Xóm Cây Gạo làm du lịch cộng đồng
Những năm gần đây, Lễ hội Ngày mùa được duy trì tổ chức trên quê hương của cố Thủ tướng Phạm Văn Đồng (xóm Cây Gạo, xã Đức Tân, huyện Mộ Đức). Lễ hội tái hiện cảnh làng quê xưa, tôn vinh nghề trồng lúa nước, chế biến lương thực từ lúa gạo..., thu hút đông đảo học sinh, người dân, du khách tham gia.
Với đa dạng các hoạt động như gặt lúa, suốt lúa, giê lúa; các trò chơi dân gian như nhảy bao bố, kéo co, bịt mắt bắt vịt, đi cầu khỉ, trò chơi bắt cá... cùng nhiều món ăn đặc trưng, lễ hội tạo nên không khí sôi nổi, hào hứng và góp phần tăng thu nhập cho cộng đồng dân cư nơi đây.
Theo Phó Chủ tịch UBND xã Đức Tân Trần Lê Vương Vũ, đặc trưng của xã Đức Tân là nghề trồng lúa nước với những cánh đồng lúa trù phú, rộng lớn bên dòng sông Thoa uốn lượn tạo nên cảnh làng quê tươi đẹp.
Đặc biệt, tại đây có Khu lưu niệm Thủ tướng Phạm Văn Đồng, mỗi năm đón trên 50 nghìn lượt khách tham quan nên có nhiều tiềm năng phát triển du lịch cộng đồng.
“Chúng tôi sẽ duy trì tổ chức hoạt động Lễ hội Ngày mùa hàng năm nhằm mục đích tạo sản phẩm du lịch đặc trưng của địa phương, kết nối mô hình du lịch cộng đồng tại xóm Cây Gạo, tạo nên điểm đến mang đậm bản sắc đồng quê, thu hút du khách” - ông Vũ nói.
Sinh thời, mỗi lần về thăm quê, Bác Đồng luôn dành thời gian để thăm hỏi bà con, xóm giềng. Mong muốn của Bác là làm sao xây dựng quê hương giàu đẹp, đời sống người dân được ấm no.
Lời căn dặn của Bác nhiều năm qua đã được cụ thể hóa bằng những hành động của chính quyền và nhân dân trong huyện. Xã Đức Tân giờ đã là xã nông thôn mới kiểu mẫu. Và xóm Cây Gạo đang được xây dựng để trở thành địa điểm tham quan, du lịch cộng đồng.
Theo Đề án của huyện Mộ Đức, phát triển du lịch cộng đồng dựa trên cơ sở bảo tồn nguyên vẹn các giá trị văn hóa, không gian sinh sống ở làng quê xóm Cây Gạo.
Trong đó, Khu lưu niệm Thủ tướng Phạm Văn Đồng là hạt nhân. Từ khu lưu niệm sẽ phát triển ra các vùng xung quanh để du khách được trải nghiệm không gian thanh bình của xóm Cây Gạo với các sản phẩm du lịch nông nghiệp và sông nước.
“Thông qua phát triển du lịch, sản phẩm nông nghiệp làm ra sẽ mang lại hiệu quả kinh tế kép. Đó là vừa làm sản phẩm du lịch, vừa bán cho du khách, qua đó nâng cao thu nhập cho người dân chúng tôi”- ông Phạm Văn Thạnh (xã Đức Tân) chia sẻ.
Sức hút từ vùng trồng rau
Có diện tích hơn 12ha, thôn An Mô (xã Đức Lợi) được biết đến là vùng sản xuất rau sạch, không sử dụng hóa chất độc hại. Những thửa rau xanh mướt cùng nét sinh hoạt, lao động bình dị của người dân nơi đây tạo nên bức tranh thôn quê mộc mạc và mang sức hấp dẫn riêng.
Tận dụng lợi thế này, người dân An Mô đang triển khai mô hình du lịch cộng đồng. Nhận thức trong phát triển kinh tế gia đình của từng gia đình trong thôn cũng dần đổi thay theo hướng tích cực.
“Quá trình sản xuất, các hộ dân đều tuân thủ 5 nguyên tắc gồm: không dùng phân bón hóa học, không dùng thuốc trừ sâu độc hại, không có chất biến đổi gen, không sử dụng chất kích thích tăng trưởng và không sử dụng thuốc diệt cỏ. Nhờ vậy, các sản phẩm làm ra thân thiện với môi trường, bảo đảm sức khỏe cho người tiêu dùng và giảm được chi phí sản xuất” - anh Huỳnh Tiến Dũng chia sẻ.
Theo Trưởng ban Giám sát Hợp tác xã Nông nghiệp Đức Lợi Mai Tân, cùng với nhiều nơi khác ở địa phương, thôn An Mô đã thành lập tổ “Ngày chủ nhật xanh”.
“Tham gia tổ này, bà con cùng nhau dọn vệ sinh môi trường, chăm sóc cây xanh, vườn rau, tạo diện mạo nông thôn ngày càng sạch đẹp, níu chân du khách” - ông Tân nói.
Huyện Mộ Đức đề ra mục tiêu phát triển du lịch trở thành ngành kinh tế quan trọng, thúc đẩy các ngành kinh tế khác trong huyện phát triển để nâng cao đời sống người dân.
UBND huyện cũng đã ban hành Đề án phát triển du lịch huyện giai đoạn 2022 - 2025, định hướng đến năm 2030, phấn đấu năm 2025 đón khoảng 198 nghìn lượt khách và năm 2030 đón khoảng 385 nghìn lượt khách. Tổng thu từ hoạt động du lịch đến năm 2025 ước đạt trên 109 tỷ đồng và đến năm 2030 ước đạt trên 290 tỷ đồng.
Theo Giám đốc Sở Văn hóa - Thể thao và Du lịch tỉnh Nguyễn Tiến Dũng, hiện các địa phương trong tỉnh đều đang tích cực thực hiện Đề án Phát triển du lịch đến năm 2025, tầm nhìn đến năm 2030; phát triển du lịch gắn với Chương trình Mục tiêu Quốc gia xây dựng nông thôn mới.
Trong đó, du lịch cộng đồng, du lịch nông nghiệp gắn với phát huy giá trị các làng nghề tiếp tục được quan tâm phát triển. Nếu phát huy được hiệu quả của các làng nghề truyền thống gắn với du lịch thì mang lại lợi ích kinh tế rất lớn, tạo việc làm và nâng cao thu nhập cho người dân. Đồng thời, trực tiếp góp phần gìn giữ, bảo tồn những giá trị văn hóa truyền thống.
“Huyện Mộ Đức đã xây dựng được một số mô hình du lịch nông nghiệp, nông thôn, điển hình là du lịch “xanh” như ở vùng An Mô. Đây là hướng đi thân thiện với môi trường và mang lại nguồn lợi bền vững” - ông Dũng nhận định.