Việt Nam vươn mình trong kỷ nguyên mới

Mòn mỏi khi luật lỗi thời, chậm sửa

Hà Lâm
Chia sẻ Zalo

Kinhtedothi - Tại cuộc họp báo quý I/2024 mới đây, đại diện Bộ Tài chính cho hay, do biến động CPI chưa đến 20% cũng như chờ sửa đổi Luật Thuế thu nhập cá nhân nên Bộ này hiện chưa đề xuất điều chỉnh mức giảm trừ gia cảnh.

Ảnh minh họa.
Ảnh minh họa.

Dù những nguyên nhân Bộ Tài chính đưa ra về việc chưa điều chỉnh đúng với các quy định hiện hành, tuy nhiên, động thái này khiến người nộp thuế rất thất vọng vì một số quy định của Luật Thuế thu nhập cá nhân (TNCN), trong đó có mức giảm trừ gia cảnh đã rất lỗi thời và lạc hậu so với thực tế cuộc sống.

Cụ thể, theo Bộ Tài chính, việc điều chỉnh mức giảm trừ gia cảnh căn cứ vào sửa luật hoặc khi chỉ số giá tiêu dùng biến động 20%. Luật Thuế TNCN quy định khi CPI biến động trên 20% so với lúc luật có hiệu lực hoặc thời điểm điều chỉnh mức giảm trừ gia cảnh gần nhất, Chính phủ trình Ủy ban Thường vụ Quốc hội điều chỉnh phù hợp với biến động của giá cả để áp dụng cho kỳ tính thuế tiếp theo.

Hiện nay, mức giảm trừ gia cảnh cho cá nhân người nộp thuế là 11 triệu đồng, giảm trừ mỗi người phụ thuộc 4,4 triệu đồng, duy trì từ tháng 7/2020. Trong đó, 11 triệu đồng được cơ quan thuế xác định bằng "mức chi tiêu đáp ứng nhu cầu sống tối thiểu của một người", còn 4,4 triệu đồng xác định bằng 40% so với giảm trừ của bản thân người nộp thuế.

Thực tế, giảm trừ gia cảnh là biện pháp hỗ trợ cần thiết của Nhà nước để người nộp thuế thu nhập cá nhân giảm áp lực tâm lý, tạo sự an tâm cho người lao động tạo ra của cải, vật chất.

Thế nhưng với mức giảm như hiện tại, nhiều ý kiến đang cho rằng không còn phù hợp với thực tế chi tiêu cuộc sống hiện nay. Nếu phải chờ thêm nữa thì rất nhiều người dân sẽ phải chịu cảnh thu nhập không đủ các nhu cầu thiết yếu, thậm chí thu nhập thấp mà vẫn phải đóng thuế. Điều này không những ảnh hưởng đến đời sống người dân mà còn giảm đi ý nghĩa của các chính sách thuế.

Theo các chuyên gia, trong 10 năm, tính từ khi áp dụng Luật Thuế TNCN (sửa đổi năm 2012), lương tối thiểu vùng của Chính phủ đã tăng 9 lần (trừ năm 2021 do dịch Covid-19 nên không tăng), từ mức 2 triệu đồng/người/tháng lên hơn 4,68 triệu đồng/tháng, tương đương mức tăng gần 2,4 lần.

Tuy nhiên, mức giảm trừ gia cảnh cho người nộp thuế và người phụ thuộc chỉ mới điều chỉnh được một lần vào giữa năm 2020. Khi thay đổi thuế TNCN, cần phải đề cập và tính toán luôn các khoản giảm trừ làm cơ sở tính khoản thu nhập chịu thuế của người lao động.

Đến nay, sau những hy vọng của người dân về việc nâng mức giảm trừ gia cảnh thì có vẻ họ vẫn phải tiếp tục chờ đến khi nào “đúng với các quy định hiện hành”.

Bài toán sớm lạc hậu của các quy định về giảm trừ gia cảnh cũng như Luật Thuế TNCN cũng là ví dụ để các cơ quan sửa đổi có những quy định mềm, linh hoạt hơn trong xây dựng chính sách.

Với Luật Thuế TNCN, cần phải có những điều chỉnh trong quy định giảm trừ gia cảnh cho phù hợp. Một số chuyên gia cho rằng, lý tưởng nhất là phải chỉ số hóa được theo tỷ lệ lạm phát hàng năm, ví dụ lạm phát tăng 5% thì tương ứng mức giảm trừ gia cảnh cũng tự động tăng 5%.

Nếu không làm được như vậy thì khoảng thời gian điều chỉnh giảm trừ gia cảnh cần phải được rút ngắn lại so với cách làm hiện nay, tối đa khoảng 2 - 3 năm/lần chứ không phải chờ đến 9 - 10 năm cho đến khi lạm phát tăng đủ 20%.

Những quy định về thuế chỉ phát huy được hiệu quả và giá trị khi động viên, khuyến khích được các nguồn thu. Nếu thu nhập không phù hợp với các mức thuế tương tự thì chính sách thuế sẽ thành gánh nặng, kéo lùi đời sống Nhân dân.

Vì vậy, “may đo” thuế thế nào để nuôi dưỡng nguồn thu, đồng thời khai thác tốt các nguồn thu mới, hạn chế thất thu ngân sách mới là bài toán lâu dài của các chính sách. Việc sửa đổi cũng phải quyết liệt để làm nhanh khi không còn phù hợp, để động viên người nộp thuế tăng cường sản xuất, kinh doanh và đóng góp cho ngân sách.