Moscow lên tiếng về cáo buộc triển khai vũ khí hạt nhân trong không gian

Liên Hà
Chia sẻ Zalo

Kinhtedothi - Sau khi triển khai chiến dịch quân sự đặc biệt tại Ukraine hai năm trước, Tổng thống Nga Vladimir Putin đã đình chỉ việc Moscow tuân thủ hiệp ước START mới vào năm 2023, hiệp định cuối cùng giới hạn quy mô kho vũ khí hạt nhân ở Mỹ và Nga.

Tổng thống Nga Vladimir Putin tuyên bố Moscow không có ý định triển khai vũ khí hạt nhân trong không gian, khẳng định nước này chỉ phát triển năng lực không gian tương tự như Mỹ.

Tuyên bố được Tổng thống Nga hôm 20/2 đưa ra, tiếp nối tuyên bố của Nhà Trắng vào tuần trước rằng Nga đã có được khả năng vũ khí chống vệ tinh “đáng lo ngại”, mặc dù loại vũ khí đó vẫn chưa hoạt động.

Tổng thống Nga Vladimir Putin (phải), và Bộ trưởng Quốc phòng Nga Sergei Shoigu phủ nhận cáo buộc của Mỹ. Ảnh: AP
Tổng thống Nga Vladimir Putin (phải), và Bộ trưởng Quốc phòng Nga Sergei Shoigu phủ nhận cáo buộc của Mỹ. Ảnh: AP

Người phát ngôn an ninh quốc gia Nhà Trắng John Kirby khẳng định vũ khí này sẽ vi phạm Hiệp ước ngoài vũ trụ quốc tế, nhưng từ chối bình luận về khả năng hạt nhân của vũ khí.

Nhà Trắng cho biết họ sẽ tìm cách trao đổi trực tiếp với người Nga về những lo ngại này.

Trong khi đó, tại buổi trao đổi với Bộ trưởng Quốc phòng Nga trên truyền hình hôm 20/2, ông Putin nêu rõ: “Lập trường của Nga khá rõ ràng và minh bạch: chúng tôi luôn và vẫn kiên quyết phản đối việc triển khai vũ khí hạt nhân trong không gian”.

“Ngược lại, Nga kêu gọi các bên liên quan tuân thủ tất cả những thỏa thuận tồn tại trong lĩnh vực này,” Người đứng đầu Điện Kremlin khẳng định. 

Ông gọi những cáo buộc trên là một phần của “tiếng ồn ào đang nổi lên ở phương Tây”.

Ông Putin cho biết Nga “đã nhiều lần đề nghị tăng cường hợp tác chung trong lĩnh vực [không gian] nhưng vì lý do nào đó, ở phương Tây, chủ đề này đã không được nhắc lại”.

Phát biểu trong cuộc gặp với Bộ trưởng Quốc phòng Sergei Shoigu, ông Putin lưu ý rằng Nga chỉ phát triển năng lực không gian mà “các quốc gia khác, bao gồm cả Mỹ, có”.

Trong khi đó, Mỹ đã thông báo với các đồng minh rằng Nga có thể triển khai vũ khí hạt nhân hoặc đầu đạn giả vào không gian sớm nhất là trong năm nay.

Nguồn tin giấu tên cho biết Nga đang phát triển khả năng trên không gian để tiêu diệt các vệ tinh bằng vũ khí hạt nhân. Đầu đạn hạt nhân trên quỹ đạo sẽ vi phạm Hiệp ước ngoài vũ trụ năm 1967 mà Nga là thành viên.

Diễn biến này xuất hiện sau khi Chủ tịch Ủy ban Tình báo Hạ viện Mỹ tuần trước cảnh báo về mối đe dọa an ninh nghiêm trọng nhưng chưa xác định từ Nga. 

Sau khi triển khai chiến dịch quân sự đặc biệt vào Ukraine hai năm trước, Tổng thống Putin đã đình chỉ việc Moscow tuân thủ hiệp ước START mới vào năm 2023, hiệp định cuối cùng giới hạn quy mô kho vũ khí hạt nhân ở Mỹ và Nga.

Mặt khác, những diễn biến này nhấn mạnh quan điểm của giới phân tích an ninh rằng, cạnh tranh đang ngày càng gia tăng giữa Mỹ, Nga và Trung Quốc để phát triển khả năng tấn công trên quỹ đạo. Đây là cuộc chạy đua không gian mới trái ngược với Chiến tranh Lạnh, trong bối cảnh hai siêu cường đàm phán một loạt thỏa thuận kiểm soát vũ khí được thiết kế để ngăn chặn việc vũ khí hóa không gian.

Đánh giá hiện tại vẫn là Nga không có kế hoạch triển khai bất kỳ vũ khí nào trong không gian. 

Theo Văn phòng Liên Hợp quốc về các vấn đề ngoài vũ trụ, tính đến tháng 4 năm ngoái, đã có gần 7.800 vệ tinh hoạt động trên quỹ đạo Trái đất. Nguy cơ xảy ra tai nạn và vụ nổ hạt nhân có thể ảnh hưởng đến khoảng 1/3 số vệ tinh và tàn phá các hệ thống thông tin liên lạc trên trái đất.

Theo nguồn thạo tin, tác động của vụ nổ sẽ phụ thuộc vào kích thước của đầu đạn và không nhất thiết phá hủy các vệ tinh nhưng có thể gây ra gián đoạn. Vấn đề này dự kiến sẽ tiếp tục được các ngoại trưởng Nhóm G7 thảo luận khi trong cuộc họp ở Italia vào tháng 4 tới.