trái của cú đòn mạnh

Nguyên Sa
Chia sẻ Zalo

Kinhtedothi - Tổng thống Mỹ Joe Biden đã quyết định cấm nhập khẩu dầu lửa của Nga và làm cho nước Mỹ đi tiên phong trong việc mở rộng phạm vi áp dụng các biện pháp chính sách trừng phạt Nga sang lĩnh vực cung ứng năng lượng.

Đây là cú đòn mạnh của Mỹ nhằm vào Nga bởi hai lý do. Thứ nhất, xuất khẩu dầu lửa và khí đốt là một trong những nguồn thu quan trọng nhất của Nga và Nga sẽ gặp khó khăn, phức tạp rất lớn nếu như nguồn thu này bị co hẹp lại. Mỹ biện luận nhập khẩu dầu lửa của Nga trong bối cảnh tình hình hiện tại chẳng khác gì chi tiền cho Nga tiếp tục chiến sự với Ukraine, cũng có nghĩa là một khi bị đẩy vào tình thế khó khăn về tài chính thì Nga sẽ không thể thuận lợi trong việc duy trì chiến sự với Ukraine. Thứ hai, Mỹ nhập khẩu không nhiều dầu lửa từ Nga. Nhập khẩu dầu lửa của Nga hàng năm chỉ chiếm khoảng 8% tổng khối lượng nhập khẩu dầu lửa của Mỹ.

Hiện tại, ngoài Mỹ, chưa có đồng minh nào của Mỹ và là khách hàng lớn của Nga về nhập khẩu dầu lửa và khí đốt, quyết định như Mỹ tẩy chay nhập khẩu năng lượng từ Nga. Nhưng rồi đây, các đồng minh này cũng sẽ hành động như Mỹ, tự giác hoặc bị Mỹ thôi thúc. Khi ấy, Nga sẽ gặp khó khăn và thách thức không dễ khắc phục. EU đã công bố kế hoạch giảm 2/3 nhập khẩu năng lượng từ Nga cho tới năm 2030.

Có thể thấy, Mỹ và đồng minh kiên định chủ ý gia tăng đến cùng sức ép đối với Nga thông qua các biện pháp trừng phạt. Những mặt trái của việc này đối với chính họ là không phụ thuộc vào Nga thì sẽ lệ thuộc vào nhà cung ứng năng lượng khác, là phải đầu tư rất nhiều tiền của và thời gian vào tìm kiếm các nguồn năng lượng tái tạo và sạch.

Trước mắt, hệ luỵ không tránh khỏi là khan hiếm dầu lửa và khí đốt ở các nước này, giá dầu lửa và khí đốt tăng làm gia tăng tỷ lệ lạm phát và ảnh hưởng tiêu cực tới triển vọng tăng trưởng kinh tế thế giới nói chung và ở các nước kia nói riêng. Chính quyền Mỹ và các đồng minh này gây thêm khó khăn cho Nga nhưng cũng sẽ gặp khó khăn đối nội mới.