Lượng mưa, bão trong tháng 11 sẽ ít so với nhiều năm
Cũng theo dự báo, khu vực miền Trung vẫn trong tháng chính của mùa mưa, các đợt mưa diện rộng nhiều khả năng sẽ tập trung vào 15 ngày cuối tháng, tuy nhiên thời gian sẽ không kéo dài và cường độ không lớn, do vậy tổng lượng mưa tháng có xu hướng thiếu hụt nhiều so với trung bình nhiều năm.
Trong tháng 11, có khả năng xuất hiện khoảng 1 cơn bão hoặc áp thấp nhiệt đới hoạt động trên Biển Đông. Trên phạm vi toàn quốc tiếp tục đề phòng các hiện tượng thời tiết nguy hiểm xảy ra trên phạm vi hẹp như dông, lốc và gió giật mạnh. Ngoài ra tại các vùng biển Bắc và giữa Biển Đông sẽ có gió Đông Bắc mạnh do chịu ảnh hưởng của các đợt gió mùa Đông Bắc.
Bên cạnh đó, tháng 11 cần đề phòng tình trạng hanh khô, ở các tỉnh Bắc Bộ và Bắc Trung Bộ.
Về diễn biến cơn bão số 7 (bão Yutu), vào hồi 16h ngày 1/11, vị trí tâm bão ở cách quần đảo Hoàng Sa 610km về phía Đông Bắc. Sức gió mạnh nhất vùng gần tâm bão mạnh cấp 9 (75 - 90km/giờ), giật cấp 11.
Trung tâm Dự báo KTTV Quốc gia đưa ra dự báo, trong 24 giờ tới bão di chuyển theo hướng Bắc, mỗi giờ đi được khoảng 10km. Đến 16h ngày 02/11, vị trí tâm bão ở cách Đài Loan khoảng 420km về phía Tây Nam. Sức gió mạnh nhất vùng gần tâm bão mạnh cấp 8 (60 - 75km/giờ), giật cấp 10.
Do ảnh hưởng của bão, ở vùng biển Đông Bắc Biển Đông có mưa bão, gió mạnh cấp 7 - 8, vùng gần tâm bão đi qua cấp 9, giật cấp 11; biển động rất mạnh.
Trong 24 đến 48 giờ tiếp theo, bão di chuyển theo hướng Bắc Đông Bắc, mỗi giờ đi được 5 - 10km và suy yếu thành áp thấp nhiệt đới. Đến 16h ngày 3/11, vị trí tâm áp thấp nhiệt đới ở cách Đài Loan khoảng 290km về phía Tây Tây Nam. Sức gió mạnh nhất vùng gần tâm áp thấp nhiệt đới mạnh cấp 6 (40 - 50km/giờ), giật cấp 8.
Trong 48 đến 72 giờ tiếp theo, áp thấp nhiệt đới di chuyển theo hướng Đông Bắc, mỗi giờ đi được 5 - 10km, suy yếu thành một vùng áp thấp và tan dần.
Xuất hiện băng giá trên đỉnh Fansipan
Vào đêm qua, rạng sáng nay (1/11), do ảnh hưởng của đợt không khí lạnh tăng cường yếu tràn về, nền nhiệt các tỉnh Bắc bộ đã giảm đáng kể, đêm và sáng trời lạnh.
Tại Hà Nội, nhiệt độ ghi nhận lúc 6h30 vào khoảng 19 độ C, trời lạnh. Trong khi đó, một số nơi ở vùng cao như Sa Pa lúc cùng thời điểm là 9 độ C; Sìn Hồ (Lai Châu), Pha Đin (Điện Biên), Mẫu Sơn (Lạng Sơn) đều dưới 12 độ C. Vùng trung du và đồng bằng 16 - 18 độ C.
Đặc biệt, tại đỉnh Fansipan đã xuất hiện băng giá. Theo các chuyên gia khí tượng, sở dĩ diễn ra hiện tượng trên là do đỉnh Fansipan cao hơn 3.000m so với mực nước biển, trong khi đó, nhiệt độ tại Sa Pa sáng sớm nay là 9 độ C. Mà Sa Pa chỉ cao hơn 1.500m, vậy nên đỉnh Fansipan vào sáng sớm nay nhiệt độ ở vào khoảng 0 độ C. Song, thực chất của hiện tượng băng giá này là sương muối đông kết.
Bởi, nhiệt độ dưới 0 độ C sẽ làm các giọt nước rỉ ra từ các bể chứa, hay sương đọng trên mái nhà, trên lá cây sẽ đóng thành băng. Hiện tượng này chỉ xảy ra vào sáng sớm và sẽ tan rất nhanh khi nền nhiệt độ tăng lên. Đây là đợt băng giá đầu tiên ghi nhận kể từ đầu mùa lạnh 2018 đến nay trên đỉnh Fansipan.
Trung tâm Dự báo KTTV Quốc gia nhận định, thời kỳ 10 ngày đầu tháng (1 - 10/11/2018), nhiệt độ trung bình tại khu vực Bắc Bộ và Bắc Trung Bộ có khả năng thấp hơn từ 0.5 - 1 độ C so với trung bình nhiều năm (TBNN), còn các khu vực khác phổ biến ở mức xấp xỉ với giá trị TBNN cùng thời kỳ.
Thời kỳ 10 ngày giữa tháng (11 - 20/11/2018), nhiệt độ trung bình tại các khu vực trên phạm vi toàn quốc phổ biến ở mức cao hơn từ 0.5 - 1 độ C so với TBNN.
Thời kỳ 10 ngày cuối tháng (21 - 30/11/2018): Nhiệt độ trung bình tại khu vực Nam Bộ phổ biến ở mức xấp xỉ so với TBNN, còn các khu vực khác phổ biến ở mức cao hơn từ 0.5 - 1 độ C so với TBNN.