Việt Nam vươn mình trong kỷ nguyên mới

Một nửa rừng ngập mặn thế giới trước nguy cơ biến mất hoàn toàn

Thùy Dương
Chia sẻ Zalo

Kinhtedothi - Theo khảo sát mới nhất của một tổ chức bảo tồn quốc tế, một nửa hệ sinh thái rừng ngập mặn trên thế giới đang đứng trước nguy cơ bị phá hủy do hoạt động của con người, mực nước biển dâng cao và thời tiết khắc nghiệt. 

Toàn cảnh rừng ngập mặn ở Abu Dhabi, Các Tiểu vương quốc Ả Rập Thống nhất, ngày 10 tháng 10 năm 2023. Ảnh: REUTERS/Amr Alfiky
Toàn cảnh rừng ngập mặn ở Abu Dhabi, Các Tiểu vương quốc Ả Rập Thống nhất, ngày 10 tháng 10 năm 2023. Ảnh: REUTERS/Amr Alfiky

Liên minh bảo tồn Thiên nhiên Quốc tế (IUCN) khuyến cáo khoảng 1/4 tổng diện tích rừng ngập mặn trên thế giới có thể bị nhấn chìm hoàn toàn trong vòng 50 năm tới, trong đó những hệ sinh thái đang đứng trước nguy cơ biến mất ở Ấn Độ, Sri Lanka và Maldives dự kiến ​​sẽ phải gánh chịu hậu quả nặng nề. 

Marcos Valderrabano, người điều hành “Sách đỏ” của IUCN đánh giá các mối đe dọa hệ sinh thái cho biết: “Đánh giá toàn cầu này cho thấy 50% rừng ngập mặn trên toàn thế giới có nguy cơ bị tàn phá và con số này cao hơn nhiều so với những gì chúng tôi dự đoán”.

Rừng ngập mặn bao phủ khoảng 15% bờ biển thế giới, đóng vai trò quan trọng trong kinh tế và sinh thái, với tác dụng lọc nước và cung cấp nơi sinh sản cho cá và các sinh vật biển khác.

Ngoài việc lưu trữ khoảng 11 tỷ tấn carbon, rừng ngập mặn còn đóng vai trò là vùng đệm quan trọng bảo vệ các cộng đồng ven biển trước nguy cơ nước dâng do bão và lũ lụt.

Singapore, quốc gia đã mất gần như toàn bộ khu vực rừng ngập mặn ven biển do hoạt động khai hoang, hiện đang lên kế hoạch cho một chương trình phục hồi nhằm giúp bảo vệ bờ biển trũng trước tình trạng mực nước biển dâng cao.

IUCN đã tập hợp hơn 250 chuyên gia để tiến hành khảo sát và nhận thấy rằng biến đổi khí hậu đã ảnh hưởng đến sự phân bố không gian của rừng ngập mặn. Báo cáo cho biết những thay đổi gây tổn hại đến hệ sinh thái cũng ngày tăng lên bởi việc sử dụng rộng rãi nguồn nước ngọt cho mục đích tưới tiêu.

Ông Valderrabano cho biết cần có các biện pháp nhằm giúp rừng ngập mặn thích ứng tốt hơn với biến đổi khí hậu và tăng khả năng phục hồi.

“Điều này sẽ rất quan trọng nếu chúng ta muốn ngăn chặn một số hệ sinh thái rừng ngập mặn trước nguy cơ biến mất hoàn toàn”, vị chuyên gia này cho biết.