Việt Nam vươn mình trong kỷ nguyên mới

Phát triển hệ thống hồ điều hòa, bể ngầm chứa nước trong khu đô thị:

Một biện pháp nhiều tác dụng

Vân Nhi
Chia sẻ Zalo

Kinhtedothi - Hiện nay, Hà Nội đang triển khai nhiều giải pháp nhằm giảm thiểu tình trạng úng ngập, trong đó có việc tập trung phát triển hệ thống các hồ điều hòa, bề ngầm chứa nước mưa. Đây là giải pháp thoát nước bền vững, tạo không gian kiến trúc cảnh quan đô thị cho Thủ đô…

Hiệu quả đa lợi ích

Trong những năm qua, TP Hà Nội đã dành nhiều nguồn lực nhằm nâng cao năng lực tiêu thoát nước của Thủ đô. Trong đó có việc xây dựng mới rất nhiều hồ điều hòa. Song, những diễn biến phức tạp của thời tiết, của tiến trình đô thị hóa cao kết hợp với sự xuống cấp của hạ tầng thoát nước… đã khiến việc tiêu thoát nước, giảm thiểu ngập úng gặp không ít khó khăn.

Các hồ điều hòa giúp tiêu thoát nước cho các khu đô thị, đặc biệt vào mùa mưa. Ảnh: Phạm Hùng
Các hồ điều hòa giúp tiêu thoát nước cho các khu đô thị, đặc biệt vào mùa mưa. Ảnh: Phạm Hùng

Cụ thể, biến đổi khí hậu mang 2 đặc trưng cơ bản là sự cực đoan của thời tiết và nước biển dâng. Sự cực đoan của thời tiết thể hiện ở việc mưa, bão, nóng, lạnh không theo quy luật. Mưa có thể xuất hiện với lưu lượng cực lớn gây nên những trận đại hồng thủy, nhưng cũng có thể không xuất hiện trong thời gian dài gây hạn hán nghiêm trọng. Do đó, trong hoàn cảnh này, việc phát triển hệ thống các hồ điều hòa, các hầm chứa nước mưa trong đô thị là nhiệm vụ hết sức cần thiết nhằm khắc phục những tồn tại trên.

Theo thông tin từ Công ty TNHH MTV Thoát nước Hà Nội, trước đây, khi chưa có hầm chứa nước mưa, với các trận mưa dưới 50mm phố Nguyễn Khuyến đã bị ngập. Song, từ khi hầm chứa nước mưa đi vào hoạt động, tình trạng ngập úng trên tuyến phố này và một số khu vực lân cận đã cơ bản được xử lý.

“Đối với những trận mưa có cường độ từ 50 - 100mm, trước đây phố Nguyễn Khuyến sẽ ngập từ 0,5 - 0,7m, tuy nhiên, từ khi hầm chứa nước hoàn thành đi vào sử dụng, tình trạng ngập úng tuy vẫn diễn ra song đã giảm xuống từ 0,2 - 0,3m” - đại diện Công ty TNHH MTV Thoát nước Hà Nội chia sẻ.

Trao đổi với Kinh tế & Đô thị về vấn đề này, PGS.TS Nguyễn Lâm Quảng - Phó Viện trưởng Viện Môi trường đô thị và công nghiệp Việt Nam cho biết, giải pháp thoát nước bền vững trong thoát nước đô thị là sử dụng và tối ưu hóa việc tiêu thoát nước tự nhiên theo các dòng chảy bề mặt giảm tốc độ, lưu lượng dòng chảy thông qua hệ thống công trình lưu chứa nước (tự nhiên và nhân tạo) vừa giúp phòng, chống ngập úng, vừa bổ cập nguồn nước ngầm, vừa tận dụng nước mưa cho các mục đích trong đô thị như xử lý để tái sử dụng cho cấp nước đô thị, nước cứu hỏa, nước tưới cây, rửa đường…

Điều này phù hợp với quy định trong Nghị định 80/2014/NĐ-CP của Chính phủ, về thoát nước và xử lý nước thải cũng như các điều kiện của Thủ đô Hà Nội. Do đó, Hà Nội cần khẩn trưởng triển khai các biện pháp phát triển hệ thống hồ điều hòa, hầm chứa nước… nhằm tăng khả năng tiêu thoát nước, giảm ngập úng tại Thủ đô.

Cần xây dựng Luật quản lý nước mưa

Theo PGS. TS Nguyễn Lâm Quảng, hiện nay, giải pháp thoát nước bền vững đã được nghiên cứu áp dụng thí điểm tại một số đô thị tại Việt Nam. Điển hình là các dự án do Tổ chức hợp tác Đức (GIZ) tài trợ đã nghiên cứu và ứng dụng thí điểm mô hình thoát nước bền vững, tại một số đô thị duyên hải miền Trung và vùng Đồng bằng sông Cửu Long.

Ngoài ra, còn có một số dự án khác và một số đề tài nghiên cứu khoa học cấp TP và cấp bộ nghiên cứu về giải pháp thoát nước bền vững, ứng dụng cho đô thị và cho một số khu vực trong đô thị đã cho kết quả khả quan cả về kinh tế lẫn kỹ thuật…

Tuy nhiên, hiện nay, giải pháp thoát nước bền vững vẫn chưa được nghiên cứu triển khai ứng dụng rộng rãi trong thiết kế quy hoạch, xây dựng, quản lý hệ thống thoát nước đô thị nói chung, đặc biệt là trong quy trình thiết kế các đồ án về quy hoạch chuẩn bị kỹ thuật nói riêng. Nguyên nhân của tình trạng trên là chưa có các cơ sở pháp lý, thiếu các văn bản quy phạm pháp luật để ứng dụng…

 

Định hướng phát triển không gian đô thị phù hợp với điều kiện tự nhiên, sẽ hạn chế đến mức tối đa sự tác động vào tự nhiên, bảo tồn giá trị cảnh quan thiên nhiên, đảm bảo các yêu cầu sinh thái môi trường và là cơ sở cho sự phát triển bền vững.

Bên cạnh đó, các biện pháp chuẩn bị hạ tầng kỹ thuật còn đóng vai trò đảm bảo an toàn cho hoạt động của đô thị, góp phần làm tăng thêm giá trị thẩm mỹ trong không gian kiến trúc, đồng thời tạo điều kiện thuận lợi về kỹ thuật cho việc xây dựng cơ sở hạ tầng và công trình trong đô thị, mang lại hiệu quả kinh tế cao việc khai thác và sử dụng quỹ đất vào mục đích xây dựng.

Do đó, để nâng cao hiệu quả công tác tiêu thoát nước, chống ngập cho Hà Nội nói riêng và Việt Nam nói chung cần xây dựng cơ chế phí dịch vụ thoát nước mưa cũng như các chính sách liên quan đến thoát nước mưa như nghiên cứu xây dựng và ban hành Luật quản lý nước mưa.

Đồng quan điểm trên, PGS.TS Đặng Minh Hải - Phó trưởng Khoa Kỹ thuật Tài nguyên nước, Trường Đại học Thủy lợi cho rằng đối với các dự án khi có các hoạt động làm thay đổi mục đích sử dụng đất, làm thay đổi hướng thoát nước, lưu vực thoát nước thì chủ đầu tư phải có giải pháp để không làm tăng lưu lượng nước mưa chảy ra hệ thống thoát nước, không gây ngập úng cục bộ.

Trong đó nhấn mạnh việc, chủ đầu tư khi muốn xây dựng chung cư, khu đô thị phải có giấy phép thoát nước mưa… hay nói cách khác là phải trả phí dịch vụ thoát nước mưa và coi đây là điều kiện kiên quyết, bắt buộc.

Đề cập đến vấn đề này, nhiều chuyên gia cho rằng, giải pháp thoát nước bền vững hay còn gọi là giải pháp thoát nước chậm, nghĩa là nước mưa được chuyển động từ trạng thái này sang trạng thái khác nhằm kéo dài thời gian dòng chảy để đưa đường quá trình dòng chảy trong đô thị trở lại gần giống với đường quá trình dòng chảy trong môi trường tự nhiên. Do đó, để thực hiện được mục tiêu này, Hà Nội cần tập trung thực hiện kiểm soát nguồn nước tại nguồn; kiểm soát trên mặt bằng và kiểm soát trên toàn khu vực.

Cụ thể, đối với việc kiểm soát tại nguồn, Hà Nội cần xây dựng sử dụng các hệ thống lưu trữ bể ngầm và tái sử dụng nước mưa tại mỗi gia đình, mỗi tòa nhà công sở. Phát triển hệ thống mái nhà xanh, nhằm tăng khả năng lưu giữ một lượng lớn nước mưa trên mái, trong thảm thực vật và trong lớp đất. Nhờ đó, giảm lượng nước mưa chảy xuống từ các mái nhà đi vào hệ thống thoát nước đô thị, giảm thiểu ngập úng cục bộ do mưa.

 

Theo quy hoạch thoát nước Thủ đô Hà Nội đến năm 2030, tầm nhìn 2050 được Thủ tướng Chính phủ phê duyệt tại Quyết định số 725 ngày 10/5/3013, hệ thống thoát nước khu vực nội thành được chia làm 4 lưu vực: Tô Lịch, tả sông Nhuệ, hữu sông Nhuệ, Long Biên.