Việt Nam vươn mình trong kỷ nguyên mới

Muốn làm mới, cần tư duy mới

Hòa Thắng
Chia sẻ Zalo

Kinhtedothi - Bàn về định hướng đổi mới công tác đào tạo, sát hạch và cấp GPLX, các chuyên gia cho rằng, muốn đổi mới thành công, hiệu quả thì trước tiên phải đổi mới từ tư duy.

Công tác đào tạo, sát hạch cấp GPLX ô tô ở nước ta được đổi mới rất nhiều trong thời gian qua. Đổi mới từ chương trình đào tạo đến khâu giám sát khi sát hạch. Tuy nhiên, có một nghịch lý là mặc dù liên tục đổi mới nhưng chất lượng đào tạo, sát hạch cấp GPLX lại gần như chưa cải thiện.

Một số cơ sở đào tạo lái xe máy chưa chú trọng giảng dạy cho học viên hiểu biết về pháp luật giao thông đường bộ, kỹ năng điều khiển xe an toàn và xử lý các tình huống có nguy cơ xảy ra tai nạn giao thông, cũng như nâng cao ý thức, đạo đức và văn hóa giao thông của người lái xe.

Cần thắt chặt hơn nữa công tác đào tạo, sát hạch lái xe để đảm bảo an toàn giao thông. Ảnh Phạm Hùng 
Cần thắt chặt hơn nữa công tác đào tạo, sát hạch lái xe để đảm bảo an toàn giao thông. Ảnh Phạm Hùng 

Chuyên gia giao thông Phùng Văn Huệ - Trung tâm đào tạo lái xe an toàn, Công ty Honda Việt Nam cho rằng, để có những người lái xe an toàn tham gia giao thông, công tác đào tạo đóng vai trò quan trọng hàng đầu.

Vì vậy, phải thay đổi định hướng đào tạo theo hướng đào tạo lái xe an toàn, không chỉ đơn thuần là đào tạo, sát hạch cấp GPLX, từ đó mới đưa ra được giải pháp phù hợp. Có nhiều thứ phải thay đổi, nhưng trước tiên là phải thay đổi các nội dung không cần thiết trong chương trình đào tạo hiện nay.

“Tại Việt Nam, cả việc tham gia giao thông và công tác đào tạo sát hạch, cấp GPLX nhìn chung còn khá dễ dãi, bất cập. Nguyên nhân một phần do chương trình đào tạo lái xe có nhiều nội dung chưa phù hợp” - chuyên gia Phùng Văn Huệ nói.

Theo vị chuyên gia này, tại các nước phát triển trên thế giới, công tác đào tạo, sát hạch GPLX của họ tập trung rất nhiều vào việc đào tạo những kỹ năng để người học lái xe an toàn, đặc biệt là đào tạo những kỹ năng nhận diện các tình huống và phòng chống rủi ro khi tham gia giao thông. “Về thực hành, phải tập trung đào tạo kỹ năng lái xe an toàn, không đơn thuần là điều khiển xe” - ông Phùng Văn Huệ nhấn mạnh.

Trước đòi hỏi mạnh mẽ về việc đổi mới công tác đào tạo, sát hạch và cấp GPLX, Bộ GTVT đang khẩn trương cho sửa đổi những quy định hiện hành để phù hợp với tình hình mới.

Tại dự thảo sửa đổi Thông tư 12/2017, Bộ GTVT đã đề xuất quy định theo hướng học viên có thể chọn hình thức học theo nhu cầu như tự học, học online, học từ xa, học có hướng dẫn của giáo viên trung tâm và sẽ tập trung quản lý khâu sát hạch.

Bên cạnh đó, để tạo thuận lợi cho người học, ngoài đề xuất học viên học lái xe có thể học trực tuyến phần lý thuyết, tại lần sửa đổi Thông tư 12 này, nhiều nội dung đào tạo cũng được Bộ GTVT đề xuất tiết giảm. Có thể kể đến việc cắt giảm thời lượng môn học nghiệp vụ vận tải, bởi hiện có trên 80% số người học lái xe không có nhu cầu làm nghề kinh doanh vận tải nên bắt buộc họ học là không cần thiết.

Hay như với môn cấu tạo và sửa chữa Bộ GTVT đề xuất không cần thiết phải nghiên cứu sâu về cấu tạo xe mà tập trung vào rèn luyện kỹ năng điều khiển phương tiện cho học viên để đáp ứng nhu cầu chuyên môn hóa cao hiện nay.

Tương tự, với phần thực hành, các bài thi cũng được xây dựng theo hướng người học được xét cấp chứng chỉ đào tạo thay cho việc phải thi để được cấp chứng chỉ nghề. Đơn cử như với phần thực hành lái xe trong sân, người học cần bảo đảm thời gian học theo quy định (41 giờ đối với hạng B2) và 50% số km.

Hiện nay, người học cần đủ thời gian và đủ 100% số km. Hay như phần học lái xe trên đường, học viên cần bảo đảm đủ số km, tối thiểu 50% thời gian (quy định hiện nay đủ số km và 100% thời gian).

Ông Lương Duyên Thống - Trưởng phòng Quản lý vận tải, phương tiện và người lái, Cục Đường bộ Việt Nam cho biết, phần lớn quy định về công tác đào tạo và sát hạch cấp giấy phép lái xe đã thực hiện từ rất lâu. Hệ thống văn bản đã ổn định và thường xuyên được cập nhật, tiếp thu các ý kiến góp ý của người học, các cơ sở đào tạo cũng như các cơ quan, đơn vị.

Về phía Cục Đường bộ  Việt Nam, ông Lương Duyên Thống cho biết cơ quan này đã phối hợp với Ủy ban An toàn giao thông Quốc gia, các cơ quan của bộ cũng như Đài Truyền hình Việt Nam lấy các tình huống mất an toàn giao thông, gây ra những vụ tai nạn nghiêm trọng và đặc biệt nghiêm trọng sau đó mô phỏng lại trên phần mềm 3D. Mục đích là cho người học nhận biết các tình huống chứ không phải là xử lý tình huống.

“Cục Đường bộ Việt Nam đang xây dựng quy định quản lý lái xe sau đào tạo bằng việc xây dựng phần mềm theo dõi và sẽ biết chính xác” - ông Lương Duyên Thống cho hay.