Mùa cao điểm cuối năm, doanh nghiệp đối diện nhiều thách thức

Phương Nga
Chia sẻ Zalo

Kinhtedothi – Trước áp lực về chi phí đầu vào tăng, gián đoạn chuỗi cung ứng, sự bất ổn định trong dòng tiền của doanh nghiệp (DN),... nhiều DN mong muốn được tiếp cận nguồn vốn vay với lãi suất ưu đãi, đặc biệt trong dịp cuối năm để nhập hàng, chuẩn bị lấy đà cho năm sau.

Khó khăn bủa vây

Chỉ còn chưa đầy 2 tháng nữa sẽ khép lại năm 2022, Tết Nguyên đán Quý Mão 2023 cũng sẽ đến sớm hơn so với mọi năm. Thời điểm này DN đang tăng tốc tích trữ nguyên liệu, đầu tư sản xuất, chạy “nước rút” để hoàn thành kế hoạch năm. Tuy nhiên, trong bối cảnh giá nguyên vật liệu đầu vào tăng cao, chuỗi cung ứng bất ổn định, nguồn vốn bị bó hẹp… khiến nhiều DN chật vật về đích.

Phó Cục trưởng Cục Phát triển DN (Bộ KH&ĐT) Bùi Thu Thủy cho biết, những biến động của thế giới đã đẩy giá nguyên – nhiên liệu tăng cao, đặc biệt là giá dầu cao nhất trong lịch sử. Giá thành vì thế đội lên nhiều lần, sản phẩm hàng hóa làm ra nhiều nơi bị đình đốn vì chưa tìm được thị trường tiêu thụ, do đứt gãy chuỗi cung ứng. Giá cả nguyên liệu đầu vào tăng đã ảnh hưởng trực tiếp đến chi phí sản xuất, kinh doanh của DN trong dịp này. Hiện có những gói thầu tăng giá từ 18-30%, giá logistics tăng 3-5 lần. Nhiều DN trong lĩnh vực chế biến, chế tạo đang gặp khó do giá nhập nguyên liệu, linh kiện tăng.

Công nhân làm việc tại Tổng Công ty May 10. Ảnh: Khắc Kiên
Công nhân làm việc tại Tổng Công ty May 10. Ảnh: Khắc Kiên

Hoạt động trong lĩnh vực công nghiệp phụ trợ, sản xuất mạch nha, đường glucose cho công nghiệp bánh kẹo thực phẩm và công nghiệp hàng tiêu dùng (miến, bún, phở khô), Chủ tịch HĐQT kiêm Tổng Giám đốc Công ty CP thực phẩm Minh Dương Nguyễn Duy Hồng cho biết: Công ty đã bắt đầu khởi động cho việc sản xuất hàng cuối năm. Đến nay, Công ty đã nhận đủ đơn hàng sản xuất ổn định tới hết quý 4/2022. Sản lượng hàng hóa phục vụ thị trường trong dịp này tăng khoảng 20% so với quý 3.

Tuy nhiên, theo ông Nguyễn Duy Hồng, so với mọi năm, năm nay chi phí đầu vào của Công ty tăng khoảng 7% so với mọi năm. Công ty đang cân đối lại các tất cả chi phí như: giá nguyên liệu đầu vào, chi phí vận tải, nhân công… để giữ giá đầu ra ổn định, giữ chân khách hàng.

Bên cạnh chi phí đầu vào tăng, trước áp lực của việc tăng lãi suất huy động, lãi suất cho vay tại các ngân hàng thương mại tăng theo, khiến nhiều DN gặp khó. Chủ tịch Hiệp hội BĐS TP Hồ Chí Minh (HoREA) Lê Hoàng Châu cho biết, hiện nay các DN BĐS đang đứng trước tình thế vô cùng khó khăn. Một số tập đoàn, DN BĐS đang thu hẹp quy mô đầu tư sản xuất, kinh doanh, tinh giảm lao động. Điều đáng quan ngại là tình trạng các dự án làm dang dở không có dòng vốn để tiếp tục. Các dự án có ngân hàng thương mại cam kết cho vay, đóng tiền từng đợt hiện nay cũng không vay được. Trong khi đó, khách hàng rất khó khăn, không vay được tiền để mua nhà theo lộ trình đã xây dựng. Từ chỗ không có dòng tiền, DN không thể thi công, ảnh hưởng tới thanh toán cho các nhà cung cấp vật tư, nhà thầu…

Chia sẻ về vấn đề này, TS Trần Du Lịch – Hội đồng tư vấn Chính sách tiền tệ Quốc gia cho biết, chính sách tín dụng ưu tiên phục vụ kiểm soát lạm phát, giữ giá trị tiền đồng và an toàn của hệ thống ngân hàng nên đã buộc phải tăng lãi suất. Lãi suất cho vay trên 10%  thì khó có DN nào có thể làm ăn có lãi để vay. Riêng gói hỗ trợ lãi suất 2% thì triển khai còn chậm, nhiều DN dè dặt hoặc không đạt tiêu chuẩn vay.

Tiếp sức doanh nghiệp

Để hỗ trợ DN sản xuất, kinh doanh trong giai đoạn “nước rút” khó khăn này, nhiều DN kiến nghị hệ thống ngân hàng tạo điều kiện thuận lợi hơn nữa cho DN tiếp cận vốn vay với lãi suất ưu đãi, đặc biệt dịp cuối năm để người dân và DN nhập hàng chuẩn bị cho các đơn hàng đầu năm sau.

Trong công văn gửi tới Thủ tướng mới đây, HoREA kiến nghị Ngân hàng Nhà nước xem xét nới room tín dụng thêm khoảng từ 1-2% để có thêm nguồn vốn tín dụng khoảng 100.000 – 200.000 tỷ đồng để hỗ trợ cho nền kinh tế trong giai đoạn cao điểm cuối năm. Bên cạnh đó, Hiệp hội cũng đề nghị Bộ Tài chính và Chính phủ xem xét, tạo điều kiện cho nhà đầu tư cá nhân được đầu tư, mua trái phiếu DN riêng lẻ với một tỷ lệ nhất định.

Chia sẻ với những khó khăn của DN, TS Trần Du Lịch cho rằng, việc cần làm ngay lúc này là khơi thông nguồn vốn, tiếp sức cho DN. Bởi nếu để ngưng trệ dây chuyền sản xuất thì rất khó khăn phục hồi trong thời gian tới.

Theo TS Trần Du lịch, Nhà nước luôn khẳng định đồng hành cùng DN, nhất là lúc khó khăn thì nên tập trung có nhiều giải pháp tháo gỡ để giữ đà phục hồi sau đại dịch. Trong bối cảnh chính sách tiền tệ ở thế khó, không thể nới lỏng, thì không nên dàn trải mà phải lựa chọn đối tượng để có sự hỗ trợ đúng chỗ.

Về phía DN, trước cơn bão giá nguyên liệu và chi phí sản xuất tăng cao, DN cần đa dạng hóa nguồn cung nguyên liệu, tránh phụ thuộc vào nhập khẩu, mở rộng vùng nguyên liệu trong nước để từng bước tự chủ; từng bước thay thế dây chuyền sản xuất cũ, năng suất thấp sang dây chuyền sản xuất hiện đại, năng suất cao.

Còn theo Phó Tổng Thư ký Liên đoàn Thương mại và Công nghiệp Việt Nam (VCCI) Đậu Tuấn Anh, để cải thiện khả năng tiếp cận vốn của DN, cần làm nhiều cách. Cần có sự kết nối giữa DN và ngân hàng tích cực, bản thân DN cũng cần có sự hỗ trợ từ các quỹ, như quỹ hỗ trợ DN nhỏ và vừa; các chương trình vay vốn cho DN cần triển khai tích cực hơn vì pháp luật thì có nhưng triển khai trên thực tế vẫn ít.

Bên cạnh đó, gói hỗ trợ 2% lãi vay thương mại trong chương trình phục hồi kinh tế - xã hội 2022 – 2023 cho DN một số ngành theo Nghị quyết 43 của Quốc hội và Nghị quyết 11 của Chính phủ cần được triển khai mạnh mẽ hơn để hỗ trợ thực chất hơn.

Để hỗ trợ DN phục hồi, ngành Ngân hàng đã có những giải pháp thiết thực. Theo đó, một số ngân hàng đã áp dụng lãi suất thấp đối với các DN tham gia bình ổn giá, đặc biệt ngành đang tích cực giải ngân gói hỗ trợ lãi suất 2% cho các DN đủ điều kiện vay vốn. Với lãi suất ưu đãi hợp lý, DN có thể mở rộng sản xuất, mở rộng vùng nguyên liệu, kho bãi… tạo điều kiện để tiết kiệm chi phí, ổn định sản xuất.