Hoạt động thuộc chuỗi sự kiện “Cộng đồng và DN với quy định giảm phát thải khí nhà kính và Cơ chế Carbon”, nhằm tuyên truyền chủ trương định hướng, chính sách pháp luật và kế hoạch hành động nhằm giảm phát thải khí nhà kính góp phần cùng thực hiện mục tiêu Net Zero. Những đóng góp, tham vấn của các nhà khoa học, chuyên gia về môi trường, công nghệ tại hội thảo sẽ được tổng hợp để kiến nghị lên Quốc hội.
Chuỗi hội thảo của diễn đàn sẽ là nơi để các nhà khoa học chia sẻ giải pháp, công nghệ sáng tạo trong ứng phó biển đổi khí hậu. Đồng thời, tạo môi trường tiếp cận để các đơn vị, DN, người dân kịp bắt nhịp những yêu cầu bắt buộc phải thay đổi trong tương lai đối với kinh tế xanh, tài chính xanh.
Phát biểu khai mạc Diễn đàn, nguyên Thứ trưởng Bộ TN&MT, TS.Nguyễn Linh Ngọc - Chủ tịch Hội Nước sạch và Môi trường Việt Nam khẳng định, biến đổi khí hậu là một trong những vấn đề nghiêm trọng, có thể nói đây là một thách thức lớn đối với toàn nhân loại.
Nguyên nhân chính là do lượng phát thải khí nhà kính tăng lên trong những năm qua. Để giảm những hậu quả do biến đổi khí hậu gây ra, thế giới đang đẩy mạnh các hoạt động giảm phát thải khí nhà kính ở cấp độ toàn cầu.
Đây cũng là cơ hội để các quốc gia thúc đẩy một cuộc cách mạng trong sản xuất, tiêu dùng và giao thông vận tải… để loại bỏ lượng lớn carbon thải ra, hoặc sử dụng công nghệ thu giữ và lưu trữ, loại bỏ carbon tại nguồn phát thải.
“Với mục tiêu cao nhất của Chính phủ thì đây vừa là thách thức nhưng cũng là cơ hội mới để các cơ quan, tổ chức, DN thực hiện đồng bộ cơ chế, giải pháp, ứng dụng, chuyển giao công nghệ xanh nhằm thích ứng với biến đổi khí hậu”, TS. Hà Linh Ngọc nói.
Nói về ứng phó biến đổi khí hậu, Phó Chủ nhiệm Ủy ban Khoa học công nghệ môi trường của Quốc hội, TS.Tạ Đình Thi cho rằng, tại hội nghị COP26, Việt Nam đã đưa ra cam kết chính trị mạnh mẽ trong nội dung này. Đồng thời, trong nỗ lực chung, Thủ tướng Chính phủ cũng đã phê duyệt nhiều nội dung nằm trong chiến lược quốc gia trong giai đoạn mới với mục tiêu xanh hóa các ngành kinh tế, khai thác hiệu quả tài nguyên thiên nhiên và năng lượng, phát huy lợi thế cạnh tranh trong chuỗi kinh tế xanh toàn cầu.
Điều này, thể hiện rõ nét và khẳng định mạnh mẽ tăng trường xanh, kinh tế xanh, kinh tế số là yêu cầu cấp thiết hiện nay. Nếu không bắt kịp với thế giới, chúng ta sẽ bỏ lẽ nhiều cơ hội phát triển. Người dân cần nắm bắt sớm, chuyển đổi ngay. Về thể chế, chính sách có ảnh hưởng sâu rộng đến phát triển của DN. Trong đó có cả các bên liên quan.
Đối với một số nhiệm vụ cần thực hiện, TS. Tạ Đình Thi cho rằng, thứ nhất, việc phát triển thị trường carbon cần được tăng tốc độ. Trong đó, các hội đồng khoa học, DN, người dân cần chung tay đóng góp và đây là tiền đề phát triển chung bao trùm xã hội.
Thứ hai, cùng nhau tìm giải pháp, hiệu quả để đạt được mục tiêu Net-zoro. Diễn đàn cũng đề cập đến vấn đề tài chính xanh. Trong đó, tín dụng xanh, trái phiếu xanh đang giữ vai trò đặc biệt quan trọng trong phát triển chung của các ngành, nghề trên thế giới. Do đó, cần thêm những ý kiến đóng góp để tạo hành lang pháp lý phù hợp, phát huy vai trò của nhà nước trong phát triển 2 ngành kinh tế nêu trên.
Thứ ba, làm sao để Việt Nam có được sự thúc đẩy của quốc tế trong quá trình hội nhập để mang lại nhiều lợi nhuận hơn. “Tôi cho rằng các DN cần hết sức lưu ý để bắt nhịp quá trình hội nhập. Từ đó, tạo ra thêm nhiều nguồn lực, tài chính để phát triển”, ông Tạ Đình Thi, Phó Chủ nhiệm Ủy ban khoa học công nghệ của Quốc hội nói.
Diễn đàn bao gồm các bài tham luận: Kiểm kê khí nhà kính – trách nhiệm của tổ chức, DN trong thực hiện các quy định pháp luật về biến đổi khí hậu và mục tiêu Net zero của TS. Hà Quang Anh, Cục Biến đổi khí hậu Bộ TN&MT; Thương mại tín chỉ các-bon rừng – Cơ hội và thách thức của TS. Vũ Tấn Phương, Viện Khoa học Lâm nghiệp Việt Nam, Bộ TN&MT; chia sẻ về công cụ kiểm soát khí nhà kính Zeroboard của đại diện Nagase và Zeroboard Nhật Bản.
Đồng thời, những nội dung còn thiếu, cần góp ý sẽ được các đại diện khách mời của cơ quan quản lý nhà nước, tổ chức, DN đưa ra trao đổi, thảo luận để xây dựng những điều kiện cần thiết trong mục tiêu phát thải ròng bằng 0 vào năm 2050 như: thị trường carbon, trao đổi tín chỉ carbon..