Jakarta liên tục bị xếp hạng trong số 10 TP ô nhiễm nhất toàn cầu kể từ tháng 5 năm nay, theo bảng xếp hạng được tổng hợp bởi công ty công nghệ chất lượng không khí Thụy Sĩ IQAir. TP này thậm chí đã đứng đầu bảng xếp hạng hồi tuần trước và sau đó xuống thứ 2 hôm 14/8.
Trong cuộc họp Nội các cùng ngày, Tổng thống Indonesia Joko Widodo đổ lỗi cho tình trạng ô nhiễm từ "giao thông đường bộ quá tải, mùa khô kéo dài và ngành sản xuất chủ yếu sử dụng than đá".
Bản thân ông Widodo cũng đã trải qua cơn ho nặng kéo dài trong gần 4 tuần, mà theo một quan chức Chính phủ là do mức độ ô nhiễm cao ở Jakarta. "Như bác sĩ của Tổng thống đã nói, căn bệnh này nhiều khả năng là do chất lượng không khí kém và có hại cho sức khỏe" - Bộ trưởng Du lịch Indonesia, Sandiaga Uno, trả lời báo giới sau cuộc họp Nội các hôm 14/8.
Chính phủ Indonesia sau cuộc họp cho biết họ sẽ tiến hành kiểm tra ngẫu nhiên các phương tiện và buộc người lái xe tại Jakarta phải trải qua các bài kiểm tra khí thải. Quy định này sẽ xem xét phạt tiền đối với những người không tuân thủ và thu hồi giấy phép đối với những người vi phạm nhiều lần.
Chính quyền Jakarta đang xem xét yêu cầu một nửa số công chức làm việc tại nhà. Chính quyền trung ương được cho cũng sẽ sớm đưa các bài kiểm tra khí thải thành một phần trong quá trình xin giấy phép đăng ký phương tiện tại thủ đô.
Bộ trưởng Môi trường Siti Nurbaya Bakar phát biểu trong một cuộc họp báo hôm 14/8: “Chúng tôi sẽ bắt đầu thí điểm ở Jakarta và khi tình hình trở nên tốt hơn, chúng tôi sẽ mở rộng mô hình này".
Tổng thống Widodo cũng khuyên các công ty áp dụng chế độ làm việc kết hợp ở nhà và từ xa, đồng thời kêu gọi điều chỉnh thời tiết ở Vùng đô thị Jakarta (Greater Jakarta). Việc điều chỉnh thời tiết bao gồm các kỹ thuật như gieo mây, đã được sử dụng ở Indonesia trong mùa khô, như việc bắn các tia lửa muối vào các đám mây để kích hoạt mưa.
"Ngoài ra, hãy tiếp tục theo dõi khu vực công nghiệp và các nhà máy điện chủ yếu xung quanh Greater Jakarta" - Tổng thống nói với các bộ trưởng. Các nhóm môi trường từ lâu đã chỉ điểm các nhà máy nhiệt điện than là nguyên nhân gây ô nhiễm cao.
Một số biện pháp khác cũng đang được xem xét, bao gồm yêu cầu ô tô có dung tích động cơ từ 2.400cc trở lên sử dụng nhiên liệu có chỉ số octan 98, và yêu cầu mỗi phương tiện phải chở 4 người.
Cư dân Jakarta, với số lượng hơn 10 triệu người, từ lâu đã phàn nàn về chất lượng không khí kém. Một nhóm cư dân từng thắng một vụ kiện dân sự mang tính bước ngoặt chống lại Chính phủ hồi năm 2021, khiến Tổng thống Widodo lúc bấy giờ phải ra lệnh thiết lập các tiêu chuẩn chất lượng không khí quốc gia để bảo vệ sức khỏe con người, đồng thời yêu cầu Bộ trưởng y tế và Thống đốc Jakarta đưa ra các chiến lược để kiểm soát ô nhiễm không khí.