Việc Berlin và Washington đạt được một thỏa thuận liên quan cũng được Thứ trưởng Ngoại giao Mỹ Victoria Nuland xác nhận khi bà điều trần trước Thượng viện Mỹ.
Một quan chức cấp cao của Bộ Ngoại giao Mỹ hôm 21/7 cho biết, trong thỏa thuận đạt được, Đức cam kết thực hiện các biện pháp, kể cả trừng phạt, nếu Nga "tìm cách sử dụng năng lượng như một vũ khí hoặc thực hiện các hành động gây hấn hơn nữa đối với Ukraine".
Quan chức này nói thêm rằng Mỹ cũng sẽ bảo lưu quyền áp dụng các biện pháp trừng phạt trong trường hợp Nga sử dụng năng lượng như một công cụ gây sức ép chính trị.
Cũng theo quan chức của Bộ Ngoại giao Mỹ, Berlin và Washington “kiên quyết cam kết đối với chủ quyền và toàn vẹn lãnh thổ” của Ukraine, và đã tham vấn chặt chẽ với Kiev về vấn đề này.
Theo thỏa thuận, Đức và Mỹ nhất trí hỗ trợ gia hạn thỏa thuận vận chuyển khí đốt qua Ukraine (theo kế hoạch hết hiệu lực vào năm 2024), kéo dài thêm 10 năm nữa.
Bên cạnh đó, hai bên cũng thống nhất nỗ lực để giảm thiểu sự phụ thuộc của Ukraine vào khí đốt của Nga cũng như doanh thu trung chuyển khí đốt.
Trong thỏa thuận, Đức và Mỹ cũng nhất trí thành lập một "Quỹ xanh Ukraine" với nguồn tài trợ khởi nghiệp là 200 triệu euro từ Đức để đầu tư đảm bảo an ninh năng lượng ở Ukraine cũng như năng lượng bền vững trên toàn châu Âu.
Nhà Trắng hôm 21/7 thông báo rằng Tổng thống Joe Biden sẽ tiếp Tổng thống Ukraine Volodymyr Zelensky vào tháng tới.
Việc Mỹ và Đức đạt thỏa thuận cho phép hoàn thành tuyến đường ống khí đốt của Nga cũng sẽ giúp tạo điều kiện thuận lợi cho tái khởi động quan hệ Berlin – Washington sau những năm khó khăn dưới thời cựu Tổng thống Mỹ Donald Trump.
Dự án Dòng chảy phương Bắc 2, hiện đã hoàn thành 98%, giúp tăng gấp đôi công suất vận chuyển khí đốt của Nga so với Dòng chảy phương Bắc 1 và đảm bảo nguồn cung cấp cho các nước Tây Âu qua biển Baltic.
Mỹ và các đồng minh ở Đông Âu, đặc biệt là Ba Lan và Ukraine, đã tích cực phản đối việc xây dựng tuyến đường ống khí đốt Dòng chảy Phương Bắc 2. Washington đã áp đặt hai đợt trừng phạt đối với Nga, khi cáo buộc rằng một khi Dòng chảy phương Bắc 2 đi vào hoạt động châu Âu sẽ trở nên phụ thuộc vào khí đốt của Nga hơn.
Tuy nhiên, vào tháng 5 vừa qua, Mỹ đã miễn trừ các biện pháp trừng phạt đối với Nord Stream 2 AG - nhà điều hành dự án Dòng chảy Phương Bắc 2 và giám đốc điều hành người Đức của công ty này.
Về phần mình, Nga khẳng định rằng dự án này hoàn toàn là một nỗ lực kinh tế và đã nhiều lần khẳng định rằng nó sẽ không ảnh hưởng đến việc vận chuyển khí đốt qua Ukraine theo các hợp đồng hiện tại.