Việt Nam vươn mình trong kỷ nguyên mới

Xét xử phúc thẩm vụ án Trịnh Sướng sản xuất, buôn bán hàng giả

Một bị cáo kêu oan, cho rằng mình nhận tội thay người khác

Tân Tiến
Chia sẻ Zalo

Kinhtedothi - Sau khi bị tuyên phạt 8 năm 6 tháng tù về tội “Sản xuất, buôn bán hàng giả” trong vụ án Trịnh Sướng, bị cáo Nguyễn Ngọc Quan đã làm đơn cầu cứu gửi đến Viện KSND Cấp cao tại TP Hồ Chí Minh cho rằng mình đã nhận tội thay người khác. 

13 bị cáo kháng cáo

Sáng 14/10, TAND Cấp cao tại TP Hồ Chí Minh đã đưa ra xét xử phúc thẩm vụ án “Sản xuất, buôn bán hàng giả” quy định tại Điều 192 Bộ luật Hình sự năm 2015, theo đơn kháng cáo kêu oan, xin giảm nhẹ hình phạt của 13/39 bị cáo; kháng cáo của các tổ chức, cá nhân có quyền lợi và nghĩa vụ liên quan.

Trước đó từ ngày 20 - 30/12/2021, phiên tòa sơ thẩm do TAND tỉnh Đắk Nông xét xử đã tuyên án 39 bị cáo trong đường dây “Sản xuất, buôn bán hàng giả” là xăng giả, do Trịnh Sướng (SN 1967, ngụ tỉnh Sóc Trăng, Giám đốc Công ty TNHH Mỹ Hưng, đứng đầu vụ). Theo đó, bị cáo Trịnh Sướng bị phạt 12 năm tù; Nguyễn Ngọc Quan (SN 1970, ngụ TP Hồ Chí Minh) 8 năm 6 tháng tù; Đinh Chí Dũng (SN 1969, ngụ TP Hồ Chí Minh) 7 năm 6 tháng tù. Đối với 28 bị cáo khác bị tuyên phạt từ 2 năm 3 tháng đến 6 năm tù giam. Có 8 bị cáo được xử phạt án tù treo.

Bị cáo Trịnh Sướng (bìa trái) bị tòa án sơ thẩm tỉnh Đắk Nông tuyên phạt 12 năm tù vào cuối năm 2021. Ảnh: Báo Đắk Nông.
Bị cáo Trịnh Sướng (bìa trái) bị tòa án sơ thẩm tỉnh Đắk Nông tuyên phạt 12 năm tù vào cuối năm 2021. Ảnh: Báo Đắk Nông.

Sau khi có bản án sơ thẩm, 13 bị cáo kháng cáo với nội dung xin giảm nhẹ hình phạt hoặc kêu oan, như bị cáo Nguyễn Thị Thu Hòa (SN 1981, ngụ TP Cần Thơ) bị tuyên phạt 66 tháng tù. Đặc biệt, bị cáo Nguyễn Ngọc Quan đã viết đơn kêu cứu gửi đến Viện KSND Cấp cao tại TP Hồ Chí Minh cho rằng mình đã nhận tội thay người khác.

Cụ thể, bị cáo Quan cho rằng đã nhận tội thay ông L.M.Tâm (SN 1976, hộ khẩu thường trú tại huyện Nhà Bè, TP Hồ Chí Minh). Đơn cầu cứu của bị cáo Quan, nêu: “Ông Tâm kinh doanh cho thuê kho bãi. Ông Tâm quan hệ với tôi do tôi có mối mua dung môi, tôi không rõ họ mua dung môi làm gì, chỉ nghe nói dùng tẩy rửa trong các nhà máy công nghiệp. Tôi và ông Tâm bàn nhau mua để bán kiếm lời. Tôi chịu trách nhiệm mua và tìm mối để bán, ông Tâm bỏ vốn.

Sau khi trừ các chi phí, lợi nhuận từ việc mua dung môi chia đôi. Sau vài lần hợp tác, tôi và ông Tâm cùng làm thường xuyên với khối lượng dung môi mua đi bán lại không nhớ là bao nhiêu. Nhiều doanh nghiệp mua dung môi về sử dụng pha chế thành chất đốt trong công nghiệp, pha vào sơn nước để sơn trong xây dựng, dùng tẩy rửa trong các nhà máy”.

Đơn cầu cứu của bị cáo Quan, nêu: "Trong số dung môi mà bị cáo cùng ông Tâm mua về bán kiếm lời, thì trong khoảng thời gian từ năm 2018 đến 2019, ông Tâm có nhận một số lượng nhập kho để pha chế xăng, và số lượng nhập kho này ông Quan không được chia lời, cũng không biết chuyển đi đâu, sử dụng vào mục đích gì? Đến khi xảy ra vụ án, ông Quan mới biết dùng để sản xuất xăng giả. Quá trình điều tra, cơ quan công an xác định số dung môi ông Tâm nhập kho liên quan đến tội phạm xăng giả. Còn số dung môi ông Quan và Tâm mua bán được chuyển thẳng từ các doanh nghiệp bán cho bên mua kiếm tiền chênh lệch là mua bán hợp pháp, không liên quan đến tội phạm".

Nhận tội thay sẽ được người ở ngoài lo… mức án nhẹ?

Bị cáo Quan cho rằng để tiện việc mua bán dung môi, Tâm bàn với Quan lập Công ty TNHH TM hóa chất Tâm Quang (Công ty Tâm Quang) tại TP Thủ Đức, do Quan làm giám đốc. Đồng thời, mở chi nhánh Công ty Tâm Quang tại tỉnh Vĩnh Long để cho cháu của Tâm là N.H.Ph đứng tên, và Công ty Thanh Trúc do vợ Quan là bà T.T.N.Thu làm giám đốc. Lý do vợ chồng ông Quan đứng tên đại diện pháp luật vì để giữ mối mua hàng. Các giao dịch đều do vợ chồng Quan ký tên, nhưng điều hành hoạt động và thanh toán, nhận tiền do ông Tâm và cháu của ông Tâm thực hiện.

Việc mua bán dung môi của Công ty Tâm Quang và Công ty Thanh Trúc, khi mua vào theo hai nhóm. Cụ thể dung môi (hàng nhóm 1) mua theo đơn hàng, không chở về kho mà bán ngay cho người mua, tiền lời chia đôi giữa Quan và Tâm. Phần lớn hàng hoá mua vào thuộc nhóm 1. Dung môi (hàng nhóm 2), mua về nhập kho, sau đó Tâm bán lại, bị cáo Quan không được hưởng lợi và không biết số hàng này. Dung môi nhóm 2 phần lớn do N.H.Ph đứng ra giao dịch. 

“Khi vụ án bị khởi tố, cơ quan điều tra xác định dòng hàng thuộc nhóm 1 không vi phạm pháp luật, không liên quan vụ án. Hoạt động phạm tội chỉ thuộc về dòng hàng nhóm 2, do ông Tâm đưa về kho bãi của ông Tâm. Lúc bị bắt quả tang vào ngày 29/5/2019 tại kho ở ấp 4, xã Phong Phú, huyện Bình Chánh (TP Hồ Chí Minh), cơ quan công an thông báo sẽ khởi tố vụ án sản xuất, kinh doanh hàng giả.

Lúc đó ông Tâm đi hỏi luật sư rồi về nói là vợ chồng tôi sẽ bị khởi tố, bị bắt giam. Ông Tâm bàn bạc, nhờ tôi đứng ra nhận là chủ kho bãi thuê tại ấp 4, xã Phong Phú, và là người điều hành hoạt động pha chế, kinh doanh xăng giả. Nếu tôi đứng ra nhận thay, ở ngoài ông Tâm sẽ lo cho tôi án tù treo (ông Tâm đã thuê 2 luật sư bảo vệ cho Quan trong giai đoạn điều tra, bào chữa tại phiên tòa sơ thẩm).

Đồng thời lo cho vợ tôi không bị khởi tố (vợ ông Quan đứng tên Công ty Thanh Trúc) và sẽ giúp đỡ sau khi tôi ra tù, lo hết các khoản phạt nếu Nhà nước thu tài sản. Thời điểm đó tôi tin vào ông Tâm và sợ vợ tôi bị bắt như lời ông Tâm nói nên tôi đã đứng ra nhận toàn bộ kho xưởng là của tôi, do tôi trực tiếp điều hành hoạt động và không biết ông Tâm là ai” - đơn cầu cứu của bị cáo Quan viết.

Hoãn phiên tòa phúc thẩm để triệu tập người liên quan

Bị cáo Quan cho biết thêm, sau khi được 2 luật sư (do ông Tâm thuê) hứa hẹn nên ông Quan ký nhận hết tất cả bản cung để nhận thay ông Tâm về toàn bộ kho chứa, nhà xưởng và hoạt động sản xuất xăng giả. 

“Cơ quan điều tra ghi như thế nào trong các biên bản lấy lời khai tôi cũng ký nhận. Thậm chí tôi còn tự bịa ra tỷ lệ pha chế xăng giả như trong kết luận điều tra có nêu là 2/8, 3/7, 35% dung môi, 35% hóa chất, 30% xăng nền. Nhiều lời khai do điều tra viên mớm cho tôi từ các giấy tờ sổ sách thu được tại nhà kho, từ N.H.Ph và ông Tâm.

Hai lần luật sư do Tâm thuê vào gặp tôi đều dặn dò cứ thừa nhận và ký, mọi chuyện đã có luật sư lo. Sau khi được tại ngoại, tôi tìm ông Tâm nhiều lần nhưng Tâm tránh mặt. Khoảng tháng 5/2022, ông Tâm nhờ ông V.V.M (SN 1981) đưa tôi 980 triệu đồng tại quán cà phê gần cầu Phú Mỹ, quận 7” - đơn cầu cứu của bị cáo Quan nêu rõ.

Luật sư Trần Đình Dũng (Đoàn Luật sư TP Hồ Chí Minh), nói: “Trường hợp có người tố cáo nhận tội thay cho người khác mà cấp sơ thẩm đã xét xử, thì tòa án cấp phúc thẩm phải triệu tập những người có liên đến việc nhận tội thay, tới phiên toà nhằm làm rõ. Khi sự việc đã có dấu hiệu nhận tội thay, có nghĩa đã có dấu hiệu bỏ lọt tội phạm. Người có tội thật sự đã bị bỏ lọt”.

Cũng theo luật sư Trần Đình Dũng, tại khoản 1 Điều 358 Bộ luật Tố tụng Hình sự 2015, quy định việc cấp phúc thẩm hủy bản án sơ thẩm để điều tra lại hoặc xét xử lại. Theo đó, HĐXX phúc thẩm hủy bản án sơ thẩm để điều tra lại trong các trường hợp: Có căn cứ cho rằng cấp sơ thẩm bỏ lọt tội phạm, người phạm tội hoặc để khởi tố, điều tra về tội nặng hơn tội đã tuyên trong bản án sơ thẩm; Việc điều tra ở cấp sơ thẩm không đầy đủ mà cấp phúc thẩm không thể bổ sung được; Có vi phạm nghiêm trọng thủ tục tố tụng trong giai đoạn điều tra, truy tố. 

“Do đó trong trường hợp có dấu hiệu nhận tội thay, cấp phúc thẩm phải tuyên hủy án sơ thẩm để điều tra làm rõ, khắc phục tình tiết bỏ lọt tội phạm” - luật sư Trần Đình Dũng khẳng định.

Sáng nay sau phần thẩm vấn lý lịch bị cáo, đại diện Viện KSND Cấp cao tại TP Hồ Chí Minh đã đề nghị HĐXX tòa phúc thẩm hoãn phiên tòa để triệu tập tất cả những người có tên trong đơn kêu cứu của bị cáo Nguyễn Ngọc Quan nhằm làm rõ vụ án.

 

Tháng 5/2019, Công an tỉnh Đắk Nông phối hợp với Bộ Công an bắt tại nhà kho ở ấp 4, xã Phong Phú, huyện Bình Chánh, một số đối tượng đang pha dung môi Solmix, xăng A95 với hợp chất màu Azo với hơn 6.800 lít xăng. Lực lượng chức năng cũng phát hiện trong các ô tô xung quanh kho có 29 thùng nhựa, 6 bồn kim loại chứa 78.661 lít chất lỏng, trong đó có hơn 7.300 lít xăng A95 giả. Sau quá trình điều tra, kết quả xác định từ ngày 1/6/2018 - 28/5/2019, Nguyễn Ngọc Quan cùng các đồng phạm đã sản xuất hơn 11 triệu 790 nghìn lít xăng giả, hưởng lợi hơn 3,5 tỷ đồng.

Đối với 39 bị cáo trong đường dây sản xuất xăng dầu giả do Trịnh Sướng cầm đầu, đã sản xuất 137 triệu lít và bán ra thị trường 133 triệu lít, hưởng lợi hơn 136 tỷ đồng.